Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Đầu năm 2014 kế hoạch hành động thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh Phú Thọ đã chính thức được triển khai trong toàn tỉnh. Để phù hợp với tình hình mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc lập quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp và quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành đảm bảo phù hợp thực tế, phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững; tăng cường công tác quản lý, phát triển sản xuất theo các quy hoạch đã được duyệt; công tác khuyến nông tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản được tập trung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng kết hợp với xây dựng nông thôn mới, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất được đẩy mạnh. Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã tập trung phát triển 25 vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và 14 vùng sản xuất rau an toàn, với diện tích khoảng 1.400ha.
Cơ cấu mùa vụ được chuyển dịch theo hướng mở rộng trà xuân muộn, mùa sớm, mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, tăng diện tích gieo cấy lúa áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến SRI, gieo sạ, mạ ném; tiến hành chuyển đổi hơn 800ha diện tích lúa cao hạn sang trồng các cây màu… Đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất rau màu theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bước đầu đã có 47ha sản xuất rau được cấp chứng chỉ VietGAP.
Đến nay diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao chiếm 60% tổng diện tích gieo cấy, diện tích ngô lai chiếm 98%. Cùng với cây lương thực, cây chè được xác định là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu, vùng nguyên liệu chè được quy hoạch phát triển lên 16.300ha, nhiều diện tích chè giống cũ được thay thế bằng các giống chè năng suất chất lượng cao, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, RFA… nâng tỷ lệ chè giống mới đạt 71% tổng diện tích, năng suất bình quân đạt 98,5 tạ/ha, sản lượng chè toàn tỉnh năm 2014 đạt 143,2 nghìn tấn (tăng 5,4% so với năm 2013).
Cùng với chè, cây ăn quả được chú trọng quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng phát huy các cây trồng có thế mạnh như: Bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, hồng không hạt, chuối tiêu hồng, chuối phấn vàng… tiến tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay diện tích trồng bưởi Đoan Hùng tăng lên đạt 1.022ha, bưởi Diễn đạt 750ha, bước đầu nhiều diện tích trồng bưởi đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm, mở ra cơ hội làm giàu cho các nông hộ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, sản xuất hàng hóa, chăn nuôi nông hộ an toàn và bền vững, phát triển chăn nuôi các giống vật nuôi chủ lực như lợn ngoại, lợn hướng nạc, gia cầm thịt, gia cầm trứng; duy trì nâng cao chất lượng đàn trâu, đàn bò và các giống vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 93 trang trại, 2.400 gia trại, 10 doanh nghiệp chăn nuôi, tỷ lệ đàn bò lai nâng lên chiếm 64,8%, lợn lai chiếm trên 90% tổng đàn. Năm 2014 sản lượng chăn nuôi tăng lên đáng kể, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 132,9 nghìn tấn tăng 5,5% so với năm 2013. Ngoài ra các giống vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như gà nhiều cựa, thỏ ngoại, lợn rừng… được nhiều hộ nông dân đưa vào sản xuất.
Phú Thọ được đánh giá là tỉnh có đàn lợn, đàn gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó sản xuất thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ các giống thủy sản đặc sản, thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Lăng, nheo, chiên, trắm đen được đưa vào nuôi trồng ngày càng tăng (chiếm 35%). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt: 10.060ha, sản lượng nuôi đạt 25,6 nghìn tấn, tăng 9,5% so với năm 2013.
Các hộ dân đã chủ động đầu tư nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp, đặc biệt nuôi các lồng thâm canh trên sông, hồ phát triển mạnh, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/lồng(100m3). Trong lâm nghiệp, chú trọng bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đảm bảo diện tích rừng trồng mới, sản lượng gỗ khai thác đạt 369,6 nghìn m3/năm. Việc áp dụng tiến bộ KHKT về trồng và thâm canh rừng được mở rộng, chất lượng rừng ngày càng được nâng lên, tạo vùng nguyên liệu thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,6%.
Để thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm tỉnh ta đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm. Hàng loạt các dự án được xúc tiến đầu tư như: Dự án chăn nuôi bò sữa, sản xuất gà, lợn giống, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, dự án chế biến nông sản xuất khẩu, chế biến gỗ xuất khẩu… Bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất chế biến chè, rau quả…
Nhờ vậy nhiều sản phẩm đã ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích các hình thức liên minh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai... tổng vốn đầu tư phát triển trong năm qua đạt 1.253 tỷ đồng.
Mặc dù mới triển khai hơn 1 năm, thực tế vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, song nhìn chung, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn toàn tỉnh đã được chú trọng và phát triển toàn diện cả về chất và lượng.
Công tác chỉ đạo sản xuất đã bám sát các điều kiện thực tế của từng địa phương, diện tích trồng lúa và các cây rau màu đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu cây trồng vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực. Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển hình thức sản xuất tập trung theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, tạo sự ổn định trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng thu nhập bình quân đầu người trong toàn tỉnh đạt 26,9 triệu đồng/người/năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ