Mô hình kinh tế Sức Dân Làm Đường

Sức Dân Làm Đường

Ngày đăng 27/01/2015

Sức Dân Làm Đường

Phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh 5 năm qua đạt nhiều kết quả phần lớn từ sức dân.

Lòng dân đồng thuận

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.
Sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh tiếp tục bê tông hóa 1.302,7km mặt đường GTNT, xây dựng 2.037 cống các loại. Kinh phí huy động thực hiện 806 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 355 tỷ đồng, ngân sách huyện và nhân dân đóng góp là 401 tỷ đồng. Như tại Tiên Phước, người dân ngoài đóng góp công lao động còn hiến hơn 300.000m2 đất, chặt phá cây cối, hoa màu để mở rộng nền đường đạt chuẩn quy định NTM.
Huyện cũng chỉ đạo triển khai lồng ghép việc cắm mốc lộ giới và biển báo hiệu đường bộ các tuyến GTNT, mở rộng những điểm đấu nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ (ĐT), huyện lộ (ĐH). Tại huyện Thăng Bình, toàn huyện 5 năm bê tông hóa 220,9km. Kinh phí thực hiện hơn 134,7 tỷ đồng, trong đó xã và nhân dân đóng góp hơn 64,8 tỷ đồng.
“Giai đoạn 2016-2020, tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển GTNT đảm bảo kết nối, phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao mức sống của người dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển GTNT với chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu 50% số xã đạt tiêu chí giao thông. Chúng tôi sẽ đề nghị HĐND tỉnh cho kéo dài thời gian thực hiện đề án Phát triển GTNT giai đoạn 2010-2015 đến năm 2020 với mục tiêu phù hợp với đề án Xây dựng NTM đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”.(Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Văn Nhân)
“Thực tiễn cho thấy, đời sống của nhân dân còn khó khăn nhưng khi thực hiện ai cũng đồng lòng ủng hộ, tích cực tham gia trực tiếp làm đường, góp tiền của, hiến đất để mở đường tạo nên bộ mặt thôn xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chương trình phát triển GTNT là một trong những nhân tố quan trọng từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT huyện nhà” - ông Dương Văn Thủ - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiên Phước nhận xét.
Sức bật cho NTM
Giai đoạn 2010 - 2014, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các địa phương rà soát cơ chế, tiêu chuẩn kỹ thuật, bố trí kế hoạch lồng ghép đề án Phát triển GTNT với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Hệ thống văn bản hướng dẫn lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, phân loại đường, đánh giá tiêu chí giao thông, thiết kế mẫu... đã được UBND tỉnh ban hành. Đối với 50 xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn đến năm 2015, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư để đạt mục tiêu đề ra.
Đánh giá mức độ đạt được của tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở GTVT cho biết, các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát được 169 xã. Trong số 163 xã đã rà soát, 28 xã đã chuẩn về giao thông (đạt cả 4 chỉ tiêu). Hệ thống GTNT được kiên cố hóa gắn với chương trình xây dựng NTM đã đáp ứng nhu cầu cơ bản về đi lại, sản xuất của nhân dân.
Đại Lộc là một huyện có địa hình phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều. Chuyện phát triển GTVT đường bộ gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc nhận thức muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.
“Trong đó, đầu tư cho hệ thống đường GTNT có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn làm thay đổi cơ bản bộ mặt ở nông thôn theo chương trình NTM, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” - ông Huỳnh Tự Tuyên, Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc chia sẻ.
Cũng theo ông Tuyên, nhờ thực hiện lồng ghép xây dựng NTM, đến hết năm 2014 huyện Đại Lộc đã ưu tiên phân bổ kế hoạch GTNT cho 6 xã điểm (xã Đại Hiệp, Đại Phong, Đại Hồng, Đại Cường, Đại Minh và Đại An) đạt tiêu chí về GTNT với 100% đường xã, hơn 70% đường thôn xóm được cứng hóa.


Cây Thuốc Giấu Trên Đỉnh Ngọc Linh Cây Thuốc Giấu Trên Đỉnh Ngọc Linh Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản