Tăng cơ hội xuất ngoại cá rô phi
Được nhận định là một đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, thế nhưng, cá rô phi vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Để loài nuôi này trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, đẩy mạnh được xuất khẩu, cần rất nhiều giải pháp.
Tự chủ nguồn giống
Hiện, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong nước chủ yếu nhập cá rô phi bột, cá rô phi 21 ngày về ương lên cá giống mà không có đàn cá bố mẹ đáp ứng thị hiếu người nuôi. Để chủ động về con giống cần nhập nội đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt làm vật liệu chọn giống, phát triển đàn cá giống hậu bị, cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống trong cả nước nhằm đáp ứng được nhu cầu nguồn giống cá rô phi chất lượng cao, sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Cả nước hiện có khoảng 250 cơ sở sản xuất giống cá rô phi, nhưng ở nhiều cơ sở vẫn sản xuất giống cá rô phi cũ chậm lớn, kích thước cá thương phẩm nhỏ (cá rô phi vằn dòng GIFT). Trong khi, cá rô phi giống của Trung Quốc và Đài Loan tăng trưởng nhanh, có kích thước vượt trội hơn so Việt Nam; vì vậy mặc dù con giống nhập ngoại đắt hơn nhiều nhưng vẫn được người nuôi ưa chuộng. Tuy nhiên, giống nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro như khó kiểm soát được chất lượng và dịch bệnh.
Do đó cần đầu tư mới, nâng cấp và mở rộng quy mô, năng lực các cơ sở sản xuất giống cũ góp phần chủ động nguồn cá rô phi giống chất lượng tốt, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cá rô phi giống tại miền Bắc vào đầu vụ nuôi. Bên cạnh đó, đầu tư nghiên cứu giống cá rô phi mới chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu tốt với các bệnh phổ biến và tỷ lệ thịt fillet cao phục vụ xuất khẩu. Kết hợp giữa di truyền số lượng và di truyền phân tử để phát triển nhanh giống cá rô phi chất lượng cao phù hợp với điều kiện nuôi của Việt Nam. Hình thành các vùng sản xuất giống tập trung gần các vùng nuôi thương phẩm để chủ động sản xuất cung cấp giảm chi phí và hao hụt trong quá trình vận chuyển.
Tăng cường công nghệ
Đổi mới công nghệ trong sản xuất giống, thức ăn và phòng trị bệnh cho cá rô phi nhằm nâng cao tỷ lệ sống, mật độ nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, cải thiện năng suất, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm giá thành sản xuất. Đối với nuôi nước ngọt có thể đẩy mạnh áp dụng công nghệ nuôi hiện đại, thân thiện với môi trường như ứng dụng công nghệ Biofloc, “sông trong ao”… Trong ao, đầm nước lợ, áp dụng công nghệ nuôi ghép với tôm nước lợ và công nghệ nuôi luân canh, nuôi đơn. Áp dụng mô hình nuôi trong lồng HDPE theo công nghệ Na Uy trên sông và hồ chứa. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, phát triển nuôi cá rô phi thâm canh trong ao đầm, nuôi lồng bè trên sông và hồ chứa để tạo sản lượng lớn, kích cỡ đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Áp dụng các quy trình công nghệ nuôi ít thay nước, sử dụng vi sinh vật có lợi để cải tạo môi trường, xử lý chất thải rắn hiệu quả trong và sau mỗi vụ nuôi; nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý dịch bệnh và đảm bảo an toàn sinh học. Khuyến khích các cơ sở sản xuất cá rô phi áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường. Khuyến khích người nuôi áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật về ao nuôi, ao lắng, ao xử lý nước thải; quy cách lồng bè, khoảng cách giữa các lồng, vị trí đặt lồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất và kiểm soát tốt chất lượng các vật tư đầu vào và con giống để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích người nuôi áp dụng quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt VietGAP hoặc tương đương vào các vùng nuôi tập trung để có đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chủ động quản lý môi trường vùng nuôi, nâng cao sức đề kháng nhằm phòng ngừa các bệnh thường xảy ra; góp phần hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh ATTP và đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, khi xuất khẩu sản phẩm cá rô phi cần đáp ứng được các yêu cầu pháp lý như quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm vi sinh và các chất ô nhiễm, đáp ứng quy định về vệ sinh ATTP theo yêu cầu như GMP, BRC, GlobalGAP… Khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng, trị bệnh hiệu quả để phổ biến cho các cơ sở nuôi.
Xây dựng thương hiệu riêng
Cũng như các sản phẩm thủy sản khác, thị hiếu người tiêu dùng cá rô phi ở mỗi thị trường là khác nhau. Ở thị trường trong nước, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm là cá rô phi tươi sống hay cá tươi nguyên con được bảo quản lạnh có kích cỡ lớn; còn với thị trường xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm cá fillet hay cá rô phi nguyên con đông lạnh. Do đó, cần tăng cường tìm hiểu “khẩu vị” tại mỗi thị trường, đặc điểm tiêu dùng của các nước nhập khẩu nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất các sản phẩm cá rô phi phù hợp và đảm bảo những yêu cầu pháp lý khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa cá rô phi Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại như triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo… đến khách hàng ở trong nước và các thị trường tiêu thụ tiềm năng trên thế giới. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và ATTP theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Hiện nay, cá rô phi Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chính là châu Mỹ và châu Âu. Vừa qua, cá rô phi đông lạnh được Mỹ loại bỏ thuế quan, đây là cơ hội để cá rô phi Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ