Mô hình kinh tế Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh

Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh

Ngày đăng 17/09/2015

Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh

Vì vậy, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, chỉ có tái cơ cấu mới giúp ngành chăn nuôi nâng cao sức cạnh tranh khi bước vào hội nhập.

Mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà sạch ở Đồng Nai.

Gà “nội” lao đao

Với 14 triệu con gà, Đồng Nai được xem là địa phương có tổng đàn gà thuộc loại lớn nhất nước. Trong số này, đa số được nuôi theo quy mô trang trại. Do chi phí chăn nuôi cao, hiện người chăn nuôi gà ở Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước sức ép cạnh tranh của gà nhập ngoại, chứ chưa nói đến khi thời điểm Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang đến gần.

Chỉ mới năm ngoái, anh Phạm Văn Cường, ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) nuôi 40 nghìn con gà đẻ. Do giá trứng thời gian đó liên tục giảm mạnh, thậm chí có lúc chẳng bán được, nên anh đã chịu lỗ gần một tỷ đồng. Năm nay, do nguồn vốn hao hụt nhiều, nên anh đã giảm đàn xuống còn 25 nghìn con.

Nếu tình hình thua lỗ còn tiếp diễn, anh Cường sẽ tiếp tục giảm đàn, thậm chí việc “treo” chuồng để chuyển sang công việc mới cũng đã được anh tính đến.

“Thiệt thòi lớn nhất của những chủ trại gà như chúng tôi là phụ thuộc vào giá cả thị trường rất nhiều. Những năm gần đây, giá cả cứ trồi sụt thất thường nên thua lỗ nặng lắm, mà cũng không biết lúc nào lên, lúc nào xuống nên chủ yếu kinh doanh theo may rủi. Nếu thua lỗ nữa thì tôi sẽ đóng cửa trại thôi chứ không có cách nào khác”, anh Cường nói giọng buồn buồn.

Nỗi lo của anh Cường cũng là tâm trạng chung của các hộ chăn nuôi gà ở Đồng Nai. Gần đây, nhiều trại gà đã phải ngừng nuôi, thậm chí có hộ đã chuyển hẳn sang công việc mới chứ không còn “treo” chuồng chờ giá lên để tái đàn như những năm trước. Sau nhiều lần chịu lỗ, không ai bảo ai, các chủ trại gà đang cân nhắc chuyển sang nghề khác, dù biết vốn “chôn” vào chuồng trại là không nhỏ.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, người chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn cũng có một phần nguyên nhân đến từ gà nhập khẩu bán với giá rẻ. Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, với việc nhập khẩu thịt gà mỗi tháng lên đến 6.000 tấn thịt đùi, cánh gà, nếu quy đổi số lượng thịt gà này ra gà (2,5 kg/con) thì tương đương với 3 triệu con gà thịt/tháng.

Trong khi đó, toàn ngành chăn nuôi gà ở nước ta mỗi tháng thu hoạch khoảng 8 - 8,4 triệu con.

Điều này có nghĩa là gà nhập khẩu đã chiếm khoảng 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Với giá bán thịt gà nhập khẩu sáu tháng đầu năm ở mức 17 - 20 nghìn đồng/kg, ước tính gà trong nước lỗ khoảng 10 nghìn đồng/con, và trong 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, thời điểm này, nếu gà nhập khẩu không bán với giá rẻ, thịt gà Việt Nam cũng khó có thể cạnh tranh với thịt gà ngoại nhập. Ðiều này đồng nghĩa, người chăn nuôi gà trên phạm vi cả nước sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn khi Việt Nam chính thức tham gia TPP.

Lúc đó, thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0% và sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng bộc lộ.

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cả nước có khoảng 5.000 trang trại nuôi gà với tổng vốn 15 nghìn tỷ đồng. Nếu các bộ, ngành liên quan không nhanh tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm để chủ động hội nhập thì không những ảnh hưởng đến đời sống 15 nghìn nông dân liên quan đến nuôi gà, mà còn kéo theo hệ lụy các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy giết mổ, nhà máy thuốc thú y… cũng bị ảnh hưởng.

Phân tích về giá thành, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi con giống, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật. Người nuôi gà trong nước chỉ có một lợi thế là giá nhân công rẻ, trong khi mọi khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.

Cụ thể, ở Đồng Nai, mặc dù được xem có tổng đàn gia cầm lớn nhất nước nhưng lại không có một trại giống nào có khả năng cung cấp đủ con giống tiêu chuẩn cho người nuôi, mà chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên không chủ động được giá bán gà giống.

Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi hiện nay theo hướng “mạnh ai nấy làm”, mỗi người một khâu, thiếu liên kết trong sản xuất khiến sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến tay người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian làm giá thành sản phẩm luôn ở mức cao.

Đó là những bất cập đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Theo những nhà chuyên môn, nếu không có những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh thì ngành chăn nuôi trong nước còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Những nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp và người chăn nuôi là chưa đủ mà để “tiếp sức” cho gà nuôi trong nước cần hơn nữa vai trò “bà đỡ” của Nhà nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai (NN và PTNT) Phạm Minh Đạo cho rằng, từ những bất cập trên, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã quy hoạch, triển khai xây dựng 139 vùng chăn nuôi tập trung.

Trong đó, bốn huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ được chọn để xây dựng chín vùng thí điểm chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 1.400 ha. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển chăn nuôi gà theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh. Hiện, đã có 180 trại gà được Cục Thú y công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật, tám trại gà được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Qua những trang trại này, việc chăn nuôi được theo dõi, thực hiện theo quy trình chung, không những giúp người nuôi tối ưu hóa chi phí sản xuất mà còn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, một yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm từ gà khi hội nhập.

Ngoài ra, Sở NN và PTNT Đồng Nai cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người chăn nuôi xây dựng các chuỗi liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gà.

Hai dự án liên kết phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang triển khai là mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm gà, vịt thịt của Công ty CP phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (do Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thực hiện tại huyện Cẩm Mỹ với quy mô 50 nghìn con); và mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thảo dược của Hợp tác xã nông nghiệp xã Phú Ngọc, huyện Định Quán với quy mô 120 nghìn con.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 16,4 triệu con, trong đó có 95% chăn nuôi theo quy mô trang trại và 100% sản phẩm chăn nuôi từ gà tham gia đề án truy xuất nguồn.


Giá cà phê tiếp tục lao dốc Giá cà phê tiếp tục lao dốc Giá cao su Tocom tiếp tục tăng 3,2% Giá cao su Tocom tiếp tục tăng 3,2%