Gừng Tăng năng suất gừng bằng kỹ thuật trồng trong giỏ tre

Tăng năng suất gừng bằng kỹ thuật trồng trong giỏ tre

Tác giả Thái Hà, ngày đăng 14/11/2017

Tăng năng suất gừng bằng kỹ thuật trồng trong giỏ tre

Trồng gừng trong giỏ tre ngăn chặn được sâu bệnh do cách ly mầm bệnh, giúp nhà nông tiết kiệm chi phí mà lại có năng suất cao. Mô hình này hiện nay được bà con nông dân ở nhiều nơi áp dụng rộng rãi.

Trồng gừng trong giỏ tre đem lại năng suất cao do cách ly được mầm bệnh. Ảnh minh họa

Nông dân cần chuẩn bị vật dụng như sau: giỏ tre có đường kính từ: 50-60cm, chiều sâu từ 30-40cm; gừng giống: chọn gừng già, không mang mầm bệnh. Trong sản xuất có hai giống khác nhau: Gừng trâu, củ to, ít xơ, ít cay, thích hợp cho xuất khẩu. Gừng dé được gây trồng phổ biến, cho củ nhỏ hơn, vị cay và nhiều xơ hơn, hiện nay đang được bán nhiều ở thị trường trong nước.

Chuẩn bị phân trùn: Được làm từ phân bò tươi (1tấn phân bò tươi sẽ cho 300-400kg phân trùn khô); hỗn hợp: Đất + phân chuồng hoai + tro trấu hoai;  lưới cước dùng lót trong giỏ tre; vôi, thuốc bảo vệ thực vật, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin KH & CN Thành Phố Hải Phòng. 

Cách tiến hành: Gừng giống cần được xử lý thuốc trừ nấm bệnh, sau khi bẻ hom, để gừng khô mặt rồi mới đem giâm cho ra mầm. Thời gian từ 15-20 ngày (thường 1kg gừng giống bẻ được từ 15-20 miếng). Sau khi lót cước, cho hỗn hợp đất phân (đất + phân + tro được xử lý vôi) vào giỏ tre, nén vừa , sau đó cho phân trùn 2-3kg/giỏ.

Tiến hành trồng: Một giỏ trồng 2 miếng, sau đó tưới nước vừa đủ ẩm. Có thể xử lý thuốc trừ nấm bệnh hoặc trừ sâu sau khi trồng 3-5 ngày. Khi trồng, cần loại bỏ những hom gừng bị hư thối hoặc nhiễm nấm bệnh (tránh trường hợp nấm bệnh lây lan về sau).- Mật độ: 100m2 trồng được 150 giỏ.

Bên cạnh đó, cần chú ý, gừng giống phải để nơi thoáng mát khoảng 1 tuần rồi tiến hành bẻ hom bằng tay, vì khi dùng dao thì mầm bệnh sẽ từ củ này lây sang củ kia. Hom giống phải to, nguyên vẹn (từ 40 – 60g) mới đủ sức nuôi cây con khoẻ mạnh, trên mỗi nhánh phải có ít nhất một mắt mầm.

Đất trồng gừng phải xốp, đủ ẩm và thoát nước tốt. Đất được cày sâu 25 – 30cm, phơi ải, xới cho nhuyễn rồi lên luống. Khoảng cách trồng có thể là 30 x 40cm hoặc 50 x 20cm. Gừng là loại cây ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu rợp. Tuy nhiên nếu che ánh sáng nhiều quá (70 – 80%) thì năng suất giảm rõ rệt.

Do nhánh gừng nảy chồi ngang nên đặt củ xuôi theo hàng trồng để chồi phát triển về bên hàng. Trong quá trình phát triển, không để gừng thiếu nước sẽ chậm lớn. Gừng là cây rất háo nước nhưng lại không chịu úng, do khi bị úng dễ bị bệnh thối củ. Vì thế trong mùa mưa, bạn nên chú ý liếp ( luống) trồng gừng phải thoát nước tốt.

Gừng có nhu cầu N, P, K tương đối cao, trong đó nhu cầu về N là nhiều nhất để gừng đạt năng suất cao nhất. Lượng phân sử dụng cho 1.000m2 là: Urê 15 – 20kg, super lân 20 – 25kg, KCL 20kg và 500kg phân hữu cơ. Có thể thu hoạch gừng từ 6 tháng trồng trở đi ( Gừng Non) nhưng nếu làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Không nên để già quá, gừng cay nhiều, có xơ; cũng không thu non quá, củ bị nhăn nhúm, giảm chất lượng.


Kỹ thuật trồng cây gừng mini cực dễ cho bàn làm việc thêm ấn tượng Kỹ thuật trồng cây gừng mini cực dễ… Phòng trừ bệnh thối củ gừng Phòng trừ bệnh thối củ gừng