Cam Sâu vẽ bùa hại cam, quýt

Sâu vẽ bùa hại cam, quýt

Tác giả Ths. Huỳnh Kim Ngọc, ngày đăng 21/12/2020

Sâu vẽ bùa hại cam, quýt

Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistic citrella, họ Gracillariidae, bộ Lepidoptera. Sâu có nguồn gốc Châu Á và gây hại các vùng trồng cây có múi khắp thế giới.

Sâu vẽ bùa hại cam quýt. Ảnh: Minh Đức.

Nhận diện: Trên cam quýt, sâu gây hại bằng cách đục vào dưới biểu bì lá non của cây, tạo thành những đường ngoằn nghoèo, nhưng không bao giờ cắt nhau, trong đường đục có thể thấy các vệt phân đen do sâu thải ra. Lá bị hại, giảm quang hợp, cây sinh trưởng và phát triển kém. Sâu chỉ gây hại trên các lá non.

Vòng đời: Vòng đời sâu vẽ bùa, khoảng 3 tuần, gồm 4 giai đoạn: Trứng (1- 6 ngày) – Ấu trùng (4-10) – Nhộng (7 – 10 ) – Thành trùng (ngài/bướm: 7 – 10)

Thành trùng: Rất nhỏ, dài khoảng 2 – 3 mm, thân màu vàng nhạt, cánh trước màu bạc, sáng lấp lánh, cánh sau hẹp so với cánh trước, mép 2 cánh có rìa lông, đầu cánh có chấm đen, không gây hại, hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, ban ngày trú ẩn ở mặt dưới lá, nhưng khó thấy.

Trứng: Ngay khi vũ hóa, bướm cái tiết ra hóc môn dẫn dụ con đực, sau khi bắt cặp, con cái đẻ trứng có dạng bầu dục, nhỏ, trứng đẻ rời rạc từng quả một ở mặt dưới lá, ở dọc gân chính của lá non. Trung bình con cái đẻ khoảng 70 – 80 trứng. Mới đẻ, trứng trong suốt, sắp nở có màu vàng,  nở sau khoảng 1 tuần.

Ấu trùng: Mới nở, ấu trùng bắt đầu đục qua biểu bì nằm giữa hai mặt lá, chui vào  ăn nhu mô, tạo đường hầm rất nhỏ như sợi chỉ khó thấy, ấu trùng lớn dần, lột xác (4 lần), đường đục ngoằn ngoèo, lớn dần theo độ lớn của sâu.

Nhộng: Vào giai đoạn cuối, ấu trùng thành thục bắt đầu thoát khỏi vết đục, tìm đến mép lá, cuộn mép lại, hóa nhộng bên trong. Giai đoạn nhộng dài khoảng 1 – 3 tuần.

Tùy điều kiện ngoại cảnh, vòng đời sâu vẽ bùa hoàn chỉnh dài khoảng 3 – 7 tuần (20 – 50 ngày). Nhiệt độ thích hợp từ 25 - 30 độ C, độ ẩm 85 – 90%.

Gây hại: Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, tuy nhiên thường sống và gây hại trên những vườn cây có múi mới trồng vài năm đầu tiên, do giai đoạn này cây ra nhiều lá non, lá mềm, sáng màu…Cây lớn, thành thục (trên 4 năm) có tán lá rộng, lá già, thiệt hại không đáng kể (ngoại trừ trường hợp mật số sâu quá cao), mặt khác, thiên địch ký sinh và ăn mồi có sẵn trong thiên nhiên tích lũy mật số, ăn và ký sinh khiến mật số sâu vẽ bùa giảm dần theo độ lớn của vườn cây.

Thiên địch: Thiên địch ký sinh sâu non và nhộng: Chalcidoidea, Ichneumoide. Ký sinh ăn mồi: Kiến vàng Oecophylla smaragdina.

Cần thiết áp dụng các biện pháp tổng hợp:

Vệ sinh đồng ruộng: Thu dọn tàn dư mang đi tiêu hủy.

Chăm sóc cây khỏe, tỉa cành tạo tán, tỉa bỏ các chồi vượt, bón phân cho cây ra lộc/lá non tập trung.

Thường xuyên thăm đồng nhất là vườn mới trồng, chú ý lúc cây ra lộc non là cao điểm sâu sinh sản và gây hại, nếu mật số cao cần phun thuốc trừ sâu ngay.

Bẫy pheromone là công cụ hiệu quả để phát hiện sớm bướm sâu vẽ bùa bay đến và đẻ trứng. Đây là thời điểm thích hợp để phun thuốc, tuy nhiên cần lưu ý chỉ có bướm đực bị dẫn dụ bởi pheromone và dính vào bẫy keo.

Thuốc BVTV ít có tác dụng đến sâu vẽ bùa, trừ phi chúng có tính lưu dẫn hay thấm sâu do ấu trùng gây hại dưới biểu bì lá. Chú ý không sử dụng thuốc phổ rộng, hại thiên địch khiến sâu gây hại nặng hơn. Nếu dùng thuốc, chú ý dùng đúng lúc khi cây mới ra chồi hay lá non, đây là thời điểm bướm tìm đến để đẻ trứng, phòng trị giai đoạn này rất hiệu quả.

Tốt nhất là sử dụng thuốc gốc sinh học hữu cơ như dầu neem, nhưng thường có hiệu quả chậm và thời gian tồn lưu ngắn nên phải phun lại sau 5 – 7 ngày, tốt nhất có thể sử dụng dầu khoáng SK Enspray 99EC phun vào giai đoạn cây đang ra lá non, có thể dùng đơn hay phối với thuốc trừ sâu sinh học như Comda gold 5WG, Comda 250EC, Saimida 100SL hay Sapen alpha 5EC. Chú ý hạn chế phun thuốc khi cây sắp ra hoa và đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn trước khi sử dụng.


Phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ cam quýt Phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ cam… Bón phân khép kín nâng năng suất, chất lượng cam sành Hàm Yên Bón phân khép kín nâng năng suất, chất…