Mô hình kinh tế Sử dụng chất cấm gây ung thư để nuôi heo cần phải phạt tù

Sử dụng chất cấm gây ung thư để nuôi heo cần phải phạt tù

Ngày đăng 25/09/2015

Sử dụng chất cấm gây ung thư để nuôi heo cần phải phạt tù

Việc sử dụng chất cấm, hay còn gọi là các chất kháng sinh kích thích tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo tiếp tục gia tăng báo ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo vượt tới hơn 500 lần!

Thông tin mới nhất tại một cuộc hội thảo ở Đồng Nai cho hay, trong các cuộc kiểm tra tại TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tây Ninh mới đây, có tới 17/81 mẫu kiểm tra dương tính với Salbutamol, một loại chất cấm tạo nạc và kích thích tăng trọng trong chăn nuôi.

Tại Bắc Giang, Hải Dương, sau khi kiểm tra 3 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ quan quản lý đã phát hiện 6 mẫu chứa chất cấm Salbutamol. Một số trại gia công cho các tập đoàn lớn như công ty CP, công ty Anco cũng có chứa chất cấm.

Sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc chăn nuôi heo sẽ tồn dư trong thịt heo và gây ung thư cho người ăn phải. Ảnh: Tuổi trẻ

Đặc biệt, đầu tháng 9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai đã lấy mẫu của 6 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn TP Biên Hòa đi xét nghiệm, kết quả cho thấy có 3 mẫu của 3 hộ chăn nuôi dương tính với chất cấm chăn nuôi thuộc nhóm beta-agonist.

Đáng chú ý, có mẫu nước tiểu lợn của một hộ chăn nuôi tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, vượt tới hơn 500 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng công bố kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm nguy hiểm trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao sabutamol thuộc 7 lô heo.

Trong 7 lô heo dương tính với sabutamol thì có 4 lô ở Đồng Nai, 2 lô ở Tiền Giang và 1 lô ở Long An.

Chất tạo nạc chính là tên gọi nôm na dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Các chất này nằm trong nhóm có tên khoa học là beta2-agonist gồm khoảng 30 chất.

Trong 30 chất trên có 3 chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Sabutamol sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay, trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, võng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư.

Phạt tù nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Chính vì những tác hại trên mà hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói chung và chất tạo nạc, tăng trọng nói riêng trở nên cực kỳ nguy hại. Trong khi pháp luật chưa có một chế tài đủ mạnh để có hiệu quả ngăn chặn thì người chăn nuôi vì mục đích lợi nhuận trước mắt và chưa ý thức được hết những tác hại nghiêm trọng của chất cấm mà bất chấp sức khỏe của cộng đồng.

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, một trong những lý do khiến tình trạng sử dụng chất cấm tăng nhanh đến mức đáng báo động như thời gian gần đây là do khi cơ quan quản lý vào cuộc thì tình hình chìm xuống, khi cơ quan quản lý không ra tay thì tình trạng lại bùng lên.

“Theo tôi được biết thời gian gần đây Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, kiểm tra lấy mẫu các cơ sở ở những vùng có nguy cơ cao sử dụng chất cấm để có biện pháp xử lý. Đương nhiên, đây là một quá trình rất khó cần có thời gian và sự thay đổi cả về chế tài và biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề tuyên truyền rất quan trọng”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trong rất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì biện pháp quan trọng nhất là phải tuyên truyền đến người chăn nuôi, người tiêu dùng. Người chăn nuôi phải ý thức được rằng không phải chỉ là sinh kế của cá nhân gia đình họ mà là vấn đề sức khỏe của cả xã hội.

Biện pháp quan trọng thứ hai là phải có một chế tài xử lý thật nghiêm, thậm chí phải đưa vào bộ Luật Hình sự việc sử dụng chất cấm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Điều đáng lưu ý là hiện nay chế tài xử lý rất thấp chưa mang tính răn đe. Hiện, chế tài chỉ dừng lại ở phạt hành chính với mức vài ba chục triệu nên không đủ sức răn đe đối với các cá nhân, tổ chức, cơ sở chăn nuôi vi phạm.

Trong rất nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT cũng đã nhiều lần bày tỏ ý kiến và đề xuất, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng:

“Các Bộ, ngành phải ngồi lại rà soát với nhau để thống nhất với Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản hiện hành trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để có sự thống nhất mức xử phạt cho hợp lý. Theo quan điểm cá nhân tôi phải tăng nặng hình phạt, thậm chí phải đưa vào một trong những điều khoản của Bộ Luật Hình sự”.

Đại diện Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư nhìn nhận, hiện nay, người chăn nuôi sử dụng kháng sinh bừa bãi, không áp dụng quy trình an toàn sinh học. Khi gà bị bệnh, người chăn nuôi tiếc tiền nên không tiêu hủy mà đem bán tháo.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Hồ Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật của công ty Green Feed Việt Nam cho rằng, luật lệ của chúng ta nhiều khi nhân đạo quá.

Theo quy trình xử lý hiện nay, khi phát hiện một sản phẩm trên thị trường có chất cấm, chi cục Thú y truy ngược từng khâu và truy đến khâu cuối cùng là người chăn nuôi để phạt.

Theo ông Dũng, điều này rất khó khăn để phạt được hết do Chi cục Thú y không đủ lực lượng. Do đó, cần phạt ngay ở khâu phát hiện ra.

“Ví dụ phát hiện sản phẩm của thương lái có chất cấm phạt luôn thương lái, thương lái tự khắc sẽ thỏa thuận với người chăn nuôi là không mua sản phẩm có sử dụng chất cấm.

Một ông thương lái lời nói với người chăn nuôi có trọng lượng gấp nhiều lần so với cán bộ thú y hay khuyến nông tuyên truyền. Nếu phạt trực tiếp với người chăn nuôi sẽ không xuể và họ sẽ lại tái phạm.

Chúng ta không nên “nắm” người chăn nuôi mà nên “nắm” người lưu thông”, ông Dũng nói.


Hải sâm lại dạt vào bờ biển Thuận An, dân hốt đem bán Hải sâm lại dạt vào bờ biển Thuận… Lúa lai KC06-1, KC06-2 trên cao nguyên Lúa lai KC06-1, KC06-2 trên cao nguyên