Tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt nhiều thành công nhất định
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Sau 2 năm thực hiện, đến nay ĐBSCL đã có 12/13 tỉnh xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau đã xây dựng xong đề án TCCNN do UBND tỉnh phê duyệt và giao lại cho Sở NN&PTNT ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, Sóc Trăng đã có 8/11 huyện, thị phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cấp cơ sở. Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Bạc Liêu có kế hoạch hành động thực hiện đề án do UBND tỉnh ban hành. Còn thành phố Cần Thơ và Hậu Giang có kế hoạch hành động do Sở NN&PTNT ban hành. Riêng Vĩnh Long thì đề án tái cơ cấu do Tỉnh ủy phê duyệt, UBND ban hành kế hoạch thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án để triển khai tới các xã, phường, thị trấn và đã có 92/109 xã xây dựng kế hoạch thực hiện.
Kết quả 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL đã chuyển được 78.375ha đất sản xuất lúa sang trồng rau màu, dưa hấu, ngô, mè, đậu tương, thanh long. Nhiều diện tích chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ mức 20-30%. Cá biệt như nhiều mô hình trồng ngô ở Đồng Tháp, An Giang cho lợi nhuận cao gấp 1,5-1,8 lần so với lúa. Đối với cây lúa, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã lập kế hoạch xây dựng và phát triển cánh đồng lớn đã giúp nhà nông tham gia tăng lợi nhuận 4-5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất nhỏ lẻ. Về lĩnh vực chăn nuôi thì các địa phương có thế mạnh nuôi bò sữa như Sóc Trăng và bò thịt ở Bến Tre, Trà Vinh, An Giang,… đã sử dụng công thức nhân giống bò lai nhập ngoại mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Con giống bò lai nuôi sau 24 tháng đạt trọng lượng trên 500 kg/con giúp người nuôi thu về lợi nhuận rất cao. Hình thức tổ chức sản xuất tại các địa phương trong 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu luôn đổi mới và đến nay toàn vùng đã có 1.200 HTX nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Nhiều HTX đã và đang giúp nông dân hưởng lợi lớn như: HTX Nông nghiệp Phú Thượng, xã Phú Thành (Châu Phú, An Giang); HTX Tân Cường (Tam Nông, Đồng Tháp)… Ngoài ra, loại hình tổ hợp tác (THT) sản xuất đang phát huy hiệu quả lớn đã và đang thu hút nhà nông tham gia khá tốt. Bình quân mỗi tỉnh ở vùng ĐBSCL hiện có khoảng 1.367 THT sản xuất, tăng 163 THT so với năm 2013. THT trồng trọt và thủy sản phát triển mạnh nhất và Cà Mau là tỉnh có nhiều THT với 1.044 THT trồng trọt và 1.730 THT thủy sản… Khi hình thức tổ chức sản xuất phát triển mạnh sẽ góp phần mang tính đột phá của tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thành công.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tiết lộ: Sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì Hậu Giang chọn 10 mặt hàng thế mạnh để đầu tư. Qua 2 năm, Hậu Giang đã chuyển đổi khoảng 3.000ha đất mía, vườn tạp và lúa kém hiệu quả để trồng các loại cây khác cho kinh tế cao hơn. Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thay đổi các phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Bước đầu cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6%, toàn tỉnh có khoảng 50% hộ dân sản xuất nông nghiệp đạt từ mức 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm, đồng thời xuất hiện những hộ làm nông nghiệp đạt 1-2 tỉ đồng/năm”.
Còn ở Đồng Tháp, qua 2 năm thực hiện Đề án TCCNN cộng với kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: HTX chính là điều kiện cần, là xương sống trong suốt tiến trình TCCNN. Quan điểm TCCNN của Đồng Tháp là “tổ chức lại sản xuất nông nghiệp” dựa trên 3 định hướng: “hợp tác - liên kết - thị trường” và 3 yêu cầu: “giảm chi phí sản xuất - nâng cao chất lượng nông sản - đa dạng hóa nông sản chế biến”. Các định hướng và yêu cầu trên luôn xuyên suốt gắn với 5 mặt hàng chủ lực trong đề án là: lúa gạo, cá tra, xoài, vịt, hoa kiểng và các loại nông sản khác trong tỉnh.
Ông Lê Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sau 2 năm thực hiện TCCNN, tỉnh đã triển khai đề án nâng tỷ trọng các giống lúa đặc sản giống lúa ST, đến nay đã có 34% diện tích với 340 điểm cánh đồng lớn, doanh nghiệp (DN) ký kết tiêu thụ do được hơn 3.700ha, trong đó có trên 32% DN có hợp đồng ký kết có hợp đồng. Về bò sữa, tỉnh đang triển khai xã hội hóa phát triển trên 800ha bằng cách chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ nuôi bò. Nuôi trồng thủy sản đang hướng cho người dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học để giảm rủi ro.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, là nơi có lợi thế so sánh tốt nhất về nông nghiệp của cả nước. Nhưng trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn thì nông nghiệp có thể sẽ “thua” ngay trên sân nhà, thất bại ngay cả ở những lĩnh vực mà ta vẫn nghĩ là có lợi thế so sánh. Cái lớn nhất trong TCCNN là người dân và DN tự nguyện đến với nhau, còn phía nhà nước đứng phía sau tạo điều kiện và hỗ trợ nhằm giữa hai bên chia sẻ với nhau lúc thị trường lên xuống. Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới các địa phương đẩy mạnh thực hiện TCCNN quyết liệt và đưa cả hệ thống chính trị vào thực hiện và ngay cả xây dựng ban chỉ đạo TCCNN tại địa phương. Rà soát lại quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cần quan tâm cơ chế chính sách. Bộ NN&PTNT xây dựng tổ công tác nắm bắt thông tin các địa phương trong vấn đề xây dựng TCCNN để cần cập nhật thường xuyên kịp thời tìm hướng xử lý và khắc phục nhanh. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và đào tạo cho THT, HTX để nâng cao sản xuất hiệu quả, để biết cách nắm vững thông tin, để đánh giá tìm và nhận định thị trường, để phân tích quyết định tìm thị trường mới thành công trong việc TCCNN.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ