Tôm thẻ chân trắng Tăng cường phòng ngừa dịch bệnh tôm nuôi

Tăng cường phòng ngừa dịch bệnh tôm nuôi

Ngày đăng 14/03/2015

Tăng cường phòng ngừa dịch bệnh tôm nuôi

Bệnh đầu vàng, đốm trắng, bệnh Taura có nguy cơ phát triển và lây lan nhanh thành dịch nếu không kịp thời phòng trị. Để giúp người nuôi quản lý tốt ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, Chi cục Thú y khuyến cáo một số giải pháp cho người nuôi tôm.

Củng cố hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao cấp, thoát nước; bờ ao đảm bảo không để rò rỉ; bố trí hệ thống rào, lưới bảo vệ và giăng dây để ngăn chim cò, cua, còng phá hại.

Ao nuôi phải được cải tạo thật kỹ, sên vét bớt bùn đáy ao triệt để và gom vào nơi chứa bùn cách thật xa ao nuôi; tuyệt đối không được bơm bùn ra kinh rạch tự nhiên; phơi đáy ao ít nhất 7 ngày, tiến hành tiêu diệt các vật chủ trung gian trong ao như còng, cua bằng các loại hóa chất được phép lưu hành do Bộ NN&PTNT qui định. Rửa và ngâm đáy ao bằng CaO, liều 30kg/1.000m2.

Lấy nước vào ao rửa 2-3 lần, xả khô rồi rải CaCO3 với liều lượng tùy theo pH đất ao. Sau đó, phơi ao khoảng 5-7 ngày trước khi lấy nước vào. Trước khi cấp nước cần phải theo dõi, tham khảo kết quả quan trắc môi trường; điều tra vùng nuôi chung quanh hoặc tự lấy mẫu nước, mẫu tôm, cua đi xét nghiệm để quyết định lấy nước vào ao.

Nên lấy vào thời điểm triều cường trong tháng, khi chất lượng nước qua kiểm tra đạt yêu cầu. Nếu xét nghiệm đạt, lấy nước vào ao lắng, xử lý bằng Chlorine 30-35kg/1.000m2, bằng cách tạt đều khắp mặt ao rồi chạy quạt trộn đều thuốc trong ao.

Cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi phải qua lưới lọc để giảm mầm bệnh. Chọn tôm giống tốt ở những cơ sở sản xuất có uy tín, địa chỉ rõ ràng. Khi bắt tôm, người nuôi phải xem kết quả của giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y, gồm các bệnh còi xương, đốm trắng, Taura. Chú ý, người nuôi tuyệt đối không bắt tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Mật độ thả nuôi phải phù hợp; trước khi thả giống, người nuôi chú trọng các yếu tố môi trường trong ao phải thích hợp như độ kiềm >80mg/l; pH> 7,5, độ trong, độ mặn…. Nên sử dụng thức ăn công nghiệp bổ sung thêm chất khoáng, vitamin, men tiêu hóa định kỳ trong khẩu phần ăn của tôm, tránh tự chế biến thức ăn tươi sống.

Hệ thống ao phải có rào chắn bảo vệ ngăn các vi sinh vật lạ vào ao, vệ sinh chân tay trước khi cho tôm ăn, thăm ao. Thường xuyên theo dõi ao nuôi của các hộ chung quanh về các hoạt động bơm bùn xả thải ra môi trường tự do khi tôm bị chết. Hạn chế thay nước khi vùng nuôi có tôm bị bệnh, chỉ thay nước khi thật sự cần thiết, nên chọn lúc triều cường để thay nước cho ao nuôi.

Phải theo dõi diễn biến của ao hàng ngày để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp bất thường, nhất là trời nắng nóng hoặc sau khi mưa lớn. Nếu phát hiện tôm nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, phải cách ly ngay bằng các giải pháp: đóng kín cửa cống, kiểm tra lại bờ ao, không được xả thải ra bên ngoài.

Đồng thời, báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Phòng NN&PTNT tại địa phương để được hướng dẫn xử lý, hỗ trợ kinh phí tiêu hủy. Các vùng đang xảy ra dịch bệnh hạn chế tối đa việc thả giống nuôi lại trong thời gian này, nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra do dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Tags: phong ngua dich benh tom nuoi, tom nuoi, tom cang xanh, tom the


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả của quy trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học Hiệu quả của quy trình nuôi tôm sử… Xử lý tôm nuôi khi có những trận mưa trái vụ Xử lý tôm nuôi khi có những trận…