Tin nông nghiệp Sử dụng thuốc trừ cỏ dại ra sao khi mùa vụ đến gần?

Sử dụng thuốc trừ cỏ dại ra sao khi mùa vụ đến gần?

Tác giả Nguyễn Quốc Dũng, ngày đăng 28/09/2021

Sử dụng thuốc trừ cỏ dại ra sao khi mùa vụ đến gần?

Cỏ dại bùng phát mạnh vào mùa mưa, gây nguy cơ cháy rừng rất cao vào mùa khô, còn là nơi trú ẩn của các loại côn trùng và các loại chuột.

Người dân cần quan tâm đến tính bức thiết của mùa vụ, tránh lạm dụng thuốc trừ cỏ ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường. Ảnh: ST.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), một kết quả của nghiên năm 2009 cho thấy cỏ dại gây thiệt hại lên đến 95 tỷ USD mỗi năm (trong đó 70 tỷ USD ở các nước nghèo).

95 tỷ USD tương đương 380 triệu tấn lúa mì, chiếm hơn một nửa sản lượng lúa mì toàn thế giới. Đối với Việt Nam, vấn đề cỏ dại được nông dân quan tâm hàng đầu. Cỏ dại làm giảm độ phì nhiêu của đất, giảm năng suất và chất lượng các loại nông sản, làm tăng chi phí nhân công.

Mùa mưa đang đến, là mùa gieo trồng mới, cũng là cơ hội cho cỏ dại phát triển một cách mạnh mẽ, là nguy cơ cháy rừng rất cao khi chuyển từ giai đoạn mùa mưa qua mùa khô và còn là nơi trú ẩn cho các loại nấm mốc, côn trùng gây hại và chuột gây hại mùa màng.

Một số vấn đề về thuốc trừ cỏ

Khi chưa có thuốc trừ cỏ, người dân thường nhổ, cuốc và bừa… nhưng chỉ thực hiện ở diện tích nhỏ, chi phí cao. Ví dụ trồng 1ha mía phải cần 25 - 30 công lao động và mỗi công phải trả ít nhất từ 150.000 - 250.000 đ. Do nhổ cỏ, cuốc bằng thủ công nên cây trồng rất dễ bị xâm nhập bởi nấm bệnh, vi khuẩn khi bộ rễ bị tổn thương như cây hồ tiêu…

Biện pháp cơ giới hoá: Đây là biện pháp tối ưu nhất vì sử dụng cày, xới, bừa cho đất tơi xốp, tạo thông thoáng lớp đất mặt và chiều sâu của mặt đất, sau đó vun liếp, ô, thửa… như các loại cây như: Mía, dứa, đậu các loại…

Nhưng hạn chế là cây trồng đã mọc xen lẫn trong rừng cỏ thì rất khó sử dụng cơ giới hóa. Những vùng đất gò đồi dốc không thực hiện được, kể cả diện tích nhỏ, manh mún. Cây trồng cũng dễ bị tổn thương khi sử dụng máy móc thiết bị như cây cao su, tiêu ...

Biện pháp trồng xen cây trồng khác: Đây là biện pháp mang lại lợi ích rất cao. Khi trồng cây dài ngày, chúng ta xen cây ngắn ngày, vừa mang lại kinh tế từ cây trồng phụ, vừa giải quyết cỏ dại và tái tạo nguồn phân xanh cho cây trồng sau khi thu hoạch cây ngắn ngày. Nhưng hạn chế là khả năng cây trồng phụ hấp thụ phân bón trước cây lâu năm.

Biện pháp thuốc trừ cỏ hữu cơ, sinh học: Đây là biện pháp tốt nhất và bất kỳ quốc gia nào cũng đang nghiên cứu và đầu tư. Nhưng hạn chế của biện pháp này là chưa có nhiều nghiên cứu nhiều về thuốc trừ cỏ sinh học; chi phí rất cao, khó bảo quản.

Biện pháp phòng trừ cỏ dại bằng hoá học: Đây có thể nói là biện pháp mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang sản xuất công nghiệp và sử dụng rộng rãi trong đó có nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên đã nói đến hoá học diệt cỏ là phải nói nguy cơ rất độc, độc và nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, trái cây sau khi thu hoạch còn rất độc khi con người sử dụng. Có những loại còn để lại di chứng dài lâu như chất độc màu da cam Dioxin. Chất độc này đã có sẵn trong thuộc diệt cỏ 2,45 T.

Do đó, thế giới đã có Công ước Rotterdam quy định với một số hoá chất và thuốc BVTV nguy hại trong thương mại quốc tế cho tất cả các quốc gia và các tổ chức hội nhập kinh tế khu vực ký kết tại Rotterdam ngày 10/9/1998, có hiệu lực từ 24/02/2004 với sự tham gia thành viên của 265 cơ quan, quốc gia.

Việt Nam được phê chuẩn Công ước Rotterdam ngày 07/5/2007 nhằm thực thi nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ công ước Rotterdam và đã tiến hành ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến thuốc BVTV.

Theo đó, ngày 08/02/2017, Bộ NN-PTNT có quyết định loại bỏ  thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2,4 D và Paraquat ra khỏi danh mục. Ngày 10/4/2019,Bộ NN-PTNT có quyết định tiếp tục loại bỏ thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam…

Giá thuốc trừ cỏ tăng phi mã 

Thực tế, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng rất đa dạng đối với cây lúa và cây trồng cạn. Tuy nhiên, thuốc trừ cỏ khai hoang hay thuốc trừ cỏ không chọn lọc đang còn nhiều khó khăn trong cấp phép.

Cụ thể, hiện phổ biến nhiều nhất và dễ sử dụng là nhóm thuốc có hoạt chất Glufosinate Amonium (gọi tắt là thuốc có gốc GA). Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn mùa mưa, cũng là thời vụ gieo trồng cây ngắn, dài ngày… Do đó, bà con nông dân phải xịt cỏ trước khi trồng và diệt cỏ dại để chống cháy rừng khi mùa khô nên lượng sử dụng rất lớn.

Trong khi các nhà sản xuất nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến giá tăng phi mã. Giá hiện nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng rất mạnh, tăng hơn 230% và dự báo còn tăng nữa. Do vậy, khả năng sẽ không có thuốc để phòng trừ cỏ dại hoặc bà con nông dân phải bỏ ra một chi phí rất lớn để đầu tư.

Một nguy hại tiềm ẩn khác là nếu không phun thuốc trừ cỏ, thì nguy cơ cháy rừng rất cao vào mùa khô ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng như tạo môi trường cho các loại côn trùng gây hại nhất là các loại chuột ở vụ đông xuân.

Tuy hoạt chất GA hiện có nhiều tên thương mại khác nhau của nhiều công ty trong và ngoài nước đăng ký, có thể đáp ứng đủ lượng nhu cầu nhưng giá thì quá cao. Hơn thế, cũng có hoạt chất thứ hai thay thế hoạt chất ra khỏi danh mục sử dụng là Diquat cũng đang tăng giá mạnh (tuy không bằng GA) do trong danh mục chỉ có rất ít, mới có 1 đến 2 tên thương mại là nguy cơ rất khó khăn cho thị trường thuốc trừ cỏ cỏ khai hoang hay thuốc trừ cỏ không chọn lọc.

Có thể nói, việc phòng trừ cỏ hại bằng thuốc trừ cỏ hóa học hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên người dân cần quan tâm đến tính bức thiết của mùa vụ cũng như sự lựa chọn những sản phẩm thuốc trừ cỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ô nhiễm môi trường.


Sâu keo mùa thu hoành hành khắp nơi Sâu keo mùa thu hoành hành khắp nơi Hiểu đúng về bệnh Nipah ở lợn Hiểu đúng về bệnh Nipah ở lợn