Sản Xuất Vụ Đông Xuân Các Địa Phương Chú Trọng Đảm Bảo Cơ Cấu Giống Cây Trồng
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 9.761 ha cây trồng các loại, tăng 537 ha so với vụ đông xuân năm ngoái; trong đó, lúa nước: 4.620 ha, ngô: 2.641 ha, khoai lang: 1.120 ha, đậu đỗ các loại: 250 ha và hơn 1.130 ha rau xanh.
Tuy nhiên, cùng với kế hoạch về diện tích thì nội dung quan trọng mà ngành chức năng và các địa phương đang triển khai, đó là đảm bảo về cơ cấu giống cây trồng.
Theo đó, đối với cây lúa, ngành Nông nghiệp đã định hướng việc xác định cơ cấu giống cây trồng phù hợp với từng huyện, thị xã trên cơ sở căn cứ vào lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nước và trình độ canh tác của nhà nông. Đó là, các loại giống đều phải đảm bảo là có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu hạn hán cao, kháng bệnh tốt và cho năng suất cao.
Cụ thể như VND 95-20, IR 59606, OM 1706, các giống lúa lai như Nhị ưu 838, VT 404, BTE 1. Theo ông Trần Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút thì vụ đông xuân này, địa phương có kế hoạch sản xuất 850 ha lúa. Đối với giống, đại đa số bà con đều tiếp tục sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có chất lượng sản phẩm hạt gạo cao. Huyện cũng đang tích cực phối hợp với các công ty cung ứng giống có uy tín để đáp ứng nhu cầu giống lúa cho bà con.
Trong đó, địa phương sẽ kết hợp việc giúp nông dân có thể học tập được các kỹ thuật cao hơn trong canh tác qua việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, áp dụng các biện pháp như “3 giảm, 3 tăng”, hình thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa.
Huyện cũng sẽ mở rộng mô hình sản xuất các giống lúa chất lượng cao như AC5, Vĩnh Hòa 1. Sản phẩm gạo do nhà nông trên địa bàn Chư Jút làm ra từ những giống mới này đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, đầu ra ổn định.
Cây ngô được các địa phương chú trọng phát triển trên những chân đất có điều kiện phù hợp, những diện tích đất lúa cao cạn và một số diện tích lúa nước hai vụ không đảm bảo nguồn nước trong vụ đông xuân sang sản xuất ngô. Những giống ngô mà người dân luôn ưu tiên sử dụng đều có thời gian sinh trưởng trên dưới 100 ngày như DK 171, DK 414, C919, Bioseed, NK 54, NK 66.
Đây là những giống đã cho hiệu quả kinh tế cao ở những vụ đông xuân trước. Krông Nô là địa phương có diện tích ngô sản xuất đông vụ đông xuân này lớn nhất tỉnh là 1.750 ha, sản lượng ước đạt khoảng 13.650 tấn. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì vụ đông xuân năm 2015, địa phương tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH CP Việt Nam xây dựng mô hình trồng ngô lai F1 làm giống trên chân đất bãi bồi ven sông, với diện tích tăng lên so với vụ đông xuân năm ngoái, đạt khoảng 50 ha.
Theo tính toán mỗi năm 2 vụ, sản xuất ngô giống bà con có lãi cao hơn so với ngô thương phẩm bình thường gần 19 triệu đồng/ha. Cùng với diện tích này, huyện cũng động viên, hướng dẫn và đôn đốc nhân dân chuẩn bị tốt về mọi điều kiện để xuống giống ngô một cách đại trà. Công tác kiểm tra việc kinh doanh giống ngô tại các cơ sở, đại lý trên địa bàn cũng đang được triển khai nhằm đảm bảo nguồn giống có chất lượng cao được cung ứng đến bà con.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT thì vụ đông xuân này, ngành cũng sẽ tăng cường triển khai, nhân rộng các mô hình về thâm canh các giống lúa lai, lúa thuần, ngô lai chất lượng cao trên địa bàn các huyện thị, xã. Trong đó, ngành sẽ ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc để bà con có thể học tập, áp dụng vào sản xuất các giống mới, ngắn ngày mang lại giá trị kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích canh tác.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/san-xuat-vu-dong-xuan-cac-dia-phuong-chu-trong-dam-bao-co-cau-giong-cay-trong-35927.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ