Mô hình kinh tế SOHAFOOD cùng nông dân nuôi cá rô phi xuất khẩu

SOHAFOOD cùng nông dân nuôi cá rô phi xuất khẩu

Ngày đăng 27/07/2015

SOHAFOOD cùng nông dân nuôi cá rô phi xuất khẩu

Giảm lệ thuộc vào cá tra

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, cá rôphi đã được các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… phát triển nuôi khá lâu. Ngành cá rôphi của các nước này, đặc biệt là Trung Quốc đã phát triển và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Còn tại Việt Nam, mặc dù đối tượng này chỉ mới ở vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhưng sản phẩm cá rôphi nước ta vẫn có chỗ đứng nhất định và được người tiêu dùng chấp nhận.

Lý giải về vấn đề này, các DN xuất khẩu Việt Nam cho biết, nước ta (đặc biệt là khu vực ĐBSCL) có điều kiện tự nhiên thuận lợi, với nguồn nước dồi dào rất phù hợp cho con cá rôphi sinh trưởng cả trong môi trường nược ngọt cũng như lợ mặn. Đặc biệt, trọng lượng cá rôphi Việt Nam khá lớn so với cá rôphi Trung Quốc. Cơ thịt cá rôphi Việt Nam cũng chắc, thơm và ngọt hơn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, các nhà NK cũng muốn tìm một nguồn cung thay thế khác để tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, vì vậy đây chính là một cơ hội cho con cá rôphi Việt Nam.

Hơn nữa, theo phản ánh của không ít DN thì nhà NK có xu hướng yêu cầu các công ty XK Việt Nam phải ký hợp đồng cung cấp một lượng nhất định cá rôphi bên cạnh con cá tra để nhà phân phối đa dạng hóa sản phẩm.

Xuất phát từ nhu cầu thị trường cũng như yêu cầu của nhà NK, trong những năm gần đây con cá rôphi càng khẳng định được vai trò của mình. Trong thời gian qua, phong trào nuôi và XK cá rôphi phát triển khá mạnh tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL nói chung, trong đó có Công ty SOHAFOOD nói riêng.

“Thị trường XK đối với con cá tra gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến giá cả xuống thấp và trở nên rất bấp bênh. Trong khi đó thị trường cá rôphi rộng lớn, giá xuất cũng không quá tệ. Chúng tôi có thị trường, điều kiện môi trường ao nuôi cũng rất thuận lợi cho đối tượng này nên việc chuyển đổi đối tượng nuôi là chắc chắn” - ông Lam Sơn,quản lý kỹ thuật nuôi Công ty SOHAFOOD cho biết.

Theo ông Sơn, trong tổng số 120 ha diện tích ao nuôi với 70 ao, SOHAFOOD đã chuyển sang nuôi cá rôphi 40 ao, dự kiến trong 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch với sản lượng có thể đáp ứng nhu cầu XK của công ty. Đây chỉ là giai đoạn đầu thử nghiệm, dự kiến, nếu kết quả khả quan, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi cá rôphi thương phẩm, từng bước thu hẹp diện tích nuôi cá tra và giảm sự lệ thuộc vào đối tượng truyền thống này.

Cùng nông dân nuôi cá

Về kỹ thuật nuôi, theo anh Sơn, nuôi cá rôphi cũng khá dễ như đối với con cá tra. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý một số vấn đề cơ bản như sau:

“Con cá rôphi rất dễ nuôi. So với cá tra, cá rôphi ăn kém hơn nên để đảm bảo cá tăng trưởng tốt nên chia nhỏ lượng thức ăn và tăng số lần cho ăn trong một ngày. Đồng thời, nuôi cá rôphi với mật độ vừa phải, khoảng 10 con/m2. Bố trí hệ thống sục khí, quạt nước để tránh tình trạng cá thiếu oxy vào ban đêm. Điều đặc biệt chú ý là không như con con tra chỉ bị dịch bệnh và chết trong giai đoạn đầu, con cá rôphi nuôi càng lớn thì tỷ lệ hao hụt càng cao, nguy cơ dịch bệnh cũng tăng nên cần chú ý và đề phòng trong giai đoạn cá lớn” - anh Sơn cho biết.

Để đảm bảo chất lượng con giống, công ty cũng đã đầu tư đàn giống cá bố mẹ để cho sinh sản nhân tạo con giống dòng Gift, sản xuất con giống chất lượng cao với nhiều kích cỡ khác nhau, phục vụ nhu cầu nuôi của công ty cũng như của hộ nông dân với giả cả hợp lý.

Để có được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ nhu cầu XK, công ty cũng đang tiến hành hợp tác mở rộng vùng nuôi theo hướng liên kết với nông dân. “Lợi thế của chúng tôi là có nhà máy chế biến, có thị trường nên không lo đầu ra nhưng đối với người nuôi qui mô nhỏ lẻ thì đây là trở ngại rất lớn. Chúng tôi có chính sách liên kết với hộ nuôi. Theo đó, công ty sẽ đầu tư cung cấp con giống cho hộ nuôi, trong quá trình nuôi nếu nông hộ gặp khó khăn về tài chính chúng tôi cũng sẽ ký kết với nhà máy chế biến thức ăn nhằm cung cấp thức ăn với giá gốc cho hộ nuôi. Đồng thời công ty cũng sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá thị trường”.

Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao năng xuất nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, công ty cũng đang tích cực tham gia dự án nâng cao và cải tiến nghề nuôi cá rôphi do phía Hàn Quốc và trường đại học Cần Thơ thực hiện. Hiện nay, công ty cũng đã dành ra một phần diện tích nuôi để cùng các đối tác tham gia trong dự án tiến hành thí nghiệm để tìm ra mô hình nuôi hiệu quả cũng như công thức thức ăn phù hợp nhất cho sự phát triển của cá.

Trong bối cảnh thị trường đầu ra con cá tra gặp nhiều khó khăn thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi là một trong những hướng đi đang được các địa phương khuyến khích phát triển. Và con cá rôphi được xem như là một trong những đối tượng đầy tiềm năng phát triển, hỗ trợ và giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.


Thuần hóa cá chiên Thuần hóa cá chiên Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường biển lãnh đủ Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường…