Tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ hè thu
Điều quan trọng là các cấp, ngành chuyên môn và nông dân cần tăng cường theo dõi, phòng trừ kịp thời để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây thiệt hại về năng suất của cây lúa và các cây hoa màu khác. Do vậy, để triển khai các biện pháp ngăn ngừa, phòng trừ rầy nâu và phòng tránh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mang hiệu quả, yếu tố quan trọng hàng đầu là nông dân phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh để có kế hoạch phòng trừ.
Ngoài ra, các cấp, ngành hữu quan và cộng đồng dân cư phải chủ động phối hợp thực hiện, tập trung ứng dụng biện pháp kỹ thuật và cương quyết thì mới mong đem lại kết quả cao. Tại các địa phương của huyện Đắk Mil như Đắk N’Drót, Đắk R’la, Đắk Gằn…, những năm trước vào thời điểm này thường xuất hiện dịch châu chấu phá hoại, có nơi cây trồng bị phá hoại lên tới gần 70% diện tích. Vì thế, bước vào đầu vụ hè thu này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đắk Mil đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn và UBND xã Đắk N’Drót triển khai lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật phòng trừ châu chấu gây hại trên cây trồng. Qua lớp tập huấn, nông dân đã nắm bắt được các kiến thức về sinh học, sự phát sinh gây hại và kỹ thuật phòng trừ châu chấu, từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất và quản lý đồng ruộng, hạn chế dịch châu chấu bùng phát gây hại cho mùa màng.
Tại các huyện Đắk R’lấp, Chư Jút, Đắk Song, Krông Nô..., những năm trước đây, nhiều diện tích lúa nước của người dân từng bị rầy nâu phá hoại nhưng được bà con cảnh giác và phòng trừ kịp thời nên ruộng lúa đã an toàn, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.
Ông Nguyên Văn Chính ở xã Nam Đà (Krông Nô) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những mùa vụ trước, vụ hè thu này, ngoài việc làm đất kỹ, dọn sạch những nơi nghi có rầy nâu trú ẩn, chọn giống đảm bảo chất lượng, tôi còn thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện dịch hại. Nếu trường hợp phát hiện thấy rầy nâu thì tôi sẽ báo cho Trạm Bảo vệ thực vật huyện để được hướng dẫn phun thuốc diệt trừ kịp thời”.
Với cách làm đó, những mùa vụ gần đây, hầu hết người dân ở các địa phương trong tỉnh đã chủ động được việc phòng ngừa, diệt trừ triệt để và ngăn chặn kịp thời tình trạng rầy nâu lây lan ra ngoài vùng phát dịch. Vì vậy, trong vụ hè thu này, bên cạnh việc diệt trừ, người dân còn tăng cường thăm đồng để phát hiện dấu hiệu của rầy nâu trên đồng ruộng. Nhờ đó, việc kiềm chế các bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn, quản lý rầy nâu trên đồng ruộng được bà con cảnh giác ở mức cao nhất.
Ngoài ra, việc quản lý rầy nâu còn được các cấp, ngành chuyên môn triển khai ở quy mô tổng thể hơn, trong đó, biện pháp lắp đặt các bẫy đèn theo dõi diễn biến, thời điểm phát sinh rầy nâu để có biện pháp phòng, trừ kịp thời cũng đã phát huy hiệu quả.
Có thể nói, việc phòng trừ các loại bệnh hại vụ hè thu hiện đã và đang được các cấp, ngành chuyên môn và nông dân tích cực triển khai. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện công tác phòng sâu hại được áp dụng triệt để thông qua các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), biện pháp “3 giảm, 3 tăng” (ICM), né tránh rầy đầu vụ... đã tạo ra một giải pháp sản xuất hợp lý, giúp bà con nông dân chủ động trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên cây trồng.
Một việc làm ý nghĩa hơn, đó là sự đồng lòng trong cộng đồng dân cư, người dân liên kết với nhau tuân thủ quy trình làm đất, gieo sạ và phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp đề ra cũng đã giúp cho mùa vụ tránh được nhiều mối đe dọa do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ