Nhím Sự sinh sản của loài nhím

Sự sinh sản của loài nhím

Tác giả Gà Con, ngày đăng 10/02/2017

Sự sinh sản của loài nhím

Nhím nuôi nhốt tại chuồng (hay lồng) nếu là giống đã được thuần hóa thì vẫn sinh đẻ bình thường như cách sinh đẻ của chúng trong môi trường hoang dã bên ngoài vậy. Trừ trường hợp nhím hoang dã bên ngoài bắt về nuôi thì phải nuôi từ nhím con, dưói ba tháng tuổi chúng mới chịu sinh sản bình thường. Còn với nhím dã trưởng thành bắt về nuôi thường không sinh đẻ, mà nếu có cùng thất thường, mùa đẻ mùa ngưng, hoặc đẻ một vài lứa rồi ngưng luôn.

Mùa sinh sản của loài nhím bắt đầu từ đầu mùa mưa đến hết tháng chạp hàng năm. Trung bình mỗi năm nhím đẻ được hai lứa con.

Chúng ta cũng biết đời sống của loài nhím có thể kéo dài từ mười đến mười lăm năm. Và khoảng thời gian sinh đẻ của nhím cái cũng từ năm đến bảy năm mới dứt, nếu chúng được sống trong điều kiện nuôi dưỡng tốt.

Nói cách khác, giống này dễ nuôi và mau sinh lợi. Để đạt được thành công như ý trong vấn đề này, chúng ta cần am hiểu những điều sau đây:

Phân biệt giới tính

Nhiều người cho rằng cách phân biệt giới tính của nhím thật khó khăn. Cũng như loài thỏ, giữa con đực và con cái không lộ rõ một vài hiện tượng gì khác biệt giúp ta phân biệt được dễ dàng giới tính của chúng.

Quả thật vậy, nếu chỉ đứng xa mà quan sát bên ngoài không thôi, ta khó phân biệt được con nào là nhím đực con nào là nhím cái, trừ những người chuyên môn có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi nhím lâu năm.

Sở dĩ phải đứng xa quan sát vì xưa nay nhiều người cứ tin theo lời đồn, là giống nhím mỗi khi hung dữ hay tự vệ, chúng sẽ bắn liên tiếp những sợi lông cứng và nhọn trên mình chúng, gây thương tích cho kẻ thù nên sợ không ai dám lại gần.

Thật ra, như phần trên chúng tôi đã đề cập, nhím không có khả năng bắn lông như lời thiên hạ đồn đại xưa nay, mà chỉ xù lông lởm chởm lên để hù dọa kẻ thù, đồng thời bộ lông đuôi cũng rung lên để kẻ thù sợ hãi mà không tấn công nữa.

Thế nhưng, chúng ta cũng có cách để biết giới tính của nhím, không phải chờ đến lúc chúng đến tuổi trưởng thành mà là từ lúc còn là nhím con:

Nhím đực

Cũng như thỏ, nhím con lúc mới sinh ra, nếu chưa ltinh nghiệm ta khó lòng phân biệt được giới tính của chúng. Phải chờ nhím con được một tháng tuổi trở lên, việc phân biệt giới tính mới dễ dàng hơn.

Nhím con ở tuổi này do dại khờ nên muốn bắt lên tay lúc nào cũng được. Cứ đặt nhím con nằm ngửa bụng rồi dùng hai ngón tay cái banh lỗ sinh dục ra, nếu thấy có một khối thịt nhỏ hình ống gọi là “gai giao cấu” nhô cao lên thì đích thị là nhím đực.

Thời gian còn nhỏ tháng tuổi này, quan sát bề ngoài ta khó phân biệt được sự khác nhau giữa nhím đực và nhím cái. Phải chờ khi nhím được bốn năm tháng tuổi, to được bốn năm kí thì việc phân biệt giới tính tương đối dễ dàng và chính xác hơn.

Nhím đực trưởng thành có thân mình thon dài, đầu nhọn, mỏ dài, đuôi dài. Nếu quan sát ở phần háng, ta thấy hình dạng của hai dịch hoàn nhô ra, cách xa hậu môn của nó khoảng 5cm.

Ở vào lứa tuổi trưởng thành này, nhím đực lớn rất nhanh, năng động, lanh lợi hơn trước và tính của nó cũng trở nên hung dữ hơn trước. Mỗi khi nổi giận hay tạo uy thế trước kẻ thù, nhím đực thường xù hết bộ lông sắc nhọn Lên rồi đạp chân phình phịch xuống đất trông hung dữ.

Ở vào tuổi trưởng thành, nhím đực không thích sống chung đàn với những con đực khác, dù đó là “anh em” cùng cha mẹ với nó. Thế nhưng, nhím đực lại thích sống chung với nhiều nhím cái trong lãnh địa riêng của nó. Nhím là giống đa thê, trong mùa sinh sản, một nhím đực sống chung với cả chục nhím cái, và không bao giờ cắn xé nhau. Nhưng, nó sẽ không để yên cho một con nhím đực lạ nào vô tình xâm phạm vào lãnh địa riêng của nó, nhất là trong khu vực đó đang có nhiều bầy đàn thê tử của nó cư ngụ.

Nhím cái

Lúc mới một vài tháng tuổi, nhím cái có vóc dáng bên ngoài trông không có điểm gì khác biệt với nhím đực. Thế nhưng, ta vẫn có cách để biết được giới tính của nó khi nó mới hơn một tháng tuổi.

Cũng đặt con nhím nằm ngửa trên sàn chuồng, rồi dùng hai ngón tay banh lỗ sinh dục, nếu không phát hiện có “gai giao cấu” thì biết chắc dó là nhím cái. Nếu quan sát kỹ hơn một chút, ta thấy ở nhím cái ngoài lỗ sinh dục nhẫn nhụi còn có một rãnh nhỏ từ lỗ sinh dục kéo dài đến tận hậu môn của nó.

Khi nhím cái ở vào tuổi trưởng thành, nhìn qua vóc dáng bên ngoài ta thấy so với nhím đực thì đầu con cái hơi tròn, mỏ ngắn, đuôi cũng ngắn và thân mình tròn trịa hơn. Thả con nhím cái vào lồng, nhìn phía dưới bụng ta thấy lộ rõ hai hàng vú. Nhìn phía bụng sau, dưới háng không thấy có dịch hoàn lộ ra.

Xét về tính nết thì nhím cái hiền lành, nó chỉ trở nên hung dữ trong thời kỳ nuôi con.

Nuôi nhím sinh sản

Nuôi nhím để sinh sản, điều mà ai cũng biết là phải chọn cho được những con nhím đạt chuẩn về vóc dáng cũng như về sức khỏe. Nếu đó là nhím được thuần dưỡng nhiều đời, thuần thục lại càng được nhiều người ưa chuộng hơn.

Khi chọn nhím đực để giống ta nên lựa chọn những con mập mạp khỏe mạnh, hiếu động, chân chắc khỏe, hai tinh hoàn vừa to vừa đều. Còn lựa chọn nhím cái để giống cũng cần tuyển những con có sức khỏe tốt, sống sởn sơ không bệnh tật, lại phàm ăn, tính hiền. Nhím cái phải có hai hàng vú cách khoảng đều đặn, núm to. Nái mà có một hai cái vú lép, kén ăn, tính dữ thì dứt khoát giạt ra nuôi thịt không để giống được.

Nuôi nhím sinh sản, ta phải nghĩ đến chuyện “ghép cặp” nuôi riêng từ khi đực cái mới được bốn năm tháng tuổi mới tốt.

Xin quí vị nhớ điều này, nhím đực và nhím cái khi nuôi chung chuồng cho sinh sản không được đồng huyết với nhau. Nói cách khác, nhím cái có thể cùng chung cha mẹ với nhau nhưng nhím đực thì phải chọn từ bầy khác.

Chúng ta cũng biết nhím là giống đa thê. Trong đời sống hoang dã bên ngoài, đến mùa sinh sản, một nhím đực sống chung với cả đàn nhím cái đông đảo đến cả chục con. Nhưng, nuôi nhốt trong chuồng, trong lồng, để chúng sinh sản tốt hơn ta chỉ ghép độ năm sáu nhím cái chung với một nhím đực, và chỉ duy nhất một nhím đực.

Khả năng của một nhím đực có thể phôi được cả chục nhím cái, nhưng nếu tận dụng hết khả năng của nó thì chỉ ba bốn năm sau phải thay con đực khác, trẻ và sung sức hơn. Còn nhím cái nếu dược nuôi trong môi trường sống tốt, nó có thể sinh con đẻ cái liên tục suốt bảy tám năm, có khi lâu hơn.

Nhím đực có tính hay ghen, vì vậy nuôi chung chuồng vài nhím đực trưởng thành chung với đàn nhím cái thì suốt ngày hai con đực sẽ rượt đuổi quyết chiến với nhau cho đến khi một còn một mất mới thôi. Ngay những con đực con của nó, được bốn năm tháng tuổi mà chưa dược chủ bắt cách ly ra nuôi riêng thì thế nào cũng bị nhím bố cắn chết.


Phương pháp nuôi nhím con Phương pháp nuôi nhím con Chăm sóc nhím như thế nào Chăm sóc nhím như thế nào