Mô hình kinh tế Sung Túc Nhờ Đa Canh

Sung Túc Nhờ Đa Canh

Ngày đăng 12/01/2012

Sung Túc Nhờ Đa Canh

Tôm càng xanh là loài thủy sản không xa lạ với người dân Cà Mau. Từ khi chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhiều nơi tôm chết kéo dài nên nông dân ngày càng ý thức hơn trong việc tìm các đối tượng nuôi thích hợp với sự biến đổi của môi trường. Và con tôm càng xanh là một đối tượng nuôi triển vọng trên vùng đất tôm - lúa của vùng nước lợ và ngọt hóa.

Ông Nguyễn Văn Khoái, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cho biết, đây là một trong những mô hình nuôi kết hợp với tôm sú trên ruộng lúa mang lại hiệu quả cao. Nếu mô hình lúa - tôm thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả thì đối tượng tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa sẽ bền vững hơn.

Đột phá từ đa canh

Trong quá trình nuôi, con tôm càng không xảy ra dịch bệnh, không cần cho ăn và có thể nuôi cùng với tôm sú mà không bị ảnh hưởng dịch bệnh từ tôm sú. Sau 6 tháng thả nuôi với 40 ngàn con tôm giống càng xanh xen canh với tôm sú và trồng một vụ lúa, ông Khoái thu về trên 60 triệu đồng từ tôm càng xanh.Anh Phạm Văn Thật, ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, nhiều năm thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi cá, trồng hoa màu. Đặc biệt là trên diện tích 2,5 ha, anh nuôi cá thác lác cườm dưới chân ruộng lúa và trồng dưa hấu trên đất ruộng. Ngoài dưa hấu chính vụ thu hoạch ngay trong dịp Tết, anh còn trồng thêm dưa hấu trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Anh Thật cho biết, nuôi cá thác lác cườm dưới chân ruộng vừa tạo thức ăn tự nhiên cho cá, lúa lại ít bị sâu bệnh, giảm được chi phí sản xuất. Mô hình của anh được Sở Khoa học - Công nghệ đánh giá là đề tài khoa học thử nghiệm, cá đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu.

Tổng hợp từ thu hoạch lúa, dưa hấu, cá chình và cá bống tượng, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi gần 200 triệu đồng/năm. Hiện anh đã xây được nhà cơ bản, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo trong xóm.

Không chỉ có lúa, có tôm mà gần 100% diện tích nuôi tôm đều được nông dân trong tỉnh thả nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cua, cá chẽm, cá kèo. Ngoài ra, nhiều nông dân còn trồng các loại cây ăn trái và hoa màu trên đất vườn và bờ vuông, góp phần tăng thu nhập.

Làm giàu đâu chỉ có con tôm

Anh Huỳnh Canh, Phân trường 30/4, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, hầu hết kinh xáng đê bao trên lâm phần đều được bà con trồng cây ăn trái, dưới nước nuôi cá, trồng lúa, trồng rừng, thu nhập hằng năm trên 50 triệu đồng/hộ. Nhiều hộ nghèo không đất, tay trắng vào đây hợp đồng thuê mướn đê bao của phân trường trồng cây ăn trái, giữ rừng, nay đã thoát nghèo.

Ở Tiểu khu 029, Phân trường 30/4 có một mô hình đa cây, đa con hiệu quả cao. Đó là mô hình trồng cây ăn trái của anh Trần Văn Sang. Với chiều dài 800 m bờ đê bao giữ nước phòng cháy chữa cháy rừng, tính ra chưa đầy 0,5 ha đất, anh trồng 800 gốc cam, quýt, bưởi, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng.

Chị Huỳnh Thị Kiên, vợ anh Sang kể, lúc mới về đây sống rất khổ, ngoài công việc làm cỏ, trồng cây, hai vợ chồng còn đi làm mướn, giăng lưới, cắm câu kiếm cá bán thêm mới đủ ăn. Cứ như thế tích góp dành dụm, mấy năm sau cuộc sống ổn định và khá dần lên. Tuy ở giữa rừng nhưng anh đã trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình

Nhìn cánh đồng lúa vàng ươm, trĩu hạt, báo hiệu một vụ mùa bội thu của mình, anh Phạm Văn Đồng, ấp Đường Ranh, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: "Tôi đã sản xuất lúa cấp xác nhận nhiều năm nay, năm nào cũng thu hoạch từ 25-30 giạ/công (tương đương 5 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân của tỉnh gần 1 tấn/ha). Những năm trước lúa trúng nhưng không bằng năm nay".
Ông Dương Văn Hùng, một nông dân sản xuất giỏi ở ấp Tân Thới, xã Tạ An Khương Đông, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, tâm sự: "Muốn kinh tế phát triển ổn định thì phải nuôi, trồng đa cây, đa con trên cùng diện tích. Điều quan trọng là phải dựa trên cơ sở khoa học - kỹ thuật và nuôi trồng cho phù hợp với vùng đất của mình thì mới đem lại hiệu quả cao".

Trong chuyến về làm việc tại tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Lê Văn Bé, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, nhận định, vùng đất U Minh rất thích hợp trồng các loại cây ăn trái. Ngoài giá trị kinh tế, những bờ đê trồng cây ăn trái còn là những đường băng xanh cản lửa phòng, chống cháy rừng tràm vào mùa khô. Dân cư vùng rừng có công ăn việc làm sẽ giảm thiểu áp lực xã hội đối với tài nguyên rừng././


Hăm Hở Vào Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp Hăm Hở Vào Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp Nuôi Tôm Nước Lợ 2012 - Áp Dụng Tiêu Chuẩn An Toàn Nuôi Tôm Nước Lợ 2012 - Áp Dụng…