Tái Cơ Cấu Ngành Vận Tải Biển Không Thể Chậm Trễ Hơn
Ngành vận tải biển Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước.
Do vậy, để phục hồi ngành này, các ban ngành cần ưu tiên giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách, đặc biệt là tái cơ cấu lại đội tàu, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tàu nhiều nhưng vẫn “yếu”
Theo Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu mang quốc tịch Việt Nam lên tới hàng nghìn chiếc, trong đó có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế.
Tuy có đội tàu đông đảo như vậy, song cơ cấu đội tàu của Việt Nam hiện không hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn trong khi tàu chuyên dụng và tàu container lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dẫn đến tình trạng dư thừa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ và đang thiếu tàu chuyên dụng, tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.
Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của tàu container Việt Nam cũng rất hẹp, mới chỉ “loanh quanh” trong khu vực Ðông Nam Á, Trung Quốc..., chưa thực hiện các chuyến đi thẳng.
Thống kê cho thấy, sáu tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 176,1 triệu tấn, bằng 49,81% so với kế hoạch năm 2014 và tăng 13,86% so với cùng kỳ năm 2013; hàng container đạt 4,77 triệu TEUs (dung tích container), tăng 19,46% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dù số lượng đội tàu trong nước lớn nhưng nhiều hợp đồng vận tải xuất nhập khẩu đang do tàu của nước ngoài thực hiện. Do đó, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam và chủ yếu đi các thị trường gần khu vực còn các thị trường lớn như châu Mỹ, châu Âu vẫn do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đang phải đối mặt với các thách thức như năng lực quản lý còn nhiều hạn chế; nhiều chủ tàu chỉ quản lý một vài tàu nhỏ, kém chất lượng; kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh doanh vận tải biển yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả kinh doanh chung của toàn đội tàu…
Ông Nguyễn Văn Công thừa nhận, vận tải biển trong nước phục hồi rất chậm, giá cước vận tải vẫn thấp, nguồn hàng khan hiếm trong khi chi phí vốn và chi phí nhiên liệu tăng cao, thị trường vận tải biển nội địa mất cân đối giữa hai chiều Bắc-Nam… khiến vận tải biển không hoàn thành yêu cầu “chia lửa” với vận tải đường bộ mà Bộ Giao thông Vận tải đặt ra.
Như vậy, chính những khó khăn khách quan từ phía thị trường cộng với cơ cấu đội tàu bất hợp lý đã làm các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam tiếp tục có hiệu quả kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phá sản.
Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Đỗ Xuân Quỳnh cho biết, do cước vận tải giảm mạnh nên hầu hết các chủ tàu đều phải khai thác dưới giá thành, thậm chí lỗ. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển hiện đang trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển đội tàu.
Một khó khăn khác cho đội tàu biển Việt Nam khi phải chịu cạnh tranh quyết liệt từ các hãng tàu nước ngoài bởi Việt Nam phải thực hiện các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo đó, các hãng tàu biển nước ngoài được hoạt động bình đẳng tại Việt Nam mà không phải chịu bất cứ rào cản nào.
Trong khi đó, các hãng tàu nước ngoài phát triển với tốc độ ngày càng mạnh cùng với nguồn tài chính hùng hậu nên việc cung cấp dịch vụ vận tải biển ngày càng vượt xa đội tàu Việt Nam.
Muốn mạnh phải liên kết
Theo đánh giá, việc đội tàu biển Việt Nam đang bị mất dần thị phần vận tải biển vào tay doanh nghiệp nước ngoài là do hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam không sử dụng quyền vận tải trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Vì vậy, chỉ khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay đổi tập quán vận tải, ngành vận tải biển Việt Nam mới có cơ hội phát triển.
Dẫn chứng tại Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, mỗi ngày có hàng trăm doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu. Hầu hết đều chọn phương án mua CIF (đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí, phí bảo hiểm), bán FOB ( đã trả cước phí xếp hàng lên tàu) hay mua hàng tại cảng đến, bán hàng ở cảng đi, nghĩa là cả mua và bán hàng đều ở cảng tại Việt Nam.
Tập quán này đã có từ lâu do doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt thường chỉ tập trung vào việc mua bán hàng, chứ không đảm nhiệm việc lựa chọn hãng vận tải.
Trong khi đó, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam nhận xét, cái khó trong quyết định vấn đề vận tải là do phía Việt Nam không phải là người quyết định. Quyền quyết định ở bên đặt hàng mà họ lại ở nước ngoài.
Đại diện Công ty cổ phần thép Việt Ý (một doanh nghiệp nhập khẩu) cũng có cùng quan điểm là các chủ hàng thường thuê tàu ở nước ngoài chứ phía doanh nghiệp không được chỉ định tàu.
Giám đốc Công ty cổ phần vận tải biển Hải Âu Nguyễn Hữu Hoàn chia sẻ, tình trạng mua CIF bán FOB, tức là người Việt Nam không giành được thị phần vận tải. Đây là lý do tại sao năng lực vận tải cao nhưng thị phần vận tải lại rất thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan nhằm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã chấp nhận sử dụng tàu nội địa tại các thị trường gần. Sau một thời gian xem xét, nếu đáp ứng tốt sẽ chuyển sang các thị trường biển xa.
Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi các doanh nghiệp vận tải biển quan tâm hơn đến hai ngành hàng đang còn bị bỏ trống là vận tải ximăng rời và khí hóa lỏng.
Đại diện Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam lớn mạnh có thể mua tận gốc, bán tận ngọn. Do vậy, Hiệp hội sẽ hỗ trợ chủ hàng mạnh dạn áp dụng tập quán mua gốc, bán ngọn này để tiến tới giành quyền chủ động chọn hãng vận tải, nhằm từng bước phát triển đội tàu Việt.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước, các doanh nghiệp đề nghị có lộ trình không cho phép tàu mang quốc tịch nước ngoài vận tải nội địa.
Đại diện Bộ Công Thương, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu đang tăng 11-15% mỗi năm, đây là cơ hội cho kinh doanh vận tải nội địa để mở rộng thị phần của mình.
Tuy nhiên, năng lực giữa doanh nghiệp vận tải Việt Nam và nước ngoài có chênh lệch, sự chênh lệch ngày càng lớn ở cơ hội tiếp cận vốn, do vậy phải tăng cường kết nối các doanh nghiệp Logictics.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường sự đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển, bởi so với doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta yếu hơn. “Buôn có bạn, bán có phường, việc đoàn kết, liên kết sẽ tăng thêm sức mạnh và cạnh tranh lành mạnh. Chúng ta là quốc gia biển, phải giàu lên từ biển” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp trong nước cũng cần tự nâng cao năng lực bốc xếp, nâng cao năng lực đàm phán để nâng thị phần vận tải và phải liên kết lại để tạo nên sức mạnh tổng thể cho ngành vận tải biển Việt Nam.
Từng bước tháo gỡ và hoàn thiện
Trước nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển cảng biển, quy hoạch phát triển đội tàu biển cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ quan tâm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối giữa các cảng biển với nhau, giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ, hàng không.
“Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ Bộ Luật Hàng hải sửa đổi, để trình Quốc hội cho ý kiến. Ngay sau đó sẽ triển khai sửa đổi Nghị định, Thông tư có liên quan nhằm tháo gỡ ngay cho các doanh nghiệp” - Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải chia sẻ.
Song song với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo việc cổ phần hoá doanh nghiệp vận tải biển, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về giá sàn trong xếp dỡ hàng hóa tại cảng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, để tháo gỡ khó khăn, trước hết bản thân các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu đầu tư đội tàu cho phù hợp, thứ hai là nâng cao năng lực quản trị làm sao để có chi phí thấp nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ