Sản xuất vụ lúa đông xuân 2018-2019: Cày ải sớm, cắt mầm bệnh
Theo Sở NN-PTNT, cày ải đất lúa sớm sẽ cắt mầm bệnh tồn lưu trên gốc rạ, cũng như tàn dư của cỏ dại. Vì vậy hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang vận động nông dân, ngay sau khi hết mưa lũ thì tiến hành cày vùi lúa chét, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2018-2019.
Nông dân xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cày ải đất - Ảnh: LÊ TRÂM
Cày ải sớm
Sau vụ hè thu 2018, trên các cánh đồng qua 3 tháng bỏ hoang, lúa chét mọc dày là cầu nối gây sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân sắp đến. Vì vậy cày ải sớm để vùi gốc rạ khử chua đồng ruộng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đồng thời diệt mầm bệnh.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, khi đất được cày ải, cây lúa sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn, nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh - là tiền đề cho năng suất cao. Vụ đông xuân 2018-2019, dự kiến huyện Đông Hòa gieo sạ 4.700ha.
Ông Nguyễn Phụng Hoàng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho hay: Để đảm bảo gieo sạ đúng lịch thời vụ, kết hợp tưới tiêu hiệu quả, các HTX trong huyện huy động số máy cày hiện có và hợp đồng thêm để phục vụ cày ải. HTX phân bổ diện tích cho từng máy cày theo từng vùng cụ thể, đồng thời giao khâu nghiệm thu cho các hộ gia đình.
Hiện nay, tỉ lệ sử dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất toàn huyện đạt 100%. Cùng với đó, trong vụ đông xuân này các HTX trong huyện triển khai mô hình giảm lượng giống gieo sạ, quy mô 2.000ha, tại xã Hòa Tân Đông, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và thị trấn Hòa Hiệp Trung.
Vụ đông xuân này, huyện Phú Hòa gieo sạ 5.500ha. Hiện các HTX nông nghiệp đang tích cực vận động xã viên cày ải, vệ sinh đồng ruộng. Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, Phòng NN-PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, thu dọn tồn dư thực vật trên ruộng trước khi gieo sạ.
Cùng với đó trên các cánh đồng toàn huyện sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 80%, nhân rộng nhanh giống lúa năng suất, chất lượng cao. Các xã xây dựng cánh đồng lúa chỉ sản xuất 1-2 loại giống để thuận lợi trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và công tác phòng trừ sâu bệnh hại.
Cùng với huyện Đông Hòa, Phú Hòa, hiện nay các huyện miền núi trong tỉnh cũng chuẩn bị cày ải, cải tạo đất sản xuất vụ lúa đông xuân. Năm nay, huyện Đồng Xuân gieo sạ 1.600ha lúa đông xuân, nhưng khó khăn hiện nay là nông dân có tâm lý khi sạ sợ mưa lụt, chuột gây hại không có mạ dặm nên thường sạ 120kg/ha; trong khi đó ngành Nông nghiệp khuyến cáo giảm mật độ sạ còn 80-100kg/ha để năng suất cao hơn và giảm chi phí.
Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Hiện nay, Phòng NN-PTNT triển khai cho các HTX vận động nông dân thực hiện tốt lịch thời vụ, triển khai nhiều mô hình sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Thông qua mô hình, nông dân dần nâng cao trình độ sản xuất, qua đó tỉ lệ hộ sử dụng sạ thưa, giảm mật độ gieo sạ ngày càng tăng.
Diệt ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai cắn phá hoa màu, làm cho mùa màng thất bát nhưng lại sinh sôi nhanh. Theo nhiều nông dân, ốc bươu đen đẻ trứng ngay mặt nước, trở thành mồi cho các loại cá ăn; còn ốc bươu vàng đẻ trứng cách mặt nước gang tay, nên chúng đẻ trăm trứng còn nguyên trăm trứng. Nguy hại hơn nữa ốc bươu vàng nở ra to chỉ bằng chân nhang đã cắn phá lúa và phát triển thành con trưởng thành sau một thời gian ngắn.
Vì vậy, hiện nay là mùa mưa, nhiều cánh đồng rộng hàng ngàn hécta bỏ hoang, ốc bươu vàng sinh sôi. Sáng sớm, người dân ở các xã Hòa Bình 1, Hòa Đồng, Hòa Phong (huyện Tây Hòa) ra cánh đồng bắt ốc bươu vàng bán lại cho người nuôi tôm hùm. Ông Bùi Long ở xã Hòa Đồng đi bắt ốc bươu vàng cho hay: Ốc bươu vàng hiện có giá 4.500 đồng/kg, một người bắt từ sáng đến trưa cũng được 50kg, bán trên 200.000 đồng. Chúng tôi tốp 5-7 người bắt ốc từ đồng Tây Hòa xuống đồng TP Tuy Hòa vừa có tiền, vừa bảo vệ mùa màng.
Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh gieo sạ 26.000ha, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12/2018-10/1/2019. Ngay từ bây giờ các địa phương tiến hành sớm các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng như: cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét, lúa cỏ và thu dọn tàn dư thực vật nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, hạn chế lây lan. Nông dân duy trì và triển khai việc diệt ốc bươu vàng trước khi gieo sạ; tranh thủ các đợt mưa, lụt, chuột tập trung tại các gò, bờ ruộng cao, bà con nông dân tăng cường diệt chuột trước khi gieo sạ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ