Tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ hè thu
Khi cây trồng vụ hè thu bước vào thời điểm sinh trưởng tốt nhất thì cũng là lúc các loại sâu bệnh bắt đầu tấn công gây hại. Đặc biệt, sự xuất hiện của rầy nâu, rầy lưng trắng đang làm nguy cơ tái dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa tăng cao. Hiện nay, tuy mật độ chưa đáng mức báo động nhưng chủ trương bám sát đồng ruộng, tăng cường các biện pháp phòng trừ được xem là phương pháp tối ưu cho nông dân Hà Tĩnh.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh sẽ giảm thiệt hại về năng suất, chất lượng các loại cây trồng
Theo báo cáo của Chi cục BVTV Hà Tĩnh, hiện nay, trên các trà lúa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như: rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, cào cào, sâu cuốn lá, sâu keo, sâu keo, bệnh ngộ độc hữu cơ. Đặc biệt, từng là nỗi đắng lòng của không ít bà con nông dân, rầy nâu, rầy lưng trắng tuổi 3, tuổi 4 đã xuất hiện trở lại với mật độ trung bình 3-5 con/m2, nơi cao từ 10- 20 con/m2. Tại các vùng trọng điểm như Cẩm Xuyên có những nơi lên đến 150- 200 con/m2, thậm chí là 500 con/m2; Đức Thọ 200- 300 con/m2 và Lộc Hà 5- 20 con/m2.
Rầy nâu, rầy lưng trắng là đối tượng truyền bệnh lùn sọc đen trên lúa, một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, đe doạ nguy cơ mất trắng mùa màng. Chúng chích hút nhựa cây lúa làm cho cây vàng úa, nhẹ thì hạt lúa bị lửng lép, còn nếu mật độ cao cây lúa sẽ chết khô gọi là “cháy rầy”.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm phát triển rộ của nhiều loại sâu bệnh khác trên các loại cây trồng hè thu. Chẳng hạn, bệnh greening, bệnh thối gốc chảy nhựa, bệnh chảy gôm, nhện đỏ trên cây ăn quả; sâu róm hại thông; sâu xanh hại dó trầm; bệnh thối búp trên cây chè. Một số vùng, cào cào đang hoành hành phá hoại cây phi lao một cách nghiêm trọng. Hàng chục ha rừng phi lao ven biển huyện Lộc Hà đã bị chúng ăn trụi lá, nguy hiểm hơn chúng còn tràn ra phá hoại cả lúa và hoa màu hè thu của bà con nông dân. Được biết, trong mấy ngày gần đây huyện Lộc Hà đã tổ chức phát động quần chúng nhân dân tham gia bắt và tiêu huỷ trên 3 tấn cào cào, châu chấu. Tuy nhiên, con số đó còn chưa là gì đối với sự sinh trưởng và phát triển của chúng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất hiện đồng loạt nhiều dịch hại nguy hiểm. Năm nay, sau đợt rét hồi đầu năm, thời tiết có nhiều thuận lợi, dịu mát, mưa nhiều. Độ ẩm ở mức cao đã tạo điều kiện để các loại sâu, rệp sinh sôi và phát triển trở lại. Mặt khác, hậu quả của dịch bệnh lùn sọc đen và sâu cuốn lá nhỏ trong vụ hè thu 2010 để lại là một phần diện tích lớn đang tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trở lại. Những mầm dịch cũ từ vụ sản xuất trước vẫn còn lưu trú trong môi trường, chờ có cơ hội sẽ bùng phát nhanh và có sức huỷ diệt lớn.
Trước tình hình đó, Chi cục BVTV Hà Tĩnh đã sớm triển khai các phương án phòng trừ sâu bệnh, trang bị cho người dân những kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc cây trồng, sử dụng thuốc BVTV… Đồng thời, chỉ đạo các trạm BVTV phân công cán bộ bám sát cơ sở, theo dõi và phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ hại lúa, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa hướng dẫn bà con tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt tàn dư thực vật từ cây lúa, ngô ngay sau khi thu hoạch, sớm làm đất, cày lật gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh. Gieo cấy mạ tập trung, đúng lịch thời vụ và đúng cơ cấu giống mà tỉnh đã đề ra. Nếu phát hiện rầy phải kịp thời xử lý để tiêu diệt cầu nối truyền bệnh, còn mạ có hiện tượng nhiễm bệnh thì phải tiêu huỷ ngay.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh cho biết: “Cây trồng và sâu bệnh là hai đối tượng luôn song hành nhau, có cây trồng là có sâu bệnh. Để phòng tránh hiệu quả các loại sâu bệnh, các địa phương cần nâng cao tính dự tính, dự báo bằng cách phát động phong trào phòng trừ sâu bệnh trong toàn dân, trong đó lấy chính quyền cấp xã và trạm BVTV làm nòng cốt. Đặc biệt, tại các địa bàn từng bị nhiễm lùn sọc đen cần thường xuyên kiểm tra mật độ rầy để phát hiện và phun trừ rầy kịp thời, theo đúng loại thuốc BVTV đã được hướng dẫn”.
Mặc dù tính đến thời điểm này, các loại cây trồng vẫn an toàn với sâu bệnh, nhưng không là quá sớm để các địa phương nâng cao ý thức cảnh giác, giành thế chủ động với những loại kẻ thù của cây trồng. Ngay từ bây giờ, các địa phương và cơ quan chuyên ngành cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nông dân nắm bắt được những thông tin, nhận biết về các loại sâu bệnh, sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời trước khi bệnh lây lan thành dịch, nhằm bảo vệ an toàn mùa màng cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ