Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu Sản Xuất Nông Nghiệp Giống Tốt Vẫn Chưa Đủ

Tái Cơ Cấu Sản Xuất Nông Nghiệp Giống Tốt Vẫn Chưa Đủ

Ngày đăng 23/05/2014

Tái Cơ Cấu Sản Xuất Nông Nghiệp Giống Tốt Vẫn Chưa Đủ

Một trong những giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu từ đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh là phải đột phá từ khâu giống. Đó là giống mới có năng suất, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Giống nhiều nhưng chưa hiệu quả

Bạc Liêu rất giàu về lúa giống, chỉ riêng giống lúa mang tên BL (Bạc Liêu) cũng có hơn 200 dòng/giống và gần cả chục loại giống lúa chất lượng cao khác. Giống lúa thì nhiều, song, Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được những thương hiệu gạo đặc thù để giúp nông dân làm giàu từ hạt lúa.

Bởi, giống lúa nhiều nên mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chọn, miễn sao dễ tiêu thụ là được. Thời gian qua ngành Nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân phải tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, hạn chế sử dụng giống IR 50405, OM 576... Thế nhưng, vụ đông xuân nào nông dân cũng tập trung sản xuất giống lúa này.

Bà Nguyễn Kim Oanh (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cho biết: “Hầu hết nông dân ở đây đều chọn giống IR 50404 cho vụ đông xuân chứ không sử dụng giống lúa chất lượng cao. Vì giống lúa này cho năng suất cao và dễ tiêu thụ”.

Nông dân chọn giống lúa có năng suất cao thay vì chất lượng là vì nếu sản xuất giống lúa chất lượng cao cũng chẳng có ai bao tiêu sản phẩm, đầu ra còn gặp khó khăn hơn so với các giống lúa chất lượng thấp.

Mặt khác, sản xuất quá nhiều giống lúa còn kéo theo tình trạng sản xuất manh mún, hàng hóa không đồng nhất về chất lượng. Đơn cử như vụ đông xuân vừa qua, nông dân sử dụng rất nhiều giống lúa khác nhau như: OM 4900, OM 6976, OM 1490, OM 2517, OM 4218, OM 5451...

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, thuộc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) cho rằng: “Bất cập trong xuất khẩu lương thực lâu nay là nông dân sản xuất quá nhiều giống lúa dẫn đến sản lượng không ổn định, chất lượng không đồng nhất.

Phần lớn lúa gạo của nông dân tiêu thụ đều thông qua thương lái và lúa gạo bị pha tạp giữa giống này với giống kia. Điều đó làm cho hạt gạo mất đi giá trị và doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp khó khi phải ký kết những đơn hàng cung ứng lượng lương thực lớn, đòi hỏi sản lượng, chất lượng ổn định”.

Chớ làm khổ mÌnh

Bạc Liêu đã có hai giống lúa chủ lực, đó là Tài nguyên Vĩnh Lợi và Một bụi đỏ Hồng Dân. Song, cần khẳng định rằng: cả hai giống lúa này đến nay vẫn chưa đủ sức cạnh tranh và cũng không cần phải xây dựng thương hiệu. Lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi và lúa Một bụi đỏ Hồng Dân đều là giống lúa mùa địa phương nên chỉ sản xuất 1 vụ/năm, diện tích sản xuất lại không lớn.

Như lúa Một bụi đỏ diện tích sản xuất khoảng 30.000ha/năm, đạt sản lượng khoảng 150.000 tấn; còn lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi diện tích sản xuất khoảng 10.000ha/năm, sản lượng khoảng 50.000 tấn. Sản lượng từ hai giống lúa được coi là chủ lực không quá 200.000 tấn/năm thì làm sao có thể ký kết những đơn hàng lớn. Nếu vậy, đăng ký thương hiệu làm gì để tự làm khổ mình!?

Vì mục đích của thương hiệu là giúp hàng hóa mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, gắn chặt chất lượng và sản lượng...

Ngoài lý do này, ở một số tỉnh như Long An, Trà Vinh... lúa Tài nguyên đã được nâng chất, đóng gói phục vụ xuất khẩu, và gần như đã khẳng định thương hiệu của mình, vậy cớ gì Bạc Liêu lại phải đi sau!?

Thực trạng trên cho thấy, đối với cây lúa và hàng nông sản nói chung, muốn xây dựng thương hiệu không phải cứ thích thì làm, mà phải tính đến những yếu tố mang tính bắt buộc.

Đối với người trồng lúa, năng suất và đầu ra của hạt lúa là quan trọng nhất. Do vậy, việc nghiên cứu lựa chọn giống tốt vẫn chưa đủ, mà cần tổ chức lại sản xuất gắn với sản xuất hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng, hàng hóa được bao tiêu. Có như vậy thì không cần vận động trồng giống lúa chất lượng, nông dân cũng lựa chọn bộ giống chủ lực được bao tiêu để làm, và lúc đó thương hiệu cũng sẽ tự hình thành khi hạt gạo chiếm lĩnh được thị trường.


Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt… Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận…