Tạo sức bật cho nuôi biển từ giống
Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một cường quốc về nuôi biển, song hiện nay việc phát triển vẫn mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và tự phát là chính. Để tạo sức bật cho nghề này, cần nỗ lực hơn nữa trong việc tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống.
Nghiên cứu, sản xuất giống cá giò tại Viện Nghiên cứu NTTS II Ảnh: Nam Anh
Bước đầu làm chủ công nghệ
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước tiến đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng. Diện tích cá biển nuôi ao, đầm trên cả nước năm 2016 đạt 6.300 ha và hơn 1,164 triệu m3 lồng, với sản lượng 28.293 tấn; nhuyễn thể là 47.129 ha, sản lượng 294.472 tấn; tôm hùm là 58.990 lồng, sản lượng 1.321 tấn; Diện tích nuôi ghép cua ghẹ hơn 220.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn… Hiện, 5 đối tượng nuôi biển chính là cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, cua ghẹ và rong biển.
Để đáp ứng nhu cầu về giống cá biển, một số đơn vị nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã sản xuất và cung cấp giống cho người nuôi các tỉnh ven biển miền Bắc mỗi năm vài triệu con giống cá song, cá hồng Mỹ, cá chẽm, cá giò... Cùng đó, làm chủ công nghệ sản xuất giống cá song chấm nâu, vược (chẽm)…; Một số loài thủy đặc sản (hải sâm cát, cá thia đồng tiền, cá nhồng đuôi vàng, cá mặt quỷ…). Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung mỗi năm sản xuất 4 - 5 triệu giống cá chẽm cung cấp cho các tỉnh miền Trung và miền Nam. Hiện, Trường ĐH Nha Trang đang giữ vị trí số một về sản xuất giống cá chẽm Lates calcarife, cung cấp cho các vùng nuôi hàng triệu con giống/năm.
Đối với nhuyễn thể, đối tượng đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống. Về cua biển, đây là đối tượng nuôi nước lợ có giá trị kinh tế cao, rất thích hợp cho các vùng ngập triều, đầm phá, rừng ngập mặn, có thể nuôi kết hợp với tôm, cá theo phương thức quảng canh cải tiến. Trước năm 2004, nguồn giống cua biển chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất cua giống nhân tạo mỗi năm được trên 10 triệu con, góp phần chủ động 50% con giống cho nhu cầu nuôi.
Còn nhiều thách thức
Dù đã làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loài nuôi biển, nhưng hầu hết các công nghệ này vẫn chưa được chuyển giao rộng rãi nên số lượng giống gần như không lớn và chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi. Một số loài cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm… vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn giống tự nhiên.
Riêng với cá biển, việc sản xuất giống càng gặp nhiều thách thức, do chưa chủ động được giống bằng sinh sản nhân tạo mà phụ thuộc chủ yếu vào giống tự nhiên. Việc sản xuất giống cá nuôi cho vùng nước mặn, lợ đòi hỏi hệ thống hạ tầng rộng lớn, phải có vùng nuôi cá bố mẹ ngoài biển, thực hiện gia hóa cá từ giai đoạn cá giống nuôi thành cá bố mẹ kéo dài mấy năm nên mức đầu tư cao. Trong khi, người nuôi thường nuôi nhiều loài khác nhau để dễ bán; mà sản xuất nhân tạo thường lại chỉ cung cấp được một vài loài giống nên rất khó tiêu thụ. Vì thế số lượng cơ sở sản xuất giống cá biển không nhiều, chủ yếu là các viện, trường được đầu tư hạ tầng bằng ngân sách Nhà nước hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài thường là người Đài Loan đầu tư ở miền Trung.
Ngoài ra, Nhà nước tuy đã có những chủ trương chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển nhưng chưa đầu tư cho nhiều đề tài nghiên cứu để giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn. Chưa có đàn cá bố mẹ để sản xuất ra một lượng lớn cá giống. Công nghệ sản xuất giống một số loài đã chủ động được thì chưa được phổ biến rộng rãi, xã hội hóa. Một số loài được đầu tư nhập công nghệ nhưng sau đó không có sự tiếp nối để duy trì, tuyển chọn bổ sung và quản lý chất lượng đàn bố mẹ dễ dẫn đến công nghệ nhập xong là kết thúc. Muốn phổ biến, chuyển giao công nghệ thì không có cá bố mẹ. Một số đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất giống trong nước thành công nhưng không được tiếp tục nghiên cứu chất lượng di truyền (cá giò) dễ dẫn đến thoái hóa…
Tăng tốc để bứt phá
Phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 sẽ hoàn thiện công nghệ sản xuất giống các đối tượng cá biển chưa ổn định; Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống tôm hùm, gia hóa; Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển, nhuyễn thể, giáp xác khác có giá trị kinh tế để đa dạng đối tượng nuôi... Đồng thời, cũng sẽ nỗ lực để sản xuất và cung ứng giống đảm bảo giải quyết đủ 100% nhu cầu cho nuôi trồng.
Nuôi biển đang là xu hướng phát triển chung trên toàn cầu, góp phần quan trọng làm giảm tình trạng khai thác quá mức nhiều loài hải sản trong tự nhiên và đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong bối cảnh dân số thế giới đang tăng lên, có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2050. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề này, song để nó thực sự chiếm thế “thượng phong”, con giống phải là “bài toán” đầu tiên cần được quan tâm; bởi vốn dĩ đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, cái cần ở Việt Nam hiện nay là một kế hoạch phát triển nghề nuôi biển ở tầm quốc gia và những chính sách khuyến khích nuôi biển, thu hút vốn đầu tư vào nuôi biển. Cùng đó là việc khắc phục những yếu kém, hạn chế trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y phục vụ nuôi cá biển…
>> Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 300 triệu con giống cá biển; 60 tỷ con giống nhuyễn thể; 15.000 tấn giống rong biển; 15 triệu con tôm hùm giống; 2 tỷ con cua, ghẹ giống với 400 trại giống, công suất 5 triệu con/trại/năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ