Mô hình kinh tế Tập trung phòng trừ dịch rệp sáp bột hồng cho cây sắn

Tập trung phòng trừ dịch rệp sáp bột hồng cho cây sắn

Ngày đăng 17/06/2015

Tập trung phòng trừ dịch rệp sáp bột hồng cho cây sắn

Với khả năng làm giảm năng suất của sắn rất lớn từ 70- 80% nếu bị nhiễm nặng, dịch rệp sáp bột hồng được xem là đối tượng gây hại nguy hiểm cần được tổ chức phòng trừ triệt để.

Vụ sản xuất sắn năm 2015, rệp tiếp tục xuất hiện ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa với diện tích 41,3 ha (tính đến ngày 4/6/2015) với mật độ trung bình và phát triển khá nhanh. Cây sắn đang trong thời kỳ tăng trưởng nếu không tổ chức phòng trừ kịp thời thì dễ dẫn đến mất mùa.

Rệp sáp bột hồng tấn công điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn. Ngọn chính bị gây hại dẫn đến cây sắn trở nên lùn, thân cây cong queo gây rối loạn, rệp bám mặt sau lá, nhiều nhất trên các nách lá vùng ngọn bị xoắn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và gió Tây Nam thổi mạnh như hiện nay, rệp sáp bột hồng phát tán lây lan nhanh thì việc kiểm soát dịch càng khó hơn.

Rệp sáp bột hồng có vòng đời từ 32-92 ngày. Trong các tháng mùa khô và có lượng mưa thấp , chúng phát sinh mạnh. Rệp sống cộng sinh với một số loài kiến và sinh sản đơn tính nên sinh sản rất nhanh.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Rệp sáp bột hồng có khả năng lây lan nhanh qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên phương tiện vận chuyển… Đây là đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây sắn và khó phòng trừ, có nguy cơ cao làm giảm mạnh năng suất, chất lượng sắn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, rệp này sẽ phát tán, lây lan nhanh chóng ra các vùng trồng sắn ở những địa phương khác.

Nhằm phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn, nông dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp về kiểm dịch thực vật; canh tác đúng quy trình và vệ sinh đồng ruộng; khi đã nhiễm thì dùng biện pháp hóa học để trừ diệt. Tuy nhiên, biện pháp hóa học hiệu quả không cao nên có thể tiêu hủy khi phát hiện rệp sáp bột hồng và dùng biện pháp sinh học. Cần giám sát chặt chẽ công tác nhập khẩu giống sắn từ các nước vào Việt Nam. Tuyệt đối không vận chuyển hom giống sắn đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng từ vùng này sang vùng khác để trồng.

Nếu phát hiện hom giống bị nhiễm rệp sáp bột hồng lập tức xử lý lô hàng, hom giống theo quy định pháp lệnh Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật. Khi canh tác cần chuẩn bị đất tốt và khô trước khi trồng 2 tuần; chuẩn bị hom giống sạch không bị nhiễm rệp. Đồng thời dọn sạch cỏ dại, gốc sắn sau thu hoạch tránh rệp sáp bột hồng còn tồn tại trên ruộng sắn. Ngâm hom giống trước khi trồng với các loại thuốc sau: Thiamethoxam 25%WG 4 g/20 lít nước, Dinothyfuran 10%WP 20 cc/20 lít nước, Prothyophos 50% EC: 50 cc/20 lít nước; Piriphosmethyl 50% EC: 50 cc/20 lít nước, ngâm trong thời gian 5-10 phút.

Trồng sắn với mật độ hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu rệp. Chăm sóc tốt để cây sắn sinh trưởng phát triển nhanh, tăng sức chống chịu dịch hại. Sử dụng hóa chất như trên để phun trên diện tích sắn bị nhiễm và diện tích liền kề bao quanh trong phạm vi tối thiểu 30 m bằng các thuốc trừ sâu gốc Thiamethoxam, sử dụng theo nồng độ khuyến cáo với lượng nước 600 lít/ha. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu thì biện pháp dùng thuốc để phun hiệu quả diệt trừ thấp và không bền vững.

Biện pháp tiêu hủy khi phát hiện rệp sáp bột hồng có thể thực hiện theo từng bước.

Bước 1: Điều tra, khoanh vùng sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng.

Bước 2: Thu gom cây bị rệp sáp bột hồng. Đối với diện tích sắn cho thu hoạch: Tiến hành thu hoạch ngay, đồng thời thu gom toàn bộ tàn dư cây sắn, cây trồng khác, cỏ dại chất thành đống để tiêu hủy tại chỗ ngay sau khi thu hoạch. Đối với diện tích sắn chưa đến giai đoạn cho thu hoạch hoặc mới trồng: Thu gom toàn bộ tàn dư cây sắn, cây trồng khác, chất thành đống tiêu hủy tại chỗ. Điểm tiêu hủy cách vùng sắn không bị nhiễm ít nhất 30 m.

Bước 3: Phun thuốc trừ rệp cho toàn bộ diện tích sắn đã tiêu hủy để diệt rệp sáp bột hồng trên mặt đất và diện tích sắn quanh vùng bị nhiễm bán kính ít nhất 30 m tùy theo mức độ nhiễm rệp nặng hay nhẹ. Các hoạt chất để phun: Thiamethoxam, Imidacloprid, Nitenpyram, Dinotefuran.

Bước 4: Tiếp tục theo dõi giám sát sự xuất hiện của rệp (tái nhiễm).

Biện pháp sinh học, sử dụng các loài thiên địch tự nhiên như: ong ký sinh; bảo vệ và lợi dụng các loài côn trùng bắt mồi ăn thịt trong tự nhiên như bọ rùa, bọ cánh gân, bọ xít đỏ... để kiểm soát rệp sáp bột hồng; sử dụng chế phẩm sinh học như Beauveria bassiana để diệt trừ rệp sáp bột hồng. Luân canh cây sắn với các cây trồng khác như các cây họ đậu để giảm nguy cơ xuất hiện rệp sáp bột hồng. Đánh giá, chọn những giống sắn kháng hoặc chống chịu rệp sáp bột hồng, đảm bảo năng suất và chất lượng để đưa vào trồng thay thế các giống sắn bị nhiễm bệnh.

Cần sử dụng tổng hợp các biện pháp để bảo vệ diện tích sắn hiện có, không để rệp sáp bột hồng lây lan diện rộng, đảm bảo thu nhập cho người trồng sắn . 


Rất khó để trồng cây đậu xanh né hạn Rất khó để trồng cây đậu xanh né… Trồng rừng thân thiện với môi trường Trồng rừng thân thiện với môi trường