Tin thủy sản Sợ độc tố, Hà Tĩnh yêu cầu ngừng lấy nước biển nuôi thủy sản

Sợ độc tố, Hà Tĩnh yêu cầu ngừng lấy nước biển nuôi thủy sản

Tác giả Hữu Anh, ngày đăng 22/04/2016

Sợ độc tố, Hà Tĩnh yêu cầu ngừng lấy nước biển nuôi thủy sản

Sáng 21.4, trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt, ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Cá nuôi lồng bè của người dân ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Ninh và Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh chết đồng loạt hết sức bất thường. Không chỉ vậy, hơn tuần qua tình trạng cá biển chết trôi dạt nhiều vào bờ biển thị xã Kỳ Anh.

Sau ít ngày xảy ra hiện tượng cá chết thì vào sáng 10.4, Công ty TNHH Grow Best nuôi tôm ở phường Kỳ Phương thị xã Kỳ Anh bơm thêm nước biển vào 2 ao. Đến 2h sáng ngày 11.4, toàn bộ 2 ao với sản lượng 8 tấn tôm chết hết. Không chỉ ở thị xã Kỳ Anh mà mới đây hộ nuôi tôm Nguyễn Viết Khánh ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân (cách bờ biển thị xã Kỳ Anh hơn 100km) bơm nước biển vào hồ để nuôi tôm thì thấy tôm lờ đờ yếu dần, tuy nhiên rất may phát hiện kịp thời xử lý nên chưa xảy ra thiệt hại.

Theo ông Cần, trước sự việc trên Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh lấy mẫu nước từ vùng biển thị xã Kỳ Anh đến huyện Nghi Xuân, tuy nhiên các chỉ số nước đều bình thường.

Từ kết quả nhận định ban đầu của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu NTTS I) sau khi vào kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho thấy hiện tượng cá chết hàng loạt ở thị xã Kỳ Anh không phải do dịch bệnh. Liên quan đến hiện tượng cá chết bất thường này rất có thể yếu tố gây độc trong môi trường nước, cùng với hàng loạt vấn đề người nuôi trồng thủy sản gặp phải thời gian qua, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã có văn bản khuyến cáo gửi về các địa phương yêu cầu người dân ngừng việc lấy nước biển vào nuôi thủy sản chờ có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết rồi mới lấy nước trở lại.

Cũng theo ông Cần, hiện tượng cá chết vừa qua cho thấy điều hết sức bất thường, đặc biệt là cá tự nhiên sống ở tầng sâu dưới đáy biển khơi như cá đuối, cá mú cũng chết trôi dạt đầy vào bờ. “Tôi nghĩ có áp lực gì đó tác động rất lớn gây chết tức thì hoặc xảy ra hiện tượng ngộ độc rất mạnh khiến cá tắc thở” - ông Cần nói.

Hiện nay tổng diện tích nuôi tôm ở Hà Tĩnh 2000ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước biển khoảng 300ha với trên 700 hộ dân. Ngoài ra diện tích nuôi thủy sản nước mặn cũng lên đến hàng ngàn hộ, chạy dọc qua 5 huyện. Nếu ngừng lấy nước biển thì phải bỏ một số tiền rất lớn vào xử lý nguồn nước.


Liều mình đưa tôm càng xanh… lên núi nuôi Liều mình đưa tôm càng xanh… lên núi… Cá chết la liệt ngư dân, tiểu thương khóc ròng Cá chết la liệt ngư dân, tiểu thương…