Sắp xếp đổi mới các nông lâm trường còn nhiều ách tắc
Xung đột lợi ích
Những năm gần đây, tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh tranh chấp đất rừng tái diễn liên tục giữa người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) với Công ty Lâm đặc sản Quảng Nam.
Từ năm 2006, công ty này đã hợp đồng giao khoán với các nhóm hộ dân sở tại, nhưng vẫn còn nhiều diện tích bỏ hoang.
Lợi dụng việc quản lý đất lỏng lẻo, hơn 100 hộ dân tiến hành trồng keo lấn đất.
Đến khi lực lượng chức năng và công ty đến cưỡng chế thì đã bị người dân phản ứng dữ dội.
Lý do mà người dân sở tại đưa ra là họ sử dụng đất trồng cây nhiều năm song vẫn không thấy công ty đứng ra cản trở, ngăn chặn từ đầu và còn đòi Nhà nước giao đất rừng để họ canh tác lâu dài.
Vụ tranh chấp đất rừng này đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Tương tự, tại các Lâm trường Cà Dy (Nam Giang), Trà My cũ, một số diện tích bỏ hoang, người dân xâm lấn trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp dẫn đến mâu thuẫn, xung đột lợi ích kéo dài giữa lâm trường và người dân.
Nhiều năm nay, tranh chấp đất rừng gay gắt giữa người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) với Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh.
Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, Nhà nước đã giao diện tích cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh quá lớn, trong khi địa phương chỉ quản lý đa số diện tích rừng sản xuất nên phá rừng thông thường xảy ra ở “chủ rừng lớn” do Sở NN&PTNT quản lý.
Nhìn lại các vụ phá rừng quy mô lớn gần đây, có thể thấy đều tập trung ở các ban quản lý rừng phòng hộ do ngành nông nghiệp quản lý.
Điển hình như, phá rừng ở các Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, Sông Kôn - vùng giáp ranh giữa huyện Nam Giang với huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), gần đây nhất là lâm tặc hạ sát rừng giống A Sờ thuộc rừng phòng hộ A Vương.
Theo chính quyền các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, việc giao diện tích đất lâm nghiệp lớn cho các “chủ rừng lớn” rất khó quản lý, vì thực tế việc phá rừng trọng điểm tập trung ở các khu vực này, bởi Nhà nước chưa có chế tài ràng buộc và xác định trách nhiệm rõ ràng với đơn vị chủ quản rừng.
Nghịch lý ở các huyện miền núi đã lộ diện, chủ rừng nắm trong tay đất đai và rừng lớn, trong khi nhiều vùng người dân than vãn chuyện thiếu đất trồng rừng.
Thực tế, hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thấp, cá biệt có nơi đất bỏ phí nhiều năm.
Do quản lý lỏng lẻo nên người dân mạnh ai nấy phá rừng để mở rộng diện tích canh tác.
Ở các khu rừng phòng hộ Phú Ninh, Đắc Mi, Sông Kôn, Sông Tranh, A Vương… đều bị người dân xâm lấn trồng cây trái phép.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, Bắc Trà My có ít nhất 64ha rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá để mở rộng vùng sản xuất.
Rừng phòng hộ Phú Ninh cũng bị xâm chiếm hàng nghìn héc ta.
Nhiều ách tắc
Các lâm trường như Phước Sơn, Cà Dy, Trà My đã chuyển sang mô hình công ty lâm nghiệp; các lâm trường Sông Kôn, Hiệp Đức, Ma Cooih...chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ.
Hiện tại, cả tỉnh còn một doanh nghiệp nông - lâm trường là Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng và doanh nghiệp này đã xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới; 1 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh có nhiệm vụ phát triển rừng với quy mô rất nhỏ (1.000ha) và 2 doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đang quản lý phát triển 9.963ha cao su.
Việc rà soát hiện trạng sử dụng đất ở các nông - lâm trường để bàn giao cho địa phương sử dụng, quản lý chưa giải quyết triệt để.
Ở các huyện Tây Giang, Nam Trà My, do doanh nghiệp không sử dụng hết diện tích thuê trồng rừng, các ngành chức năng của tỉnh buộc phải thu hồi 1.100ha đất đã tạm giao từ nhiều năm trước đó.
Từ năm 2007, huyện Phước Sơn điều chỉnh diện tích đất đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi từ 18.920ha xuống còn 12.450ha.
Hai năm qua, cả nghìn héc ta quy hoạch là rừng phòng hộ trong khu bảo tồn voi Nông Sơn đã chuyển sang đất rừng sản xuất cho người dân.
Việc đóng mốc ngoài thực địa, phân chia 3 loại rừng làm cơ sở giao đất giao rừng luôn gặp khó khăn do thiếu kinh phí.
Các nông - lâm trường hiện nay sử dụng đất dưới 3 hình thức: giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và thuê đất.
Đối với các ban quản lý rừng, các nông - lâm trường chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp, các công ty nông - lâm nghiệp được giao quản lý rừng phòng hộ sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là Nhà nước giao đất cho một số lâm trường thực tế có khu vực chồng lấn với diện tích giao cho hộ gia đình, cá nhân; chưa cắm mốc thực địa và quy hoạch chi tiết 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất).
Thời điểm này, sau khi đã sắp xếp, toàn tỉnh có 7 ban quản lý rừng phòng hộ, 2 ban quản lý rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Sao La.
Các khu rừng còn lại do ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương quản lý.
Tiến hành sắp xếp, đổi mới 6 lâm trường quốc doanh thành 3 công ty lâm nghiệp và 4 ban quản lý rừng phòng hộ.
Đến nay, Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam đang quản lý, kinh doanh chế biến gỗ và trồng rừng nguyên liệu với diện tích 1.050ha.
Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, Công ty Cao su Nam Giang thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Đầu tư và phát triển Việt Hàn đang đầu tư trồng 10.335ha cây cao su.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất các doanh nghiệp nhà nước được giao để sản xuất khoảng 21.000ha (chiếm 8% diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng sản xuất).
Diện tích rừng sản xuất còn lại (khoảng 150.000ha) hầu hết là rừng trồng do người dân tự trồng và hỗ trợ từ các dự án.
Từ năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Sắp xếp, đổi mới và phát triển nông - lâm trường” và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy, quản lý và phát triển kinh tế rừng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên do năng lực quản trị yếu, diện tích quản lý lớn nên rừng tự nhiên do các lâm trường quốc doanh làm chủ tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng.
Tình trạng chặt phá rừng diễn ra khá phổ biến, song vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để.
Theo lãnh đạo chính quyền các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, việc rà soát đất đai của các lâm trường thiếu sự tham gia của cộng đồng dân cư, chưa xem xét đến nhu cầu sử dụng đất rừng của người dân địa phương nên phát sinh mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các lâm trường.
Chưa kể, việc thu hồi đất rừng giao lại cho địa phương rất chậm.
Nhiều nông - lâm trường của tỉnh chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chậm đổi mới, sắp xếp do thiếu nguồn lực đầu tư từ ngân sách của Trung ương và tỉnh.
Trong khi đó, diện tích rà soát thu hồi quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cải thiện sinh kế, khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân miền núi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ