Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 2)
I. SÂU HẠI
5. Mối
5.1. Triệu chứng gây hại
Mối cắn chủ yếu các bộ phận dưới đất như rễ làm hạn chế sự hút nước và dinh dưỡng của cây, làm cho cây héo và chết, cắn đứt ngang thân gần mặt đất làm cây chết ngay.
Mối là một trong những côn trùng chính phá hại ca cao trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ khi trồng đến 3 năm tuổi), nhất là ở các vùng đất mới khai phá, gần rừng, trong vườn điều hoặc vườn cây lâu năm khác. Là đối tượng gây hại nguy hiểm vì có thể gây chết cây hàng loạt.
5.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Mối là loại côn trùng miệng nhai, thức ăn chủ yếu là xác thực vật hoai mục và bán hoai mục như thân, lá cây khô, rễ cây…. Chúng sống thành tập đoàn, làm tổ và sinh sản rất nhanh.
Mối thường gây hại cây từ một đến 03 năm đầu (cây mới trồng và cây còn non). Mối phá hại cây trồng không chỉ để lấy thức ăn mà chủ yếu là để lấy nước, nên trong mùa khô độ ẩm mặt đất giảm, mạch nước ngầm rút sâu, chỉ có cây tươi (rễ) là đáp ứng được cả hai nhu cầu sống của mối: Đó là thức ăn và nước. Do vậy, trong thời kỳ này cây thường bị mối tấn công gây hại .
Thời điểm mối gây hại nặng nhất là sau khi trồng.
5.3. Biện pháp phòng trừ
- Không lấp rác, cỏ tươi xuống hố trồng, tủ rác giữ ẩm phải xa gốc ca cao
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ mối hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Alpha – cypermethrin; Alpha - cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl; Chlorpyrifos Ethyl để trừ mối
6. Bọ cánh cứng hại lá (Adoretus spp vàApogonia spp.)
6.1. Triệu chứng và tác hại
Triệu chứng: trên lá già, lá bánh tẻ (lá chuyển sang màu xanh) bị cắn mất phần thịt lá, để lại các lỗ thủng khắp mặt lá, gân lá (chính và phụ) vẫn còn.
Tác hại: Bọ cánh cứng có thể cắn phá các đợt lá trên cây, giảm khả năng quang hợp làm cây con chậm phát triển.
6.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Trưởng thành sống ẩn nấp dưới các đống lá cây cỏ mục và ẩm trong vườn, khi phát hiện chúng giả chết.
Thời gian hoạt động: Vào lúc chiều tối và sáng sớm
Cách di chuyển: Bay ngang, bám vào vật cản trên đường chúng di chuyển.
6.3. Biện pháp phòng trừ
- Dùng vợt lưới để bắt bọ cánh cứng vào lúc trời tối hoặc làm bẫy đèn dẫn dụ để diệt tập trung.
- Hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bọ cánh cứng hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos Ethyl+Permethrin; Metarhirium anisopliae Sorok, Beauveria+Metarhizium+ Entomophthorales , Thiamethoxam để phòng trừ. Phun vào chiều mát.
7. Sâu đục trái ca cao (Conopomorpha cramerella)
7.1. Đặc điểm sinh học, sinh thái của sâu đục trái
- Trứng đẻ đơn lẻ từng quả ở bất cứ vị trí nào trên bề mặt vỏ quả, trứng mới đẻ màu vàng cam, hình bầu dục chiều dài không quá 0,5 cm. Khi sắp nở, trứng chuyển sang màu trắng đục, vỏ màu trắng bên trong có màu đen.
- Sâu non tuổi 1 thường có màu trắng và dài khoảng 1mm, thường đục thành các đường hầm vuông góc với chiều dài của quả và xuyên qua lớp vỏ thóc cho đến khi chạm tới lớp xơ cứng của vỏ, hoặc đục thành các đường hầm dọc theo chiều dài quả.
Bên trong vỏ, các đường đục trở nên ngoằn nghèo. Phần lớn sâu non được phát hiện từ vỏ quả ca cao khi quả bước vào giai đoạn chín. Sâu non tuổi cuối thường có màu xanh lá cây, dài khoảng 12mm. Sâu non sau khi chui ra khỏi đường hầm thường để lại một lỗ nhỏ có đường kính khoảng 1mm.
- Nhộng hình thành ở bên ngoài lớp vỏ, ấu trùng đẫy sức bò đến một vị trí thích hợp để hóa nhộng. Nhộng thường xuất hiện ở các rãnh của vỏ quả hoặc trên các lá còn xanh hoặc lá đã khô và các tàn dư khác.
- Trưởng thành dài khoảng 7mm, chiều dài sải cánh 12 mm, toàn thân màu nâu nhạt, râu và chân rất dài, cánh trước có hình lá liễu thon dài có những vân trắng, cánh sau hình dùi, rìa cánh mang nhiều lông tơ.
Trưởng thành, giao phối, đẻ trứng và hoạt động mạnh nhất vào ban đêm. Một trưởng thành cái có thể đẻ từ 50-100 trứng trong một vòng đời.
Ban ngày trưởng thành thường ở trên các nhánh của cây ca cao. Màu sắc của trưởng thành thường giống với vỏ thân cây nên rất khó phát hiện..
7.2. Tập quán sinh sống và gây hại
Sâu đục trái thường đục thành các đường hầm trên vỏ quả. Sâu non mới nở sống bằng dịch trong cơ thể hoặc ăn lớp bột ở trong vỏ quả cho đến khi phát triển đầy đủ. Đường đục của sâu non dài từ 4-5cm trên vỏ quả, sau khi đục sâu vào bên trong, sâu non ăn lớp chất nhầy trong thịt quả do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của quả và làm quả bị biến dạng.
Vỏ quả bị sâu đục trái tấn công thường có màu sắc không đều, chín ép nên có chỗ vàng, chỗ xanh.
7.3. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác:
+ Cần thu hoạch trái triệt để, để loại bỏ tất cả các tàn dư mà sâu đục trái đã tấn công ra khỏi khu vực canh tác ca cao từ đó phá vỡ chu kỳ gây hại của chúng.
+ Dùng túi nilon để bao trái hạn chế trưởng thành sâu đục trái đẻ trứng trên vỏ quả đồng thời bảo vệ trái khỏi sự tấn công của các loài sâu hại khác. Túi được cắt đáy để thông gió và sẽ được giữ trong suốt thời gian sinh trưởng của quả cho đến lúc thu hoạch.
+ Bón phân đầy đủ, cân đối để cây luôn khỏe mạnh, trái to và giúp vỏ trái cứng làm giới hạn sự xâm nhập của sâu.
- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu đục trái ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Chlorpyrifos Methyl, Cypermethrin.
8. Sùng hại rễ
8.1. Đặc điểm hình thái
Sâu non màu trắng ngà, thân có nhiều lông nhỏ rải rác, uốn cong hình chữ C, đẫy sức dài 12-13 mm.
8.2. Tập tính sống và gây hại
Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung. Thời kỳ sâu non, các ấu trùng bọ hung sống dưới mặt đất, thường cắn phá rễ cây làm cho rễ mọc kém, lá vàng úa, cây chậm phát triển, nếu bị hại nặng cây có thể chết do bị cắn hết rễ, ấu trùng tuổi lớn ăn cả phần thân gỗ của rễ. Thời kỳ đầu gây hại thường không phát hiện được chỉ đến khi cây đã biến màu hoặc chết mới phát hiện..
- Ngoài tác hại trực tiếp, sùng trắng còn là môi giới truyền bệnh virus hại cây trồng. Thường gây thiệt hại nặng ở các vườn ít được xới xáo.
- Sùng trắng thường phá hại từ tháng 4 đến tháng 11 nhưng gây hại nặng vào thời điểm tháng 6 – 8 hằng năm, thường sinh sôi mạnh trên đất cát, đất thịt nhẹ và các vùng đất khô cằn, thiếu nước.
8.3. Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác:
+ Làm đất - vệ sinh vườn thật kỹ: Cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, dọn sạch lá khô, cắt tỉa bỏ cành bị bệnh và lá già, lá bị bệnh đem ủ hoặc đốt trước khi trồng để hạn chế sự tồn tại của nguồn sâu hại trước khi trồng.
+ Thường xuyên xới xáo, vun gốc tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng.
+ Không sử dụng phân trâu bò tươi để bón vì đây là điều kiện để dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng phá hoại cây trồng.
+ Bẫy dẫn dụ sùng trắng để thu gom, tiêu diệt như:
++ Trồng xen khoai lang trong vườn để thu hút sùng trắng tập trung gây hại trên khoai lang sẽ làm giảm mật độ sùng tấn công trên cây trồng chính (trồng vào tháng 1-2) sau đó tiến hành thu hoạch khoai lang để thu gom tiêu diệt ấu trùng.
++ Dùng phân chuồng tươi để làm bẫy dẫn dụ sùng, bọ hung đến đẻ trứng, thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt.
+ Bẫy đèn bắt trưởng thành.
- Biện pháp hoá học:
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sùng trắng trên ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Metarhizium anisopliae var, Carbofuran, Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin, Fipronil để phòng trừ.
Lưu ý: Thời điểm xử lý thuốc hóa học tốt nhất là giai đoạn sùng mới nở, tuổi 1 – tuổi 2 (tháng 6 -7). Nếu xử lý quá muộn (tháng 8-9) khi sùng đã ở tuổi 3 hoặc sắp hóa nhộng thì hiệu quả của các loại thuốc hóa học thấp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ