Mô hình kinh tế Sát Thủ Của Người Nuôi Tôm

Sát Thủ Của Người Nuôi Tôm

Ngày đăng 23/10/2011

Sát Thủ Của Người Nuôi Tôm

Máy kéo quạt sục khí từ lâu đã trở thành máy chém đối với dân nuôi tôm. Biết rõ điều này, nhưng nông dân vẫn không lắp lồng bảo hiểm và thực hiện các quy định về an toàn công nghiệp.

Những tai nạn thương tâm

Trên khuôn mặt anh Nguyễn Hải Quang (SN 1950) ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi giờ vẫn nguyên sự đau đớn của người bị mất một cánh tay do máy sục khí nuôi tôm.

Tai nạn xảy ra khi anh loay hoay với chiếc máy nổ Đông Phong kéo giàn cánh quạt sục khí nuôi tôm. Do vướng tay áo vào trục quay, chiếc máy đã hút anh vào vòng tua xoay tròn. Khiếp đảm bởi tai nạn này có thể gây chết người như đã từng xảy ra, anh giật mạnh để giữ cho người không bị quật ngã. Chưa kịp hô hoán, cánh tay của anh đã bị vặn đứt lìa khỏi người...

Về việc sơ cứu nạn nhân bị đứt tay chân do máy sục khí, theo khuyến cáo của bác sĩ Trung tâm Chỉnh hình TP.HCM, phần chi bị đứt nên gói trong nilon sau đó mới ướp đá thì có thể bảo quản tốt trong thời gian 15 giờ.

Chỉ còn một cánh tay trái, giờ đây, việc làm ăn của anh gặp nhiều khó khăn. "Chỉ tập viết bằng tay trái thôi đã là việc khó, nói chi tới những công việc hàng ngày" - anh Quang buồn bã. "Coi như cái số ảnh là vậy. Ráng chịu, biết làm sao" - chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh Quang thở dài nhìn vào cánh tay bị cắt cụt đến bả vai chồng.

Sau tai nạn thảm thương của anh Quang, nhiều tai nạn tương tự tiếp tục xảy ra. Vừa qua, ông Thường ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh tiếp tục bị máy sục khí cuốn vào trục và cũng đứt lìa cánh tay trái. Nhà nghèo, nghĩ đến việc anh Quang điều trị hết 70 triệu đồng nhưng tay vẫn không nối được, thế là ông Thường chấp nhận mất một phần cơ thể.

May mắn hơn là trường hợp anh Tôn ở xã Đức Minh bị cánh quạt sục khí hút vào rồi lúc bị quật xuống nước, lúc bị đưa lên cao. Sau mấy vòng tua, anh Tôn may mắn thoát chết vì chiếc áo tuột ra khỏi người.

Máy sục khí cũng đã gây nhiều vụ chết người. Tang thương nhất là vụ cô giáo Nguyễn Thị Mỵ ở Núi Thành, Quảng Nam bị máy sục khí cuốn chết, để lại hai con.

Máy chém luôn cận kề

Tại hồ nuôi tôm, những chiếc máy đen nhẻm, chảy đầy dầu mỡ, chắp nối với thanh truyền lực bằng những chiếc móc một cách gớm ghiếc. Những chiếc đinh ốc, móc sắt như lưỡi hái tử thần sẵn sàng móc vào người nuôi tôm bất cứ lúc nào. Con đường đi qua các điểm chết người này thường rất hẹp, thế nên chỉ một sơ suất nhỏ của người nuôi tôm là tai nạn lập tức xảy ra.

Nhìn chung, hầu hết các máy sục khí đều trong tình trạng không có lồng bảo hiểm trên thanh truyền lực, trong khi nếu chế tạo lồng bảo hiểm rất đơn giản và không tốn kém. Theo tiêu chuẩn an toàn thiết bị của ngành công nghiệp, tất cả các mô tơ đều có lồng bảo hiểm tại các khớp nối truyền lực, lồng bảo hiểm bên ngoài các cánh quạt.

Tại sao các điểm truyền lực không gắn vài con ốc nhỏ gọn, hoặc quấn thêm dây, vải phía ngoài để giấu các điểm lòi ra. Tại sao cứ phải thọc một thanh sắt giơ ra một đoạn để tự giết mình? Những nông dân nuôi tôm đều trả lời thắc mắc này theo kiểu chung chung: Chỉ mong tôm lớn kiếm tiền, chỉ lo tôm chết… đại loại là lo cho tôm, còn quên đi tính mạng của chính mình. Nói đúng hơn, máy chém luôn cận kề dân nuôi tôm, trong khi nông dân thì vẫn cứ chủ quan.

Do xảy ra quá nhiều tai nạn đối với nông dân nuôi tôm trong cả nước, vừa qua, ngành nông nghiệp đã có những khuyến cáo như: Vị trí đặt máy không nằm ngay đường đi hẹp, ban đêm phải có bóng điện đủ sáng, tắt máy sửa chữa phải treo bảng tại cầu dao, kiểm tra nút tay áo, nút vạt áo… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, nông dân không nên chủ quan rồi tự hại mình


Cây Cóc “Siêu” Trái Cây Cóc “Siêu” Trái 'Của Quý' Gặp Nạn Do... Nuôi Tôm 'Của Quý' Gặp Nạn Do... Nuôi Tôm