Tin thủy sản Tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Tác giả Đ.T.Chánh - Trần Hiếu, ngày đăng 06/07/2017

Tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực đúng thời điểm nửa cuối năm đã tác động tích cực đến vùng sản xuất.

Tôm nuôi quảng canh có một năm thắng lợi nhờ thời tiết không quá khắc nghiệt

Nổi bật nhất hiện nay là các mặt hàng tôm, cá, trái cây, lúa gạo, cây công nghiệp...  

Tôm nuôi thuận buồm xuôi gió

Vụ tôm nuôi nước lợ 2017 ở ĐBSCL thời tiết tương đối thuận lợi, giá tôm thương phẩm duy trì ở mức cao trong thời gian dài nên nhà nông mạnh dạn đầu tư thả nuôi, sản lượng thu hoạch tăng. Nhiều nơi người nuôi đang tiếp tục cải tạo lại vuông, thả nuôi lứa thứ 2, 3, phục vụ tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu những tháng cuối năm.  

Quảng canh thắng lợi

Nuôi quảng canh tôm – lúa và tôm quảng canh cải tiến phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, môi trường. Năm nay thời tiết mưa đều, nắng nóng không quá gay gắt nên đa phần người dân nuôi tôm quảng canh có thu hoạch, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh.

Tại Kiên Giang, diện tích thả nuôi tôm theo hình thức quảng canh chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao, Hòn Đất... Tôm nuôi thâm canh công nghiệp ở khu vực Kiên Lương – Hà Tiên. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, những tháng đầu năm nay thời tiết thuận lợi, tôm nuôi phát triển tốt, dịch bệnh ít xảy ra.

Ông Tứ Bé (Huỳnh Văn Bé), ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh, U Minh Thượng, Kiên Giang, có 22 công nuôi tôm quảng canh cải tiến, được phân làm 2 ao nuôi, với hình thức xen canh tôm sú – càng xanh và tôm sú - tôm thẻ - càng xanh. “Hiện tôm nuôi đã đạt kích cỡ thu hoạch. Dự kiến vụ tôm này gia đình tôi sẽ bắt khoảng 1 tấn tôm càng, 500 – 700 kg tôm sú và tôm thẻ. Tôm càng xanh thương lái thu mua sống tại ao giá từ 130 – 150 ngàn đồng/kg. Còn tôm sú trung bình cỡ 25 con/kg, giá 230 ngàn đồng/kg. Với giá này, qua vụ tôm cũng lãi được trên 150 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí”, ông Tư Bé phấn khởi chia sẻ.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện vùng U Minh Thượng và Gò Quao đạt 104.934 ha, đạt 104,5% kế hoạch, sản lượng thu hoạch lên tới 24.500 tấn. Trong đó, diện tích tôm – lúa chiếm tới 87.128 ha, quảng canh cải tiến 16.780 ha... “Năm nay mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều, cùng với việc đóng hệ thống cống giữ ngọt nên độ mặn trên hệ thống kênh cấp vùng nuôi tôm thấp. Sở đã có chỉ đạo gia hạn khung lịch thời vụ thả giống tôm nuôi nhằm đáp ứng tình hình thực tế nên kết quả thả nuôi của các địa phương khá khả quan. Các chỉ tiêu về diện tích, sản lượng ước tính trong 6 tháng đầu năm và cả năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra”, ông Thao nói biết.

Với vụ tôm thắng lợi, hiện nhiều nông dân nuôi tôm quảng canh ở vùng U Minh Thượng đang tiếp tục ương vèo tôm giống với độ mặn thấp để thả nuôi trong các tháng cuối năm. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến tôm kỳ vọng nguồn cung tôm nguyên liệu không quá khan hiếm để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu thường tăng mạnh dịp cuối năm.  

Công nghệ cao đột phá

Tại Cà Mau, hiện nay mô hình nuôi tôm công nghiệp hầm đất đang gặp nhiều khó khăn do những tác động của thời tiết, vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vừa qua, mô hình nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn đã mở ra hướng đi mới cho địa phương này.

Thu hoạch tôm ở Cà Mau (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Gia đình ông Ngô Minh Hiểu (xã Phú Tân, huyện Phú Tân) có gần 1 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Sau hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông đã nếm trải không ít thất bại. Năm 2016, được sự hỗ trợ từ ngành chức năng địa phương, gia đình ông Hiểu thực hiện mô hình nuôi tôm hai giai đoạn. “Làm theo quy trình này, tuy phải đầu tư cao gấp hai lần thông thường. Nhưng về vấn đề kỹ thuật nuôi sẽ đảm bảo thành công cao hơn. Khác biệt lớn nhất so với trước chính là bà con phải đầu tư cả một hệ thống ao lắng, ao vèo tốn nhiều diện tích đất”, ông Hiểu chia sẻ.

Gia đình ông Hiểu phải tận dụng diện tích 1,5 ha vuông nuôi quảng canh để làm ao lắng thô. Lão nông còn phải bỏ ra thêm 2.300 m2 nuôi tôm công nghiệp trước đây để làm ao lắng cấp nước và 3.000 m2 làm ao chứa nước thải. Diện tích ao nuôi thực tế của gia đình chỉ còn 2 ao với diện tích vỏn vẹn mỗi ao khoảng 1.500 m2 và ao vèo 400m2. Những ao lắng này sẽ đảm bảo tôm nuôi giai đoạn đầu được quản lý tốt hơn, không gây thiệt hại. Bên cạnh đó còn giúp quản lý chất lượng nước, môi trường nuôi dễ dàng. Đảm bảo điều kiện nuôi tối ưu để đi đến thành công.

Vừa qua, sau thời gian nuôi khoảng 3,5 tháng, gia đình ông thu hoạch tôm đạt cỡ 35 con/kg, sản lượng 9 tấn. Lợi nhuận ước đạt trên 630 triệu đồng/vụ. Hiện nay không chỉ ông Hiểu mà rất nhiều người dân địa phương đang thực hiện nuôi theo hình thức này.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, ước sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm đạt 71.300 tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 9.500 ha, giảm 82,58 ha so với cuối năm 2016. Ngược lại, từ diện tích nuôi thử nghiệm ban đầu hơn 2 ha với 2 hộ thực hiện năm 2016, hiện hình thức nuôi công nghệ cao hai giai đoạn đã được nhân rộng ra 343 ha, với 354 hộ nuôi tham gia.

Ông Ngô Thành Lĩnh, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết: Với năng suất ước đạt khoảng 20 – 30 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công cao, tôm sạch, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang hứa hẹn giúp ổn định sản lượng mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất cần. Cà Mau chỉ cần có khoảng 5.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trên địa bàn không cần phải lo về nguồn cung.

Nói về tình hình xuất khẩu thời gian vừa qua, ông Lĩnh cho biết: Ước 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt khoảng 400 triệu USD, ngang bằng cùng kỳ. Tuy nhiên, từ những tín hiệu tăng trưởng tích cực tại thị trường Nhật, Trung Quốc, EU thời gian vừa qua, bắt đầu quý 3 là chính vụ xuất khẩu tôm, giai đoạn cuối năm kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh.

+ Ông Mã Huy, PGĐ TT Khuyến nông Cà Mau: Mô hình nuôi công nghệ cao sẽ “gánh” ngành tôm Cà Mau:

Những tháng đầu năm 2017, tình hình nuôi tôm trên địa bàn Cà Mau cơ bản ổn định, nhờ thời tiết không quá khắc nghiệt như năm trước. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm công nghiệp ao đất đang gặp khó, tỷ lệ thất bại ngày càng nhiều. Ngược lại, mô hình nuôi công nghệ cao hai giai đoạn đang ngày càng khẳng định được tính hiệu quả. Tuy phải đầu tư lên tới khoảng 500 triệu đồng/ha nhưng mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp giảm thiểu được tối đa hội chứng tôm chết sớm. Bên cạnh đó còn giúp người nuôi tôm quản lý chặt được môi trường nước, là điều kiện sống còn của con tôm. Đặc biệt, lại cho năng suất cao gấp 3, 4 lần nuôi tôm công nghiệp ao đất nên mô hình nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn sẽ “gánh” ngành tôm Cà Mau thời gian tới.

+ Ông Nguyễn Văn Thoái, nông dân nuôi tôm huyện Phú Tân - Cà Mau: Giá tuy giảm vẫn có lãi:

Năm nay tình hình nuôi tôm nước lợ thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thành công vụ đầu, lời khoảng 800 triệu đồng. Vụ tiếp theo này cũng đã qua được hơn 2 tháng, không lo vấn đề thiệt hại nữa. Vấn đề lo ngại hiện nay là giá tôm không ổn định. Đầu năm tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 120.000 đồng/kg, người nuôi chưa kịp vui thì bây giờ giảm chỉ còn 90.000 đồng/kg mà còn nhảy múa theo ngày. Tuy nhiên, với mức giá này nông dân vẫn đang có lãi khá, tạo động lực để yên tâm đầu tư.


Nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững Nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững Rắn ri cá dễ nuôi, ít bênh tật, đầu ra không khó Rắn ri cá dễ nuôi, ít bênh tật,…