Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu, Hướng Đến Phát Triển Nông Nghiệp Bền Vững

Tái Cơ Cấu, Hướng Đến Phát Triển Nông Nghiệp Bền Vững

Ngày đăng 19/03/2014

Tái Cơ Cấu, Hướng Đến Phát Triển Nông Nghiệp Bền Vững

Năm 2014, Đại Lộc lập kế hoạch, tập trung nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm để hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Tăng giá trị sản xuất

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, huyện đang hướng tới mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đại Lộc đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể, vụ đông xuân 2013-2014, địa phương chuyển đổi 20ha lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới sang trồng cây trồng cạn như thuốc lá, bắp, ớt cho hiệu quả cao.

Tại một số cánh đồng thuộc xã Đại Đồng, Đại Quang, nông dân chuyển sang chuyên canh cây sả, tạo thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Trong năm 2014, huyện tiếp tục chuyển đổi 150ha lúa nước ở các vùng Đại Tân, Đại Thạnh, Đại Chánh sang trồng sắn, dưa gang, khoai lang, khoai môn...

Thay vì trồng đậu phụng bị mất mùa liên tục, nhiều hộ chuyển sang trồng ớt lai xuất khẩu, nổi bật là giống ớt lai Ấn Độ mới 403. Tín hiệu đáng mừng là ngay từ đầu vụ, cây ớt lai đã cho thu nhập bình quân 2,8 - 3 triệu đồng/sào…

Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng đang dần định hình. Toàn huyện có 30 cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống chất lượng cao theo hướng hàng hóa trên diện tích 1.434ha với năng suất bình quân đạt 70tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 3 - 4 tạ/ha.

Cùng với đó, 6 cánh đồng mẫu sản xuất rau củ quả đã được hình thành với diện tích 120ha tại thôn 9, thôn 10 (Đại Cường), thôn Ấp Nam (Đại Minh), Phú Long (Đại Thắng), Hòa Mỹ (Đại Nghĩa), Bàu Tròn (Đại An). Riêng Bàu Tròn với diện tích 47ha được định hướng chuyên canh rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhiều nông dân từ đó đã dần khấm khá, vươn lên thoát nghèo với thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm, điều mà sản xuất truyền thống không có được. Các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng được nhân rộng. Theo kế hoạch, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung sẽ được hình thành tại Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Tân, Đại Thắng.

Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, Đại Lộc không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng giống mới, ngành nông nghiệp huyện còn khuyến cáo bà con thực hiện nhiều giải pháp luân canh, xen canh, gối vụ nhằm tăng thu nhập, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích.

Liên kết sản xuất

“Huyện đang từng bước phá thế độc canh cây lúa, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây cho giá trị cao nhưng vẫn đảm bảo sản lượng lương thực mỗi năm đạt hơn 60.000 tấn. Phải tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Phát triển mạnh đàn vật nuôi, từng bước nâng cao tỷ trọng của ngành chăn nuôi chiếm hơn 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mục tiêu là từ nay đến giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản  đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%. Đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 50%, chăn nuôi 35%, lâm nghiệp 10%, thủy sản 5% trong cơ cấu ngành”.Ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc

Để đạt hiệu quả và năng suất cao từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều địa phương tại Đại Lộc đã làm tốt từ khâu xúc tiến, liên kết sản xuất giống đến khâu bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm sản xuất.

Không chỉ làm tốt khâu liên kết sản xuất lúa giống, huyện còn liên kết với doanh nghiệp đẩy mạnh chăn nuôi gia súc tập trung, phát triển chăn nuôi gia công. Ngoài khu chăn nuôi tập trung tại xã Đại Chánh với quy mô 700 - 1.000 heo giống, năm 2014, huyện tiếp tục mở rộng khu chăn nuôi tập trung tại thôn Đông Lâm (Đại Quang) với diện tích 10ha với quy mô nuôi 4.000 heo thịt gia công.

“Đây là hướng đi quan trọng giúp tăng mạnh tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Chủ trương của huyện là đẩy mạnh liên kết với công ty để tạo điều kiện cho bà con đầu tư nuôi gia công, tiếp cận với kỹ thuật hiện đại, đầu ra sản phẩm được bao tiêu toàn bộ” - ông Mẫn cho biết.

Tuy nhiên theo ông Hồ Ngọc Mẫn, nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều mặt hàng nông sản còn bấp bênh, chưa ổn định về đầu ra.

Chẳng hạn, dưa hấu gần như là cây chủ lực với gần 120ha. Gần đây, giống dưa hắc mỹ nhân mới được thị trường ưa chuộng đã được bà con tiếp cận. Tuy nhiên, đầu ra của dưa hấu đầu vụ còn thấp, giá cả bấp bênh khiến nông dân chịu thiệt thòi.

Trong khi đó, có nhiều vụ mùa dưa có giá rất cao song bà con lại không có sản phẩm để tiêu thụ. Không chỉ dưa hấu, ngay cả vùng rau quả của Bàu Tròn cũng luôn đối diện với cảnh “được mùa mất giá” do thị trường biến động. Việc tháo gỡ khó khăn về đầu ra, khâu xúc tiến, liên kết thu mua, bao tiêu nông sản vẫn là bài toán khó.

Trở lực không nhỏ là diện tích đất sản xuất trên đầu người tại địa phương quá ít, bình quân mỗi nhân khẩu không quá 300m2, khó khăn cho khâu quy hoạch sản xuất. Lực lượng lao động nông thôn của huyện chiếm đa số là người già và phụ nữ vốn là những đối tượng khó tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới. Khâu tư vấn, dự báo về mặt thị trường vẫn chưa được chú trọng…


Nỗ Lực Chống Hạn Nỗ Lực Chống Hạn Được Mùa Bắp Nếp Được Mùa Bắp Nếp