Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Trong những thập kỷ qua, ngành nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh, kéo theo sự gia tăng mối nguy về dịch bệnh, sự tích tụ của các chất độc và chất thải hữu cơ trong ao nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Kháng sinh và hóa chất đã không giúp dập tắt dịch bệnh, trái lại, còn tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Vì lẽ đó, chế phẩm sinh học (probiotics) đã được nghiên cứu, sử dụng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Từ những năm 1970, chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu, ứng dụng trong chăn nuôi. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra các giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp phòng bệnh cho các đối tượng nuôi, thúc đẩy tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống và ngăn chặn sự tích tụ chất thải có nguồn gốc Ni-tơ. Đối với các mô hình nuôi tôm thâm canh thì việc sử dụng chế phẩm sinh học là vô cùng cần thiết. Vì việc thả nuôi với mật độ dày sẽ dẫn tới sự mất an toàn sinh học. Mật độ cao khiến nguồn nước bị ô nhiễm (do tích tụ rất nhiều chất thải từ quá trình chuyển hóa, sự phân hủy thức ăn thừa và các chất hữu cơ); Môi trường ô nhiễm khiến tôm bị stress, giảm khả năng miễn dịch, cùng với việc thường xuyên cọ sát giữa các cá thể tôm… Tất cả những điều này sẽ khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng.
Năm 2010, lần đầu tiên Hội chứng chết sớm “Early mortality syndrome” (EMS) hay còn gọi Bệnh hoại tử gan tụy cấp “Acute hepatopancreatic necrosis disease” (AHPND) đã được xác định tại Trung Quốc. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Sau đó, dịch bệnh tương tự đã được báo cáo ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Tới nay, EMS vẫn tiếp tục tàn phá ngành nuôi tôm với tỉ lệ chết lên tới 100%. Trong trường hợp này, việc sử dụng kháng sinh sẽ không thực sự tốt, vì có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc ở vi khuẩn. Trong khi đó, việc sử dụng các vi sinh vật có lợi để phòng bệnh trên tôm sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt.
Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, không chỉ vi khuẩn mới là nguyên nhân gây bệnh cho đối tượng nuôi. Còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể kể đến như: Sự gia tăng dân số, đặc biệt ở những nơi không có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sẽ tạo nên chất thải hữu cơ cao trong nguồn nước; Biến đổi khí hậu khiến những khu vực nuôi gần biển, chất lượng nước bị suy giảm do thâm nhập mặn. Vì vậy, biện pháp hữu hiệu được khuyến cáo áp dụng là: bổ sung những loại vi sinh đã được đánh giá có khả năng cải thiện chất lượng nước. Với việc sử dụng chế phẩm sinh học, hệ vi sinh có lợi sẽ được hình thành và phát triển bền vững trong ao nuôi, làm giảm chất hữu cơ và các chất độc hại như amoniac, nitrit và H2S. Hơn nữa, hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại như Vibrio spp.
Nhìn chung, bên cạnh việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi vẫn phải chú ý thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: quản lý trang trại, chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước, nâng cao chất lượng di truyền trong sản xuất giống thủy sản, thức ăn (khẩu phần, nhịp độ cho ăn) và thời điểm thu hoạch hợp lý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ