Mô hình kinh tế Tận Dụng Lợi Thế Đất Rừng Để Làm Giàu

Tận Dụng Lợi Thế Đất Rừng Để Làm Giàu

Ngày đăng 18/07/2014

Tận Dụng Lợi Thế Đất Rừng Để Làm Giàu

Phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh là đồi núi, chỉ phù hợp trồng rừng. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh luôn chú trọng công tác trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Bằng nhiều chương trình, dự án đề ra, với hàng trăm tỷ đồng vốn Nhà nước và các tổ chức nước ngoài rót về cho tỉnh, nhờ đó diện tích rừng đã tăng lên, chất lượng rừng tốt hơn, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,39% năm 2011 lên 40,94% năm 2014.

Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2015 sẽ nâng độ che phủ rừng lên 45%. “Thời gian như bóng câu qua cửa”, chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ đại hội, trong khi chúng ta cần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 4%, tương đương 36.000ha rừng (chủ yếu khoanh nuôi, tái sinh) là điều không dễ.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2014, cho thấy: do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa được làm thường xuyên, không đảm bảo trình tự, thủ tục nên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

Tiến độ giao đất giao rừng theo Kế hoạch 388/KH-UBND tại một số địa phương bộc lộ những tồn tại như: Tiến độ thực hiện chậm, xử lý tranh chấp phát sinh chưa kịp thời, tư vấn yếu kém...

Việc quyết toán các dự án rừng đã hoàn thành, nhất là Dự án 327, 661 chậm, dẫn đến không lập được thủ tục thanh lý rừng để khai thác tận thu gỗ rừng sản xuất đã đến tuổi phục vụ nhu cầu cuộc sống và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ.

Chính sách hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất còn nhiều bất cập. Thường do nguồn vốn quá thấp, trong khi đa phần diện tích rừng trồng nằm ở những vị trí khó khăn, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, việc vận chuyển cây giống để trồng, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rất khó khăn, nên người dân, doanh nghiệp không mặn mà.

Để chủ trương phát triển rừng bền vững cho cả giai đoạn đến năm 2020 đi vào cuộc sống, nhất là tạo lòng tin, động lực trong đại bộ phận người dân sống được từ rừng, doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn tham gia trồng rừng, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp.

Thứ nhất là chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của rừng. Sống ở miền rừng, ruộng nương ít, việc đầu tư kinh phí xây dựng, kiên cố hóa các công trình thủy lợi sản xuất lúa nước gặp khó khăn.

Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần mạnh dạn nhận khoán đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc, khoanh nuôi, tái sinh rừng để tăng thu nhập. Về phía Nhà nước, cần lựa chọn những bộ giống cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao; tăng cường mở các lớp tập huấn để chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc rừng cho bà con.

Việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia trồng rừng cũng rất cần thiết. Hiện tại đã có 12 doanh nghiệp được cấp giấy phép tham gia trồng rừng. Tuy nhiên, trong số đó có những doanh nghiệp tham gia theo kiểu “giữ chỗ”, đã được cấp giấy phép nhiều năm nhưng chưa trồng được héc ta rừng nào.

Cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát đối với những doanh nghiệp kiểu này để kịp thời rút giấy phép và cấp cho đơn vị khác có tiềm lực, thế mạnh và kinh nghiệm hơn. Một mặt, phải cân đối, tính toán lại mức hỗ trợ kinh phí cho các dự án trồng rừng như: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Tham gia trồng 1ha rừng thay thế thành rừng tốn 40 - 60 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Đây là trở ngại lớn nhất khiến người dân và doanh nghiệp chưa mặn mà với chính sách trồng rừng của tỉnh.


Mường Ảng Mất Trắng Gần 6ha Lúa Do Thiên Tai Mường Ảng Mất Trắng Gần 6ha Lúa Do… Na Sang Đa Dạng Hóa Cây Trồng Na Sang Đa Dạng Hóa Cây Trồng