Tăng gấp đôi năng suất khóm Cầu Đúc với mô hình VietGAP
Mô hình trồng khóm VietGAP tại Cầu Đúc, Hậu Giang mang lại năng suất 20-30 tấn quả trên một ha mỗi năm thay vì 10-15 tấn như trước, trong đó, sản lượng quả loại 1 đạt tới 90%.
Trong ảnh: Khóm Cầu Đúc cho quả to, ngọt và giòn. Ảnh: Chonongsan.
Xuất hiện tại Hậu Giang từ những năm 30 của thế kỷ trước, khóm (dứa, thơm) Cầu Đúc dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của vùng đất này. Trái khóm nặng trung bình khoảng 1,5-2kg, cuống ngắn, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, ít xơ, thịt màu vàng sậm, ăn giòn, ngọt và mùi thơm dậy.
Khóm Cầu Đúc vốn được trồng trên đất của một số xã thuộc huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Cái tên Cầu Đúc xuất hiện từ khi vùng quê này có cây cầu đúc bằng xi măng đầu tiên. Khi bà con mang khóm ra cây Cầu Đúc bán, nhiều thương lái từ khắp nơi đã tập kết về đây để mua. Từ đó, khóm trồng ở địa phương dần gắn với tên Cầu Đúc.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Tuy là vùng đất bị xâm nhập mặn, bất lợi với nhiều loại cây nông nghiệp nhưng chất đất ở Hậu Giang lại thuận lợi để giống khóm Queen phát triển.
Khóm rất dễ trồng, tuy nhiên, do người dân quen dùng biện pháp lấy chồi nách của khóm vụ trước để trồng lại cho vụ sau nên dẫn đến hiện tượng suy thoái giống và xuất hiện mầm bệnh. Phương pháp này cũng khiến cây phát triển kém, năng suất giảm dần, trung bình chỉ đạt 10-15 tấn trên một ha mỗi năm.
Để cải thiện tình trạng này, tỉnh Hậu Giang đã tìm hướng canh tác mới để nâng cao giá trị cho cây khóm Cầu Đúc. Theo đó, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ triển khai đề án phục tráng giống khóm Queen, giúp người dân chuyển đổi, thay thế giống khóm cũ.
Theo đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh cũng hướng dẫn bà con xây dựng mô hình sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 9 ha. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng ra các địa bàn trồng khóm trên toàn tỉnh. Chính quyền Hậu Giang cũng đầu tư đăng ký thương hiệu tập thể cho khóm địa phương.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất khóm của bà con đã tăng lên đáng kể, đạt 20-30 tấn trên một ha mỗi năm, tỷ lệ khóm loại 1 chiếm tới 90%. Trước đây khi chưa áp dụng phương pháp canh tác này, năng suất thu hoạch chỉ đạt 60% khóm loại 1. Với kết quả đạt được, mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP cần được nhân rộng hơn nữa để cung cấp nguồn nông sản sạch cho thị trường, đồng thời, giúp bà con ở Cầu Đúc, Hậu Giang phát triển kinh tế ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ