Tin thủy sản Tảo tươi hay tảo bột thì tốt hơn cho tôm giống?

Tảo tươi hay tảo bột thì tốt hơn cho tôm giống?

Tác giả Hà Tử, ngày đăng 02/07/2020

Tảo tươi hay tảo bột thì tốt hơn cho tôm giống?

Ấu trùng tôm sú tiêu thụ vi tảo tươi hay tảo bột nhiều thì sẽ “lớn nhanh như thổi” và đẩy lùi được dịch bệnh?

Tảo tươi hay tảo bột?

Tôm sú là một trong những loài nuôi chính ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng như những loài thủy sản khác, tôm sú cũng phải gồng mình chống lại những bất lợi do dịch bệnh, thời tiết và nguồn cung giống khó khăn mang lại. Tôm giống là mắc xích đầu tiên cũng như quan trọng nhất trong hệ thống nuôi tôm sú, con giống rất nhạy cảm với những thay đổi dù là nhỏ nhất trong môi trường nước. Từ lâu các trại giống đã biết sử dụng bột tảo hay tảo tươi với chi phí thấp để góp phần thúc đẩy tăng trưởng và khả năng kháng bệnh của ấu trùng tôm. Mặc dù hiệu quả của tảo là không thể chối cãi nhưng chúng cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước.

Tảo cùng với sinh vật phù du là nguồn thức ăn ban đầu quý giá cho ấu trùng tôm. Trong đó, vi tảo tươi là một nguồn thức ăn bền vững, cung cấp rất nhiều dinh dưỡng. Ấu trùng tôm có sử dụng tảo cho thấy rõ sự tăng trưởng vượt trội, cải thiện cường độ tiêu hóa, các cơ chế miễn dịch bảo vệ cơ thể cũng được tăng cường ngay cả khi tôm ở những giai đoạn nhỏ nhất.

Một số loài tảo tươi được tôm ưa chuộng hiện nay là Chaetoceros với kích thước nhỏ, vừa cỡ miệng ấu trùng, thúc đẩy tăng trưởng cao, cải thiện tỷ lệ sống sót một cách vượt trội, thành phần dinh dưỡng cao, và dễ nuôi cấy. Thalassiosira, một loài tảo khác chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Ở dạng bột, tảo Spirulina có hàm lượng protein dồi dào đang được sử dụng nhiều nhất trong các trại giống. Nhưng tảo bột không thể thay thế hoàn toàn cho tảo tươi, do vắng mặt các vi sinh vật có lợi. Vi tảo cho tôm giống chứa một lượng vi khuẩn rất lớn, nhưng chưa có báo cáo nào đánh giá mức độ ảnh hưởng của chúng đến ấu trùng tôm. Do vậy nghiên cứu này phân tích sự phong phú cũng như các mặt lợi và hại của các chủng vi khuẩn đối với ấu trùng tôm sú giống, hơn nửa là với môi trường mà tôm đang sinh sống.

Tôm sú giống có cùng kích thước được thu tại một trại giống ở Trung Quốc. Dùng cho nghiên cứu này là hai loài tảo tươi Chaetoceros muelleri và Thalassiosira weissflogii được nuôi cấy tại phòng thí nghiệm cùng với bột tảo Spirulina. Chia số ấu trùng thành 3 nhóm bằng nhau, mỗi nhóm tương ứng với mỗi loài tảo khác nhau. Kí hiệu lần lượt là A (tảo Chaetoceros muelleri), B (tảo Thalassiosira weissflogii) và C (bột tảo Spirulina). Và đương nhiên để kiểm tra sự khác biệt về tác dụng của tảo với tôm thì các chỉ tiêu chất lượng nước và sự chăm sóc hằng ngày với các nhóm là như nhau. Cho ăn tảo kết hợp thức ăn nhân tạo cho ấu trùng từ giai đoạn Zoea đến giai đoạn Postlarvae rồi bắt đầu đánh giá kết quả. Khi tôm tăng lên một giai đoạn đều lấy mẫu nước để kiểm tra các chỉ tiêu và các chủng vi khuẩn có mặt, lấy mẫu tôm để đánh giá sự tỷ lệ tăng trưởng và biến thái hình dạng qua các giai đoạn của ấu trùng. Xét nghiệm DNA và phân tích thống kê để có được kết quả cuối cùng.

Kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy nồng độ NH3 ở nhóm C trong giai đoạn PL là cao nhất . Trong khi đó nồng độ NO2 lại cao nhất ở nhóm C khi tôm ở giai đoạn Mysis. Và mật độ Vibrio ở nhóm A trong giai đoạn PL là phong phú nhất theo đánh giá. Tỷ lệ biến thái hình dạng, tỷ lệ sống của ấu trùng và hoạt động của các enzyme tiêu hóa ở nhóm A và B cao đáng kể hơn nhóm C ở tất cả các giai đoạn. Sự đa dạng của các chủng vi khuẩn giảm dần từ giai đoạn Zoea đến PL, nhóm C lại có mật độ thấp hơn nhiều so với nhóm A và B.

Hệ vi khuẩn đường ruột rất quan trọng đối với sức khỏe, các quá trình trao đổi chất và khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch của tôm. Việc cho ăn sẽ làm cấu trúc của hệ thống này thay đổi, từ đó tác động trực tiếp đến sức khỏe của tôm. Khi cho ăn có bổ sung tảo tươi cho thấy tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng cũng cao hơn hẳn so với khi chỉ cho ăn bột tảo. Do tảo tươi đã làm thay đổi hệ vi sinh vật trong ấu trùng. Còn với bột tảo Spirulina, tỷ lệ sống bắt đầu giảm khi ấu trùng chỉ mới đến giai đoạn Zoea. Hơn nửa là tỷ lệ vi khuẩn trong đường ruột cũng giảm đi rất nhiều, nên khả năng tiêu hóa và chức năng miễn dịch của ấu trùng cũng trở nên suy giảm nghiêm trọng.

Microbacteriaceae, Pseudoalteromonas, Rhodobacteraceae là những loài vi khuẩn phổ biến nhất trên cấu trúc của cả 3 nhóm tảo. Và đã được chứng minh là có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của tôm sú, kích thích hoạt động của các enzyme tiêu hóa trong đường ruột, và cạnh tranh tiêu diệt những vi khuẩn có hại gây bệnh cho tôm.

Vi tảo tươi ngoài tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống cho tôm còn được sử dụng như Prebiotic tiềm năng để thúc đẩy sự điều hòa của hệ vi sinh vật đường ruột. Trong khi bột tảo trong quá trình sản xuất đã bị phá hủy thành tế bào nên mất đi tính chất hòa tan trong nước và trở nên nghèo dinh dưỡng hơn rất nhiều so với tảo tươi. Đáng chú ý là do sự thích nghi dần từ chế độ ăn thực vật sang động vật nên hoạt động của các enzyme tiêu hóa ngày càng thấp dần, có thể giải thích là vì không phải tiêu thụ quá nhiều năng lượng để đồng hóa thức ăn nữa. Vi tảo tươi còn được chứng minh là có thể làm sạch nước và ức chế vi khuẩn có hại trong môi trường.

Đối với hầu hết các động vật thủy sản, vi khuẩn bổ sung theo đường tiêu hóa và bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng có lợi hoặc có hại đến cấu trúc vi sinh vật trong cơ thể vật chủ. Ở những giai đoạn khác nhau thì ưu thế cũng thuộc về những loài vi khuẩn khác nhau. Tôm sú giai đoạn ấu trùng, Photobacterium chiếm ưu thế, trong khi Vibrio là chủ yếu khi tôm một tháng tuổi trở lên và tỷ lệ Vibrio này này ngày càng tăng theo tuổi của tôm. Ngoài ra ở những môi trường khác nhau thì cấu trúc của cộng đồng vi sinh vật này cũng khác nhau.

Tóm lại nghiên cứu này đã chỉ ra được rằng hai loại tảo T. weissflogii và C. muelleri cải thiện đáng kể tỷ lệ sống và tỷ lệ biến thái hình dạng của ấu trùng. Ngoài ra còn kích thích hoạt động của các enzyme tiêu hóa và sự đa dạng của cộng đồng vi sinh vật trên cơ thể tôm sú. NH3 và NO2 cũng giảm độ độc đáng kể khi cho ấu trùng ăn tảo tươi, do đó có thể kết luận hai loại tảo này rất thích hợp cho hệ thống ương nuôi ấu trùng tôm sú. Việc cho ăn các loại tảo khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi cộng đồng vi sinh vật ở ấu trùng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và tình trạng sức khỏe của ấu trùng tôm sú.


Nguồn dinh dưỡng từ cỏ linh lăng cho thủy sản Nguồn dinh dưỡng từ cỏ linh lăng cho… Tác động của rong biển đỏ đến khí metan chăn nuôi Tác động của rong biển đỏ đến khí…