Sử dụng thuốc, hóa chất nuôi trồng thủy sản
Thâm canh hóa đang là xu hướng trong nghề nuôi thủy sản hiện đại, mật độ nuôi không ngừng được nâng cao kéo theo dịch bệnh ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp.
Việc lạm dụng các loại hóa chất tùy tiện trong nuôi trồng thủy sản đang dẫn đến nhiều hệ lụy, không những gây tốn kém chi phí mà còn khiến người nuôi thua lỗ, nguy hiểm hơn chính là vấn đề mất an toàn thực phẩm gây hại đến sức khỏe con người.
Điều kiện của những hộ nuôi rất khác nhau tùy thuộc vào loài cá nuôi, hệ thống hay loại hình nuôi, các thiết bị dùng để nuôi, chất lượng nước và địa điểm nuôi, vì thế các phương pháp áp dụng trong việc sử dụng thuốc, hóa chất cần phải được điều chỉnh phù hợp, nhưng nhìn chung khi xử lý cần tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định:
– Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Đây là nguyên tắc rất quan trọng, vì khi xác định chính xác tác nhân gây bệnh sẽ giúp cho việc điều trị được hiệu quả, ít tốn kém chi phí và thời gian.
Tuy nhiên, nếu người nuôi không đủ khả năng xác định nguyên nhân cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, tránh việc chẩn đoán sai dẫn đến điều trị không đạt kết quả.
– Quyết định áp dụng điều trị thông thường sẽ bao gồm 2 hình thức: Nếu đã chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh, cần lựa chọn loại hóa chất đặc trị để loại trừ tác nhân đó.
Trong trường hợp vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính, bệnh có thể cùng lúc do nhiều tác nhân gây ra, cần tiến hành điều trị triệu chứng và phối hợp nhiều loại hóa chất để loại trừ tất cả tác nhân gây bệnh.
Tôm, cá mắc bệnh thường do một số tác nhân chủ yếu bao gồm ký sinh trùng, vi khuẩn, vi rút, nấm… hoặc do các yếu tố môi trường không phù hợp.
Tùy theo từng loại tác nhân, sẽ có các loại thuốc, hóa chất đặc trị riêng biệt.
– Trong quá trình sử dụng thuốc hóa chất cũng cần lưu ý đến các quy định của nhà nước như không sử dụng các loại hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc hết hạn sử dụng.
Ví dụ, Green Malachite (Xanh Malachite) là loại hóa chất sử dụng để diệt ký sinh trùng, nấm cho động vật thủy sản, tuy nhiên loại hóa chất này nằm trong danh mục cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh của Bộ NN-PTNT vì có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì vậy người nuôi tuyệt đối không được sử dụng.
– Sau quá trình điều trị cần có những đánh giá về tình trạng sức khỏe của tôm, cá và khả năng tác dụng của hóa chất.
Tùy theo điều kiện nuôi, đối tượng nuôi mà khả năng tác dụng của các loại hóa chất cũng khác nhau, vì vậy cần có những đánh giá về tính hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm cho những lần điều trị tiếp theo.
– Không nên cho tôm, cá ăn 24 giờ trước khi điều trị là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc và giảm sốc cho đối tượng nuôi.
– Đối với người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm, mới sử dụng thuốc lần đầu nên thử điều trị với liều lượng thấp trong diện tích nhỏ trước khi tiến hành điều trị toàn bộ.
Điều này nhằm làm giảm đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra do việc tính nhầm liều lượng sử dụng
– Nên hạ thấp mức nước trước khi đều trị.
Điều này giúp làm giảm số lượng thuốc, hóa chất cần dùng và có thể dễ dàng cung cấp thêm nước để làm giảm nồng độ thuốc khi cần thiết.
– Cần lưu ý đến khả năng xảy ra những phản ứng có hại, trong trường hợp này cần phải chuẩn bị để ngừng ngay lập tức việc điều trị.
Đối với thủy sản nuôi trong ao, cần phải tiến hành cấp nước mới hoặc thay nước ngay lập tức, bật hệ thống quạt nước (nếu có), chú ý việc cấp nước hoặc thay nước cần diễn ra nhanh chóng.
Đối với thủy sản nuôi trong bể cần loại bỏ hết các hóa chất sử dụng trong quá trình điều trị bằng cách thay toàn bộ nước và sục khí liên tục.
– Cần phải chú ý đến dòng chảy trong hệ thống, đặc biệt là trong các hệ thống tuần hoàn hoặc các các bể chứa nguồn nước cấp, vì việc điều trị ở bể này có thể gây ảnh hưởng đến bể khác trong cùng hệ thống.
– Nên sử dụng thuốc, hóa chất vào những thời điểm tôm, cá ít bị sốc nhất trong ngày, thông thường là vào buổi sáng, khi nhiệt độ thấp, tuy nhiên cần lưu ý về hàm lượng oxy thấp lúc sáng sớm.
Thời điểm thích hợp nhất là vào khoảng từ 7 – 8 giờ.
– Phải luôn quan sát cá, tôm trong suốt quá trình trị liệu để có thể xử lý nhanh khi cần thiết.
Khi có biểu hiện như bơi lội mạnh bất thường, nổi đầu, lờ đờ, lật ngửa bụng cần phải có biện pháp can thiệp ngay để tránh tổn thất.
– Hóa chất dùng xử lý môi trường có rất nhiều loại, vì thế cần phải hiểu hoạt tính của từng loại và dùng đúng theo hướng dẫn để có hiệu quả cao.
– Khi dùng hóa chất để xử lý nước cần phải biết thời gian chúng hết tác dụng để đảm bảo khi đưa vào ao nuôi không ảnh hưởng đến tôm, cá.
– Dùng hóa chất để xử lý nước cho ao đang nuôi tôm, cá cần phải lưu ý việc hóa chất sẽ làm chết tảo và các vi sinh vật có lợi trong ao.
Thông thường sau khi dùng hóa chất thì môi trường nước có thể thay đổi như tảo chết làm nước ao trong, giảm quang hợp để cung cấp oxy cho ao, nền đáy ao sẽ dơ hơn do tảo chết lắng xuống đáy ao.
– Sau khi dùng hóa chất nên cải thiện môi trường ao nuôi, cần cấp thêm nước mới hoặc thay nước, có thể sử dụng môt số chế phẩm sinh học để bổ sung nguồn lợi khuẩn, nhằm làm ổn định môi trường.
– Dùng thuốc, hóa chất xử lý môi trường cần phải dùng đúng liều và dùng một lần, tránh dùng liều thấp và dùng nhiều lần liên tiếp nhau, vì như vậy màu nước ao sẽ mất và khó gây màu trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ