Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 1)
I. SÂU HẠI
1. Bọ xít muỗi (Helopeltisssp.)
1.1. Đặc điểm hình thái
Trưởng thành giống như con muỗi lớn, có màu xanh lá mạ; đầu, râu màu nâu, con non có màu vàng đồng nhất, có nhiều lông tơ.
1.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Bọ xít muỗi hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, buổi trưa trời nắng ít hoạt động ẩn nấp trong tán lá. Hoạt động mạnh sau cơn mưa trời vừa hửng nắng, trời âm u hoạt động cả ngày. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều (nhiệt độ 20 – 29OC, ẩm độ trên 90%) và ca cao trồng trong bóng rợp thích hợp cho bọ xít muỗi phát triển.
Bọ xít muỗi dùng vòi chích hút nhựa chồi non, cành non, cuống hoa và trái. Vết chích lúc đầu có màu xám chì xung quanh màu nhạt sau đó dần dần vết chích bị thâm đen, các bộ phận non bị chích thường héo khô đen, trái bị chích có nhiều vết thâm và phát triển dị dạng.
Bọ xít muỗi non gây hại nhiều hơn bọ xít muỗi trưởng thành vì chúng ít di chuyển, tập trung trên từng cây hoặc từng vùng nhỏ nên hiện tượng gây hại không rải đều trong vườn. Thiệt hại do bọ xít muỗi không những hạn chế sinh trưởng cây mà còn làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.
1.3. Biện pháp phòng trừ
Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tỉa cành để vườn thông thoáng tạo môi trường bất lợi cho bọ xít muỗi.
Có thể sử dụng thuốc Lambda-cyhalothrin+Thiamethoxam (Alika 247ZC); Beta cyfluthrin+ Chlorpyrifos Ethyl(Bull Star 262.5 EC) hoặc có thể tham khảo sử dụng thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin; Deltamethrin phun phòng trừ. Phun thuốc vào sáng sớm lúc bọ xít muỗi tập trung gây hại.
2. Rầy mềm (Toxoptera citricida)
2.1. Đặc điểm hình thái, tập quán sinh sống và gây hại
- Rầy trưởng thành: Có màu đen hoặc hơi đỏ. Rầy non: Có màu hơi nâu, xanh, trắng. Rầy trưởng thành và rầy non sống tập trung ở các bộ phận non của cây như: chồi non, lá non, nụ hoa, đài hoa, trái non làm cây chậm phát triển, chùm hoa khô rụng, héo trái.
- Rầy thường xuất hiện nhiều vào mùa khô, nắng nóng, trong trường hợp mưa to rầy cũng bị rửa trôi và bị chết nhiều. Khi mật số rầy cao, chúng di chuyển tìm nơi sinh sống mới.
2.2. Biện pháp phòng trừ
- Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm rầy mềm. Dùng vòi nước phun trực tiếp vào chỗ rầy bám, có tác dụng rửa trôi bớt và tạo độ ẩm để giảm mật số rầy trong mùa nắng. Hoặc dùng tay diệt rầy mềm khi mới xuất hiện ở mật số thấp.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ rầy mềm hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất như: Deltamethrin, Permethrin, Acetamiprid, Beta - cyfluthrin + Chlorpyrifos Ethyl để phòng trừ
3. Rệp sáp (Planococcus citri)
3.1. Đặc điểm hình thái, tập quán sinh sống và gây hại
- Rệp trưởng thành: Rệp cái có nhiều tua sáp, màu trắng. Rệp đực có màu xám nhạt. Rệp non: Màu hồng, hình bầu dục, chưa có tua sáp sáp.
- Rệp bám tập trung ở các bộ phận non như: Đọt non, cuống lá, cuống trái, thân và trái non. Đôi khi thấy rệp ở các bộ phận dưới mặt đất (cổ rễ, rễ…). Khi sinh sản nhiều rệp bám thành lớp dày đặc trắng như bông.
- Rệp chích hút nhựa cây làm cây chậm phát triển, quả nhỏ, nhưng không đáng ngại như ở thời kỳ kiến thiết cơ bản (nhất là năm trồng mới) làm các cành biến dạng, cây lệch tán.
- Rệp sáp thường xuất hiện nhiều trong mùa nắng, sinh sản rất nhanh, rệp non di chuyển tìm nơi sống thích hợp, sau 2-3 ngày thì cố định nơi sống.
3.2. Biện pháp phòng trừ
Phun kỹ những ổ rệp sáp mới hình thành, phun phòng trừ triệt để để tránh lây lan. Có thể phòng trừ rệp sáp bằng cách phun các loại thuốc như:
+ Acetamiprid (Melycit 20SP)
+ Beta - cyfluthrin + Chlorpyrifos Ethyl (Bull Star 262.5 EC)
+ Fipronil + Imidacloprid (Sunato 800WG)
4. Sâu hồng (Zeuzera coffeara)
4.1. Đặc điểm hình thái
Khi cành bị hại, lá rũ xuống và khô đi, cành dễ gãy ngang nơi bị sâu phá, tại miệng lỗ sâu đục có nhiều mọt gỗ rơi ra và khi chiếu thẳng từ lỗ đục này xuống đất cũng thấy mọt rơi trên mặt đất.
Sâu thường phá hại thân, các cành tăm, cành cấp 1, cấp 2. Sâu có thể phá hại từ cành này sang cành khác, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thậm chí gây chết cây.
4.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Suốt vòng đời của sâu đục vào thân, cành cây và sống bên trong đó, đến khi trưởng thành bay ra ngoài tìm những nơi cành lá xanh tốt xum xuê để đẻ trứng, trứng được đẻ thành từng ổ ở các chồi non, hoặc nụ của cành. Khi sâu nở ra tấn công vào những cành non này, sâu lớn tuổi có khả năng đục phá thân cành cây hoá gỗ.
Sâu thích hợp ở nhiệt độ 20-28O C, dưới 18OC sâu phát triển chậm, sâu ưa ẩm độ tương đối cao (hơn 85%), trong vườn nơi nào rậm rạp, có độ che bóng dày, kín, tỉ lệ cắt tỉa ít không thường xuyên sẽ bị hại nặng hơn.
4.3. Biện pháp phòng trừ
- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện kịp thời và tiêu diệt để làm giảm mật độ sâu hồng gây hại
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu hồng hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Diazinon, Chlorpyrifos Methyl, Chlorpyrifos Ethyl+Cypermethrin.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ