Sự thật về thông tin đốm xanh như mốc trên vỏ cam Việt Nam
Những quả cam trên vỏ còn lốm đốm xanh, trắng trông như bị phủ hoá chất khiến người tiêu dùng lo sợ không dám ăn. Thậm chí, nhiều người đòi trả lại hàng đã mua dù người bán cam kết cam được trồng tại vườn của gia đình và không có hoá chất bảo quản độc hại.
Những quả cam còn dấu vết của dung dịch Boóc-đô vẫn an toàn cho người sử dụng
Mùa cam đang vào chính vụ, giá các loại cam từ cam Vinh, cam Cao Phong, cam Hàm Yên, cam canh…đều rẻ hơn mọi năm. Cam vốn là loại quả lành và tốt cho sức khoẻ nên thường được các bà, các mẹ ưu tiên chọn loại quả này mua cho trẻ em, người già và những người cần bồi bổ sức khoẻ. Thêm nữa, cam đã đến thời kỳ già quả, khá ngon ngọt nên người tiêu dùng càng chuộng. Nhiều gia đình trữ hẳn chục kg cam trong tủ lạnh để ăn dần.
Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ mua cam, khi nhận được hàng, thi thoảng lại thấy có những quả cam xuất hiện nhiều đốm xanh nhạt hoặc trắng trên vỏ. Thậm chí, một số người còn kiên quyết trả lại người bán khi thấy cam có nhiều quả đều trong tình trạng này vì lo ngại cam đã bị phun hoá chất độc hại.
Đã xuất hiện nhiều trường hợp, người bán hàng và trực tiếp cả những người trồng cam, quýt, bưởi giải thích rằng đấy chỉ là do phun sunfat đồng pha với vôi và còn bám dính lại trên vỏ nhưng đa số người tiêu dùng vẫn hoài nghi và kiên quyết đòi trả lại cam.
Vậy sunfat đồng là gì? Có độc hại đến sức khoẻ con người hay không? Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Theo ông Hồng, Copper Sulfate nguyên chất hay Sulfat đồng, bà con nông dân thường gọi phèn xanh là một loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất phổ biến trong sản xuất. Ông Hồng thông tin, ngay cả trong tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, và các nước có nền sản xuất hiện đại như Mỹ, hoạt chất đồng vẫn được chấp nhận sử dụng với tiêu chuẩn không quá 4kg/ha/năm. Đây là loại thuốc trừ bệnh phổ rộng, diệt được nhiều loại bệnh do vi khuẩn và nấm gây ra như bệnh thán thư, bệnh gỉ sắt hại lá cà phê hay bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu và các bệnh lở loét, thối thân, xì mủ trên các cây ăn quả cũng như cây công nghiệp; bệnh mốc sương Phythophthora infestans trên cà chua, khoai tây; bệnh ghẻ trên táo; Plasmophora viticola trên nho. Với cam, quýt, bưởi, loại hoá chất trên còn giúp trị bệnh đốm đen, đốm nâu, bệnh loét, bệnh sẹo, bệnh chảy gôm…
Tuy nhiên, do đồng sunfat có phản ứng acid (chua) nên khi sử dụng riêng để phòng trừ bệnh cho cây trồng thường dễ gây hại cho cây trồng (cháy lá, hại cho hoa). Vì vậy không nên dùng riêng để phun mà hỗn hợp với vôi thành thuốc có tên gọi là bordeaux (Boóc-đô).
"Tại sao lại gọi là dung dịch Boóc-đô? Vì từ xưa, vùng Boóc-đô của Pháp nổi tiếng với nghề trồng nho. Người dân ở đó đã biết sử dụng đồng Sunfat pha với vôi để trừ sâu bệnh cho cây. Và sau đó, phương pháp này được lan truyền rộng ra cả thế giới nên dung dịch pha giữa hai loại trên được đặt tên vùng đất có sáng kiến ra loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho con người này”, ông Hồng chia sẻ.
Khi pha dung dịch sulfat đồng với nước vôi sẽ cho ra nước thuốc Boóc-đô có màu xanh da trời, không mùi. Chính vì thế, xuất hiện các đốm màu xanh hay màu trắng trên vỏ các loại quả mà người tiêu dùng nghi ngại, là dung dịch Boóc-đô còn bám lại.
Trả lời câu hỏi liệu dung dịch này có độc hại đối với sức khoẻ của con người, ông Hồng khẳng định, Sunfat đồng không phải là chất gây ung thư, gây đột biến gen, hay làm thay đổi nội tiết… “Tất nhiên nếu ăn phải với số lượng lớn thì cũng gây độc hại. Nhưng người nông dân không thể dùng với nồng độ đậm đặc vì nếu phun như thế sẽ dẫn đến chết cây. Hoạt chất đồng còn có thể giúp người nông dân diệt tảo, rêu trong nuôi tôm, cá”, ông Hồng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ