Tin nông nghiệp Tẩm bổ cho lợn bằng thảo dược

Tẩm bổ cho lợn bằng thảo dược

Tác giả Tùng Anh, ngày đăng 02/11/2016

Tẩm bổ cho lợn bằng thảo dược

Để xuất chuồng một chú lợn chân thon, da dày, thịt chắc, thơm ngon và tuyệt đối an toàn, người chăn nuôi lợn sinh học ở Thạch Thất (Hà Nội) phải trải qua gần 8 tháng nhọc công chăm sóc. Giống lợn này còn được gọi là lợn “hương”.

“Tẩm bổ” cho lợn bằng thảo dược

Đến xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội), hỏi trang trại lợn Sen Trì của anh Phùng Ngọc Vĩnh, hầu như ai cũng biết bởi đã có rất nhiều đoàn tìm đến đây để “mục sở thị” mô hình chăn nuôi lợn sạch có một không hai này.

Trong ảnh: Lợn được nuôi bằng thảo dược trong trang trại Sen Trì của anh Vĩnh.  Ảnh: T.A

Để đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, trang trại Sen Trì tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm các loại vaccine phòng bệnh như dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh, đóng dấu, ecoli… cũng như xây dựng quy trình giết mổ an toàn và đã được cấp giấy chứng nhận. Trang trại đã được công nhận là cơ sở chăn nuôi VietGAP. 

Anh Vĩnh cho biết, trước đó anh từng có thời gian dài khá vất vả lăn lộn với nghề làm thợ điện tại TP.HCM. Khi về Thạch Thất, anh được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tư vấn và giới thiệu quy trình chăm sóc lợn “hương” cho kinh tế cao. Tháng 6.2012, anh quyết định đầu tư vào loại lợn này. Mang hết vốn liếng, anh đầu tư xây dựng chuồng trại trên thửa đất 5,3ha, xen kẽ trồng cây ăn trái và nuôi lợn.

Ban đầu, anh Vĩnh chỉ mua được 12 con lợn từ Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản Cao Bằng. Đây là giống lợn “hương” có nguồn gốc từ Bát Xát (Lào Cai). Anh Vĩnh cho biết, đặc điểm của giống lợn này rất khác biệt: Thân ngắn, chân thon, bụng to, da dày, thịt chắc và thơm ngon.

Nhưng điều đặc biệt nhất là những con lợn “hương” trong trang trại của anh Vĩnh được chăm sóc với chế độ rất đặc biệt. Thức ăn của lợn ngoài  cám, ngô, gạo còn có các cây xanh thuộc nhiều nhóm thảo dược khác nhau như: Bồ công anh, kim ngân, tỏi, nghệ, phục linh... Anh Vĩnh cho biết, những cây thuốc này không chỉ có tác dụng làm tăng sức đề kháng cho lợn, giúp lợn khỏe mạnh, hồng hào mà còn tăng độ thơm ngon của thịt, lại đặc biệt an toàn. Để đảm bảo nguồn thức ăn theo yêu cầu, anh Vĩnh đã dành nhiều khoảng đất trong trang trại để trồng các loại cây thảo dược.

Để nuôi được lợn “hương” sạch đúng nghĩa trong trang trại, anh Vĩnh tuyệt đối nói không với cám tăng trọng và thức ăn công nghiệp. Chính vì vậy, thời gian để một lứa lợn được xuất chuống cũng kéo dài gấp đôi so với các giống lợn khác. Một con lợn đủ trọng lượng 35 - 40kg phải mất 7 - 8 tháng ròng chăm sóc.

Trong thời gian sinh trưởng, lợn còn được theo dõi sức khỏe khá nghiêm ngặt. Anh Vĩnh cho biết, tùy vào thời gian sinh trưởng và cân nặng của lợn sẽ có quy trình chăm sóc riêng. "Lợn được tách đàn khi được 25 ngày tuổi, lúc này thức ăn là tấm gạo ninh nhừ, bột ngô và lá cây chè. Khi lợn được khoảng 20kg, bắt đầu cho ăn cám gạo, cám ngô ủ men vi sinh và trộn với cây thuốc, chuối và bèo tây. Ngoài ra, lợn thường xuyên được bổ sung nghệ, tỏi, gừng, tiêm vaccine để phòng bệnh. Chuồng trại được khử trùng hàng tuần. Lợn đạt khoảng 15kg được kết hợp thả rong ở diện tích 600m2 sàn bê tông để chạy nhảy tiêu mỡ và năng lượng, giúp thịt săn chắc, đảm bảo sức khỏe" - anh Vĩnh chia sẻ bí quyết.

Kiên trì mục tiêu nuôi lợn sạch

 

Khi đã thấy được hiệu quả từ việc nuôi lợn sạch bằng nguồn thức ăn thảo dược, anh Vĩnh lại gặp khó khăn trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Bắt đầu từ năm 2013, anh Vĩnh đem lợn “hương” của mình giới thiệu tại Hội chợ chăn nuôi thú y – thủy sản và Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề. Phản hồi của người mua là thịt lợn ngon, an toàn nhưng nhiều mỡ nên họ còn e ngại. Anh Vĩnh lại mày mò tìm cách lai giống lợn “hương” với giống lợn rừng mua tại trại giống Viên Yên (Thạch Thất) để cân bằng tỷ lệ nạc – mỡ. Thịt lợn lai giống với độ thơm ngon, lượng mỡ vừa phả đã dần dần đáp ứng được nhu cầu thị trường và có chỗ đứng.

Từ 12 con lợn giống ban đầu, hiện nay trang trại Sen Trì của anh Vĩnh đã duy trì liên tục được khoảng trên 400 con lợn, mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 1 - 1,2 tấn thịt lợn hơi. Giá thịt mafà anh bán khoảng 130.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với lợn chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp nhưng vẫn không đủ để cung ứng ra thị trường. Anh Vĩnh cho biết, hiện thịt lợn sạch của anh đã có mặt ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội và hệ thống các siêu thị nổi tiếng. Ngoài cung cấp thịt, trang trại của anh Vĩnh mỗi năm còn xuất nhiều con giống đi các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang...


Quái kiệt nhân bản cây thốt nốt Quái kiệt nhân bản cây thốt nốt Khơi dậy ý chí làm giàu trong nông dân Khơi dậy ý chí làm giàu trong nông…