Tin nông nghiệp Tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Tác giả Liên Hương, ngày đăng 15/06/2020

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Hiện nay, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao rất thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và phát triển. Đồng thời, đầu năm 2020 đã phát hiện 01 ổ dịch cúm A (H5N1) gia cầm tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc số 167/TTg-NN về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người.

Chuồng nuôi gia cầm đảm bảo cách ly

Để công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm có hiệu quả, cần thực hiện tổng hợp các biện pháp sau:

I. Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi: thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản như:

1. Cách ly và kiểm soát vào, ra khu vực chăn nuôi

Việc thực hiện tốt việc cách ly và kiểm soát ra, vào khu vực chăn nuôi sẽ góp phần ngăn chặn được các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại.

- Chuồng nuôi gia cầm cần cách xa các chuồng nuôi động vật khác, khu dân cư, đường giao thông lớn và khu công cộng như chợ, trường học, bệnh viện..., có tường bao quanh, có hố khử trùng...

- Thực hiện cách ly và kiểm soát gia cầm giống mới nhập về (mua gia cầm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh, cách ly ít nhất 14 ngày).

- Kiểm soát con người: Hạn chế khách tham quan; Người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh dùng riêng trong khu chăn nuôi; Đi từ khu sạch sang khu bẩn, hạn chế đi lại giữa các khu.

Người vào khu chăn nuôi phải thay bảo hộ và dẫm vào hố khử trùng

- Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.

- Kiểm soát thức ăn, nước uống

-  Kiểm soát động vật khác, côn trùng: Có biện pháp ngăn các động vật khác  như chó, mèo, chuột, chim, côn trùng... vào chuồng nuôi.

Cổng khử trùng tự động khi vào khu chăn nuôi

2. Vệ sinh làm sạch

Vệ sinh làm sạch nhằm loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ (thức ăn thừa, phân chất thải…) bám bẩn khỏi bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường, trần nhà,... Khi tất cả các chất bẩn bị loại bỏ, sẽ không còn các chất hữu cơ để nuôi dưỡng và chứa mầm bệnh. Việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ trên 80% mầm bệnh tại trại chăn nuôi.

2.1. Đối tượng cần thực hiện vệ sinh làm sạch

Việc vệ sinh làm sạch phải được thực hiện thường xuyên. Vệ sinh trước và sau khi ra, vào trại với các đối tượng sau:

+ Phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ.

+ Quần áo, giày dép, tay chân của người chăn nuôi và khách.

+ Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi.

+ Dụng cụ sử dụng tại trại như: máng ăn, máng uống, khay đựng trứng…

+ Ổ đẻ (đối với gia cầm sinh sản).

+ Thay và bổ sung đệm lót chuồng khi bị ướt. Phân rác thu gom vào đúng nơi quy định (xa chuồng nuôi) và xử lý (ủ, đốt...)

+ Định kỳ tổng vệ sinh cả trong và ngoài chuồng nuôi.

2.2. Cách vệ sinh làm sạch

a. Vệ sinh khô: Hàng ngày cần quét dọn, thu gom rác và chất thải (phân rác, chất độn chuồng ẩm ướt, lông, trứng vỡ, xác gia cầm…)  cho vào nơi quy định để xử lý đúng yêu cầu kỹ thuật.

b. Vệ sinh ướt: Cọ rửa sạch dụng cụ, chuồng trại bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Thực hiện sau khi đã vệ sinh khô và thực hiện theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài!

2.3. Khử trùng

Khủ trừng là một trong 3 nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, tuy nhiên hiệu quả của việc khử trùng tùy thuộc vào chất lượng của việc vệ sinh làm sạch trước đó. Mục đích khử trùng nhằm loại bỏ những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh làm sạch chuồng trại, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi.

2.3.1. Đối tượng, thời điểm và thời gian khử trùng

- Khử trùng phương tiện vận chuyển, quần áo, dụng cụ (bơm, kim tiêm, máy cắt mỏ, khay trứng…) trước khi vào sử dụng và sau khi sử dụng.

- Định kỳ khử trùng các thiết bị và dụng cụ chăn nuôi khác.

2.3.2. Nguyên tắc và các bước phun khử trùng

a. Nguyên tắc thực hiện khi phun khử trùng

- Phun khử trùng sau khi đã làm vệ sinh sạch sẽ

- Sử dụng đúng nồng độ, liều lượng, đảm bảo thời gian tiếp xúc ít nhất 10 phút với bề mặt sạch.

- Chỉ sử dụng các chất khử trùng được khuyến cáo, pha dung dịch khử trùng đúng nồng độ (theo chỉ dẫn của nhà sản xuất).

- Đảm bảo an toàn cho người làm, phôi giống và gia cầm con.

- Phun xuôi chiều gió.

- Phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

- Phun theo hình chữ Z, lượt sau phun đè lên một phần của lượt trước để thuốc thấm đều lên toàn bộ bề mặt cần khử trùng

b. Những chuẩn bị cần thiết khi khử trùng

Sau khi vệ sinh làm sạch, người chăn nuôi cần chuẩn bị tốt các điều kiện về thiết bị, hoá chất, các dụng cụ bảo hộ để đảm bảo thực hiện khử trùng đúng kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi như quần áo bảo hộ (quần dài, áo sơ mi dài tay), ủng, mặt nạ phòng độc/khẩu trang phòng hoá chất, kính bảo hộ, mũ và găng tay.

Đọc kỹ thông tin ghi trên nhãn mác để chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ pha thuốc cho phù hợp (tên hóa chất, thành phần, tỷ lệ pha, liều pha, mức độ độc hại, các yêu cầu về dụng cụ,…)

2.3.3. Xông khử trùng

Xông khử trùng đối với những vật tư chăn nuôi khó phun khử trùng như thức ăn, đệm lót (trấu, mùn cưa, rơm...) hoặc có thể khử trùng quần áo, bảo hộ lao động, dụng cụ, vật tư chăn nuôi...

Cần thiết kế buồng xông kín để hạn chế khí thoát ra ngoài hoặc dùng bạt chùm kín toàn bộ đống thức ăn hoặc dụng cụ cần xông và đặt chậu xông ở dưới để khí xông lan tỏa đều cả khu vực cần khử trùng.

Nồng độ xông: 17,5 gam thuốc tím + 35 ml formol + 35 ml nước/m3 thể tích buồng xông. Dùng chậu sành, đổ thuốc tím vào, sau đó đổ formol và nước, đóng cửa nhanh. Thời gian xông: 30 phút

II. Phòng bệnh bằng vắc-xin và tăng cường sức kháng bệnh cho gia cầm

Chủ động tiêm vắc-xin cúm gia cầm và các vắc-xin phòng bệnh khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng: Chuồng nuôi phù hợp với lứa tuổi, giống gia cầm, đảm bảo về nhiệt độ, mật độ nuôi, thức ăn, nước uống...bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi có yếu tố bất lợi để tăng sức kháng bệnh cho gia cầm.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gà

III. Chống bệnh cúm gia cầm

Thường xuyên quan sát đàn gia cầm để sớm phát hiện, thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn và xử lý, điều trị nếu cần thiết.

Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm, phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương. Không bán chạy, ăn thịt gia cầm ốm, gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết, chất thải bừa bãi.

Gia cầm bị tiêu hủy trong các trường hợp sau đây:

- Đàn gia cầm phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao;

- Đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao;

- Việc tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính vi rút cúm A/H5N1 hoặc vi rút cúm A/H5N6 hoặc chủng vi rút cúm có khả năng truyền lây bệnh và gây tử vong cho người hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận là mắc bệnh cúm gia cầm.

Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột. Tổng vệ sinh toàn bộ khu vực, trống chuồng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.


Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo… Công nghệ giúp cải thiện phúc lợi động vật và hiệu quả nông nghiệp Công nghệ giúp cải thiện phúc lợi động…