Sang Úc xem… mắc ca giới hạn của sự chuyên nghiệp
Hiệp hội Mắc ca Úc và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa tổ chức chuyến khảo sát, tham quan các hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh mắc ca tại quốc gia nằm ở Nam bán cầu. PV NNVN đã có những trải nghiệm thú vị tại cái nôi của ngành công nghiệp mắc ca thế giới…
Suốt hai tuần lễ ròng rã đi thực địa tại hai vùng trồng và các nhà máy chế biến mắc ca lớn của Úc là Queensland và New South Wales, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Đó là cách làm bài bản, khoa học và ứng dụng triệt để tiến bộ khoa học công nghệ trong từng công đoạn, có thể nói từ A đến Z. Chuyến đi này cũng đã phần nào gợi mở và tháo gỡ không ít băn khoăn, thắc mắc cho chương trình phát triển mắc ca mới đang ở giai đoạn khởi đầu ở Việt Nam.
Theo ông Jolyon Burnett, Tổng giám đốc Hiệp hội Mắc ca Úc, tổng diện tích mắc ca của Úc hiện có khoảng trên 21 ngàn ha, chủ yếu trồng dọc theo chiều dài 520 km bờ biển phía đông - nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây này.
“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đang vướng phải một vấn đề mang tính thế hệ chưa tìm ra được lời giải, nguyên do là càng về sau thế hệ trẻ, giới doanh nhân trẻ trong nước đều không có ham muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có mắc ca do lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác ở trong nước. Dù rất muốn phát triển thêm diện tích để tăng sản lượng nhân, đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy song song với hoạt động nghiên cứu giống để tìm ra những đặc tính ưu thế. Tuy nhiên, đối với loại cây trồng lâu năm như mắc ca thì việc tính toán hiệu quả kinh tế khi quyết định đầu tư là bước đặc biệt quan trọng nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất” - ông Jolyon Burnett nói. |
Toàn quốc có khoảng trên 6 triệu cây, tuổi đời từ 6 đến 25 năm trồng tại gần 800 trang trại tập trung chủ yếu ở Bundaberg, Gympie, Nambucca và Northern Rivers. Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến xuất khẩu mắc ca Úc hiện chiếm 30% sản lượng và thị phần thế giới, mỗi năm thu về trên 200 triệu đô la Úc (1 đô la Úc tương đương 17.000 đồng).
Trong tổng sản lượng dao động từ 45.000 đến 50.000 tấn hạt nguyên liệu trong những năm gần đây, lượng chế biến để tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 35%, còn lại chủ yếu xuất sang châu Á với 40%, Mỹ 10% và châu Âu 14%.
Các con số thống kê thời gian qua cho thấy, chỉ riêng 5 thị trường lớn là nội địa, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiêu thụ tới khoảng 75% tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới. Về giá, liên tục trong 5-6 năm qua, nông dân trồng loại cây lấy hạt này thu lãi từ 5.000-6.000 đô la Úc/ha/năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí như máy móc, nhân công, phân bón, thuốc BVTV…
Tuy nhiên, điều đặc biệt ấn tượng đối với chúng tôi là sự chuyên nghiệp của người trồng mắc ca. Họ gần như nắm vững mọi quy trình phát triển của loại cây này, bắt đầu từ khâu chọn giống đến kỹ thuật canh tác, biết rõ thu hoạch vào thời điểm nào là tốt nhất để bán cho các nhà máy chế biến nguồn nguyên liệu đạt chất lượng tốt nhất, thu được giá cao nhất.
Mặc dù Úc là quê hương của cây mắc ca với bộ giống lên tới gần trăm loại, nhưng nhờ quá trình nghiên cứu bài bản của đội ngũ các nhà khoa học trong suốt 40-50 năm qua họ đã chọn lọc ra khoảng trên dưới 20 giống tối ưu phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng của từng vùng miền.
Về năng suất, tuy có khác nhau, tùy theo từng độ tuổi nhưng hiện với vườn cây phổ biến trên 15 năm ở nước này đang dao động từ 3,2-3,5 tấn hạt/ha, tương đương 13-15 kg/cây.
Là quốc gia có diện tích tự nhiên rộng tới gần 7,7 triệu km2 (gấp hơn 23 lần Việt Nam), dân số trên 23 triệu người lại chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nên diện tích vườn trồng mắc ca của nông dân Úc bình quân đạt 20ha/trang trại, cá biệt có trang trại rộng tới 600 ha.
Theo Hiệp hội Mắc ca Úc, năm 2014 sản lượng nhân toàn quốc ước tính đạt trên 11.500 tấn phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, tạo ra nhiều mặt hàng giá trị gia tăng cao như đồ ăn tốt cho sức khỏe, mỹ phẩm, dầu ăn...
Dầu ăn và mỹ phẩm đã tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành công nghiệp chế biến mắc ca
Các chuyên gia cho rằng, đây mới chính là “thị phần tiềm năng” cho cây mắc ca trong tương lai bởi qua khảo sát thị trường thế giới cho thấy nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm này đã tăng nhanh đột biến trong vài năm gần đây, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu...
Trước khi đến Úc, có một câu hỏi lớn từ phía Việt Nam được nhiều người ấp ủ nhất giành cho giới chuyên gia Úc là “Vì sao Úc là nơi sinh ra cây mắc ca lại có ngành công nghiệp chế biến mắc ca số 1 thế giới, đất đai rộng lớn mà không phát triển thêm diện tích?”. Nay thắc mắc đó đã được chính ông Tổng giám đốc Hiệp hội Mắc ca Úc trả lời như sau:
Thứ nhất, tuy là cây bản địa nhưng mắc ca chỉ thực sự phù hợp ở một số vùng khí hậu và thổ nhưỡng của Úc. Không phải vì chúng tôi không muốn mở rộng diện tích nhưng do các yếu tố khách quan như hạn chế về thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu, hạ tầng, lập địa khiến việc đầu tư thêm trong thời gian tới là rất khó khăn vì sẽ đội chi phí lên rất cao.
Thứ hai là phải qua vài chục năm kinh nghiệm trồng các loại giống mắc ca khác nhau, nay nhiều trang trại mới nhận ra rằng, khi cây mắc ca đạt chiều cao gần 20 mét, tán xòe rộng (mặc dù là trồng thuần cây giống ghép, mật độ phổ biến là khoảng trên 300 cây/ha, tương ứng 8mx4m) nhưng việc quản lý vườn cây, đất đai hiện đã trở nên khó khăn hơn như khi cây quá lớn, tán rộng thì khả năng quang hợp bị hạn chế ảnh hưởng đến sản lượng.
Song song đó là tình trạng biến đổi khí hậu, rửa trôi, xói mòn đất và bệnh dịch phát sinh tại nhiều vùng khiến cây bị lộ rễ nên việc đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất cũng tác động xấu đến năng suất vườn cây…
Nguyên nhân lớn thứ ba được cho là “mấu chốt của vấn đề” đối với việc phát triển cây mắc ca ở Úc là hiện chi phí để làm mắc ca tại đây quá tốn kém, trong khi thời gian thu hồi vốn đối với người trồng có thể lên tới 20-30 năm.
Đối với ngành công nghiệp chế biến cũng vậy, cụ thể như tại Cty Pacific Gold Macadamia ở Bundaberg mà các bạn đã đến thăm, để đầu tư một nhà máy chế biến mắc ca hết khoảng 12 triệu đô la thì riêng tiền đất đã chiếm 8 triệu đô la.
Hay tại Queensland và New South Wales hiện nay dù đã cơ giới hóa và tự động hóa gần như toàn bộ các khâu để cắt giảm chi phí tối đa nhưng giá nhân công bình quân cho một lao động trong xưởng chế biến hiện là từ 4.000-6.000 đô la/tháng và 15-17 đô la/giờ cho một lao động mùa vụ tại vườn.
Do Úc là “thiên đường lao động” nên giá thuê nhân công rất cao, cộng với tình trạng khan hiếm lao động dẫn đến khó thu hút các nhà đầu tư vào cây mắc ca trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác hấp dẫn và dễ kiếm tiền hơn rất nhiều. (Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ