Tin nông nghiệp Sôi động thị trường giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp

Sôi động thị trường giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp

Tác giả Thanh Hải, ngày đăng 09/04/2018

Sôi động thị trường giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp

Vài năm gần đây, sản xuất nông nghiệp - đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - không chỉ có các hợp tác xã, chủ trang trại hay hộ nông dân tham gia, mà mở rộng hơn với sự góp mặt đầu tư vào nông nghiệp của nhiều “đại gia” lĩnh vực khác. 

Nhiều sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp được trưng bày tại triển lãm

Từ đó, thị trường cung ứng các loại thiết bị công nghệ cao cho nông nghiệp đã hình thành, với sự tham gia của các công ty cả trong và ngoài nước. 

Đa dạng sản phẩm  

Một trong những doanh nghiệp (DN) Việt Nam thành công trong lĩnh vực này là Công ty Nhà Nguyễn, với 7 năm trong ngành cung cấp sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp. Nhờ am hiểu thổ nhưỡng, thời tiết nên công ty đã tư vấn và đưa giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng vùng, khi có nhà đầu tư muốn được tư vấn. Những loại đơn giản như khung sắt cho nhà màng, nhà kính được công ty sản xuất ngay trong nước để có giá cạnh tranh khi chất lượng ngang bằng sản phẩm nhập khẩu.

Với đội ngũ tư vấn tại trang trại, khách hàng của Nhà Nguyễn không chỉ dừng lại trong lĩnh vực trồng rau ăn lá, ăn quả, hay trồng hoa, mà còn cả thủy sản với giải pháp nhà màng nuôi tôm siêu thâm canh, ương tôm và một số sản phẩm bổ trợ khác như sơn cách nhiệt, hệ thống thiết bị tưới chuyên dụng, bộ điều khiển tưới dinh dưỡng, bộ điều khiển vi khí hậu…

Tương tự, Công ty TNHH FINOM (thuộc King Elong Group, chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) cho biết đang phối hợp với các đơn vị nước ngoài, nhằm mang đến các giải pháp hoàn hảo, tối ưu nhất trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để khách hàng lựa chọn tùy theo khả năng. Điển hình như hệ thống tưới nhỏ giọt của Ý, công nghệ sau thu hoạch của Hà Lan, hệ thống thủy canh của Thái Lan và Malaysia, nhà màng của Trung Quốc, hệ thống điều khiển nông trại thông minh của New Zealand…

Đại diện công ty nhận xét, trong điều kiện môi trường ngày càng biến đổi, DN sẽ tăng cường ứng dụng nhiều công nghệ để có thể giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng an toàn của nông sản, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường khi xuất khẩu.

Bên cạnh những công ty trong nước, thời gian qua, lĩnh vực này cũng đã thu hút khá nhiều DN từ các nước phát triển vào đầu tư. Điển hình, Công ty Argos - với bề dày kinh nghiệm ở Israel - vừa đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm bán sản phẩm trực tiếp, không qua trung gian.

Theo Công ty Argos, hiện nay Việt Nam có nhiều người quan tâm đến các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng nhà kính, ứng dụng hệ thống tưới nước và phân bón thông minh, ứng dụng IoT (Internet vạn vật)… Trên thị trường có nhiều DN cung cấp thiết bị công nghệ cao, nhưng đa số là nhập trang thiết bị từ nhiều nước rồi phân phối lại tại Việt Nam nên về nguồn gốc và chất lượng không dễ kiểm soát, kể cả vấn đề giá. Argos không chỉ cung cấp mà còn tư vấn, thiết kế nhà kính đặc thù theo từng địa hình, điều kiện tự nhiên của từng nơi. Cung cấp gói chuyển giao công nghệ - có các chuyên gia Israel tư vấn về kỹ thuật trồng trọt từ hạt giống cho đến thu hoạch sản phẩm, năng suất tăng gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống.

Với Công ty KSP (thuộc Tập đoàn CP Thái Lan) nổi tiếng về công nghệ chăn nuôi, sự tương đồng về thời tiết giữa Việt Nam và Thái Lan đã giúp công ty có thể đưa ra giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất. Còn Công ty CMF (Pháp) đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm, cung cấp sản phẩm nhập từ châu Âu với độ bền và chất lượng tốt. 

Phải nghiên cứu kỹ lưỡng

Trên đây là những DN tham gia Triển lãm Quốc tế công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt - diễn ra tháng 3 vừa qua, quy tụ hơn 300 DN đến từ 28 quốc gia nổi tiếng về nông nghiệp như Pháp, Đức, Israel, Hà Lan, Trung Quốc… Chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt đã có tổng cộng 350 cuộc kết nối giao thương, với 255 DN Việt Nam và 95 DN nước ngoài.

Theo một chuyên gia nông nghiệp, triển lãm năm nay có thêm sự góp mặt của hàng loạt DN Hàn Quốc, cung cấp từ thiết bị cho đến thức ăn. Điều này cho thấy, thị trường cung cấp giải pháp công nghệ cao cho nông nghiệp đang rất sôi động và cạnh tranh. Đây là điều đáng mừng, giúp có nhiều sự lựa chọn cho người làm nông nghiệp và việc cạnh tranh đã tạo ra sự đa dạng của sản phẩm, cũng như phải có giá bán hợp lý. Điều này đòi hỏi nếu không muốn bị loại khỏi thị trường, DN cần có chiến lược kinh doanh bài bản, lâu dài, hoặc có thể liên kết với DN nước ngoài để cùng phát triển. 

Ông Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nông Phát (TPHCM), người mất khá nhiều thời gian trong việc nghiên cứu áp dụng công nghệ vào canh tác, cho biết: “Tôi phải đi tìm hiểu nhiều nước tiên tiến về công nghệ cao mới đúc kết ra được bài học để có thành công như hiện nay. Điều quan trọng là quyết định trồng cây gì (sau khi xác định khu vực trồng, nắm vững thổ nhưỡng và đặc điểm thời tiết), từ đó mới lựa chọn thiết bị đầu tư. Đơn cử, nhà màng công nghệ Israel có một quạt và thông gió một chiều, nên đối với TPHCM, nếu mùa mưa dư độ ẩm, còn mùa nắng không đủ không khí, thì phải lắp 2 quạt với 2 chiều thông gió. Hay, khí hậu Israel nóng khô còn Việt Nam thì nóng ẩm nên phải điều chỉnh lại nhà màng cho phù hợp, không thể bê nguyên xi mô hình”.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có rất nhiều DN nước ngoài chuyên về thiết bị công nghệ cao trong nông nghiệp gia nhập. Tuy nhiên, không phải cứ dựa theo các nước nổi tiếng về công nghệ trong nông nghiệp mà đầu tư. Bởi nhiều lúc, tuy công nghệ hiện đại nhưng không phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết thì cũng khó hiệu quả. Cho nên, người muốn đầu tư cần phải tìm hiểu, lựa chọn kỹ lưỡng đặc điểm từng thiết bị, trong đó có cả sự sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam.


Cử nhân toán lập hợp tác xã rau sạch Cử nhân toán lập hợp tác xã rau… Giá nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu tăng Giá nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu…