Tin nông nghiệp Sinh viên làm thuốc trừ sâu từ hạt mãng cầu, thầu dầu

Sinh viên làm thuốc trừ sâu từ hạt mãng cầu, thầu dầu

Tác giả Hà An, ngày đăng 26/04/2022

Sinh viên làm thuốc trừ sâu từ hạt mãng cầu, thầu dầu

Sản phẩm của nhóm sinh viên La Quốc Anh, Ngô Ngọc Tuyền, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Xuân Kỳ, khoa Nông học nghiên cứu trong gần 2 năm, nhằm mục tiêu giúp nông dân giảm số lượng sâu bệnh hại trên cây cải theo hướng canh tác hữu cơ, sinh học. Theo nhóm, các phụ phẩm nông nghiệp như hạt thầu dầu, mãng cầu, vỏ cam, bã cà phê, là nguyên liệu dễ kiếm có sẵn trong cuộc sống, có các hoạt chất phòng trừ sâu bệnh.

Cụ thể, hạt thầu dầu có chất Ricin gây ức chế hoạt động của sâu. Từ những nghiên cứu này, nhóm tiến hành thí nghiệm thu thập bốn loại nguyên liệu trên, xay nhuyễn và chiết xuất thành các dịch chiết dạng thô. Để thu được dịch chiết, nhóm sử dụng hai phương pháp là ngâm nguyên liệu trong dung dịch ethanol với tỷ lệ khác nhau trong 24 giờ. Phương pháp khác là trộn nguyên liệu với nước cất rồi đặt trong tủ sấy ở nhiều nhiệt độ khác nhau trong 30 phút. Nguyên liệu sau đó được lọc bằng giấy và thu dịch chiết.

Thử nghiệm ở vườn trồng cải, nhóm tiến hành cấy giống, chăm sóc rau trong 19 - 20 ngày, sau đó đưa sâu kéo màng (tên khoa học Hellula undalis) vào cho phát triển. Lý do nhóm chọn sâu này bởi khả năng gây hại mạnh, sâu ăn ngay phần ngọn khiến cây không phát triển được.

Nhóm sử dụng dịch chiết của bốn loại nguyên liệu tưới lên cây ở nhiều nồng độ khác nhau nhằm so sánh hiệu lực. Kết quả, với dịch chiết hạt thầu dầu bằng dung môi ethanol 60% phun ở nồng độ 4 phần nghìn, làm giảm tỷ lệ cây bị sâu hại 2,4 lần so với vườn đối chứng không sử dụng thuốc. Dịch chiết hạt mãng cầu với dung môi nước cất ở nhiệt độ 80 độ C phun ở nồng độ 4 phần nghìn làm giảm số lượng sâu 1,7 lần.

La Quốc Anh, Trưởng nhóm cho biết, dựa trên kết quả thử nghiệm, hai loại dịch chiết từ thầu dầu và mãng cầu có thể phát triển thành thuốc trừ sâu thảo mộc, kiểm soát sâu hại trên cây cải theo hướng thân thiện môi trường. Các chế phẩm sinh học này chủ yếu có tác dụng xua đuổi sâu bệnh, chứ không phải tiêu diệt chúng.

"Chế phẩm trong thí nghiệm đang ở dạng thô cần tiếp tục thí nghiệm cô đặc, quay chân không để tăng đậm đặc dịch chiết trong quy trình tạo chế phẩm", Quốc Anh chia sẻ. Nhóm mong muốn tiếp tục đánh giá hai loại dịch chiết này ở quy mô lớn hơn và thử nghiệm trên các loại rau ăn lá khác, cũng như đánh giá mức độ an toàn hai loại dịch chiết này với sức khỏe con người.

Dịch chiết dạng thô của bốn loại nguyên liệu gồm hạt thầu dầu, hạt mãng cầu, vỏ cam và bã cà phê trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Theo TS Bùi Minh Trí, Trưởng Bộ môn sinh lý - sinh hóa, Đại học Nông lâm TP. HCM (giảng viên hướng dẫn nhóm), việc sử dụng các loại thực vật, phế phẩm nông nghiệp để làm thuốc trừ sâu sinh học là nghiên cứu không mới. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm được thực hiện bài bản, từ giai đoạn ý tưởng, xác định loại nguyên liệu để đánh giá tính hiệu quả trong phòng thí nghiệm và cả thực tế. "Đây là nghiên cứu hướng đến nông nghiệp hữu cơ, tái sử dụng những phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị. Tuy nhiên, thử nghiệm của nhóm đang ở quy mô nhỏ cần thực hiện ở những quy mô rộng hơn để đánh giá về khả năng ứng dụng thực tế", TS Trí nói.


Phú Yên hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn một số giống lúa mới Phú Yên hội thảo đầu bờ mô hình… Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mục tiêu và thách thức Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mục tiêu…