Mô hình kinh tế Tan Tác Bờ Xôi Ruộng Mật

Tan Tác Bờ Xôi Ruộng Mật

Ngày đăng 26/11/2014

Tan Tác Bờ Xôi Ruộng Mật

Nhiều nông dân ngoại thành TP.HCM đứng trước áp lực cực lớn do diện tích đất canh tác đang bị “đầu độc” bởi các khu - cụm công nghiệp xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Vài năm trước, đi qua khu vực cầu An Hạ (huyện Củ Chi) còn thấy lúa mọc mênh mông. Bây giờ khoảng 130ha đất trồng lúa trước đây đã trở thành đồng không mông quạnh.

Lúa “bỏ chạy” trước ô nhiễm

Nhiều năm nay, nước ô nhiễm từ kênh An Hạ tràn vào đã biến khu ruộng này thành một bãi lầy bốc mùi tanh tưởi, sủi bọt đỏ quạch… Vài năm trước, có thể thấy cánh đồng này sớm muộn nông dân cũng bỏ đất hoang nên thành phố đã cho quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi thấy đất cứ bỏ hoang do “dự án treo”, mới đây vài nông dân tiếc đất lại xách cuốc ra đồng khai mương, cày đất tiếp tục trồng lúa. Theo anh Hoàng Minh Lành, một nông dân ở đây, giờ đất này hoàn toàn không thể trồng lúa được vì nguồn nước và đất đã bị ô nhễm nặng.

Trong khi đó, tại cụm xí nghiệp sản xuất cao su ở ấp 7, 8 (xã Bình Mỹ, Củ Chi) nhiều ha đất trồng lúa trước đây giờ cũng đã bỏ hoang hoặc cho thuê để trồng rau muống. Anh Vũ Văn Mạnh – một nông dân trồng rau muống, cho biết: “Đất này sao trồng lúa được. Mấy cái xí nghiệp sản xuất cao su ở đây xả thải ra đồng ruộng gây ô nhiễm nguồn nước dữ lắm, chỉ có cây rau muống sống được thôi”.

5ha đất trồng lúa cạnh Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) nhiều năm nay cũng rơi vào cảnh bỏ hoang. Khu đất này giờ là “đất chết” vì bị nguồn nước thải từ khu công nghiệp này gây ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Nhung – một chủ đất ở khu này cho hay, trồng cây gì, nuôi con gì ở đây cũng chết nên tốt nhất là… bỏ hoang!

Chưa hết, nhiều ha đất trồng lúa ở huyện này cũng đang bị áp lực rất lớn từ nguồn nước thải của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và các khu công nghiệp thượng nguồn theo kênh Thầy Cai – An Hạ đổ về. Nhiều ha đất trồng lúa năng suất cao bây giờ chỉ còn thu được khoảng 3 tấn/ha, trong khi năng suất trồng lúa ở đây là 5 tấn/ha.

Theo thống kê, chỉ riêng 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn đã có hơn 2.000ha đất nông nghiệp bỏ hoang, trong đó có lý do bị ô nhiễm môi trường.

Xây dựng lại hệ thống tưới tiêu có hiệu quả?

Hiện 8 tuyến kênh chính phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp cho huyện Bình Chánh và Hóc Môn đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước kênh Thầy Cai - An Hạ, kênh B, C của Sở NNPTNT TP.HCM, các thông số COD, BOD5, Coliform đều vượt tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho thủy lợi và tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ vài lần đến hàng chục lần.

Nếu như nguồn nước kênh Thầy Cai – An Hạ (con kênh đầu nguồn của hệ thống nước phục vụ tưới tiêu toàn công trình thủy lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh) bị ô nhiễm là do các khu công nghiệp Tân Phú Trung, Hiệp Phước, thì nguồn nước kênh B, C lại bị Khu công nghiệp Lê Minh Xuân đầu độc. Việc ô nhiễm kênh B và C đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước tưới toàn bộ khu nam Tỉnh lộ 10 thuộc hệ thống thủy lợi Hóc Môn – bắc Bình Chánh.

Được biết, hiện Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NNPTNT TP.HCM) đang xây dựng hệ thống tưới tiêu mới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp thành phố. Chẳng biết, nếu không thẳng tay xử lý triệt để các khu công nghiệp đang gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu thì hệ thống tưới tiêu mới có ngăn được được đất nông nghiệp thành phố đang chết dần hay không?

Đến 2020, TP.HCM chỉ còn 3.000ha đất trồng lúa

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa trên địa bàn. Kế hoạch này được triển khai tổ chức thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 với chỉ tiêu phân bổ diện tích đất trồng lúa là 3.000ha, trong đó, địa bàn huyện Bình Chánh có 350ha và huyện Củ Chi có 2.650ha.

Nguồn bài viết: http://danviet.vn/nha-nong/tan-tac-bo-xoi-ruong-mat-507254.html


Trồng Nấm Linh Chi Không Khó, Thu Cả Trăm Triệu Đồng Trồng Nấm Linh Chi Không Khó, Thu Cả… Thịt Ngoại Tràn Ngập, Người Nuôi Khốn Đốn Thịt Ngoại Tràn Ngập, Người Nuôi Khốn Đốn