Mô hình kinh tế Tàu Gỗ & Tàu Sắt Bài Toán Kinh Tế Của Ngư Dân

Tàu Gỗ & Tàu Sắt Bài Toán Kinh Tế Của Ngư Dân

Ngày đăng 26/08/2014

Tàu Gỗ & Tàu Sắt Bài Toán Kinh Tế Của Ngư Dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản.

Đồng thời, nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.

Theo nghị định này, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm.

Đối với tàu hải sản xa bờ vỏ gỗ, thép được đóng mới, chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả từ 1-3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù từ 4-6%/năm. Tàu vỏ gỗ công suất dưới 400CV được nâng cấp thành tàu có công suất từ 400CV trở lên được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Bên cạnh việc hào hứng đón nhận chính sách được vay tiền với lãi suất thấp, ngư dân vẫn còn không ít những lo lắng như tiền vay đóng tàu còn nợ của đầu nậu, tàu đã thế chấp cho chương trình thí điểm cũ, trách nhiệm khi tham gia vay... Ngoài ra, nghị định 67 tập trung phát triển hệ thống tàu sắt, nhằm đảm bảo sự chắc chắn, an toàn và tăng hiệu quả đánh bắt xa bờ. Công tác bảo dưỡng cũng là vấn đề mà ngư dân đặt mối lo ngại.

Nhiều ngư dân vẫn đang băn khoăn so sánh tính hiệu quả giữa tàu sắt và tàu gỗ. Chi phí một tàu sắt cao gấp đôi tàu gỗ với cùng công suất tương đương, cho dù được vay hỗ trợ thì ngư dân vẫn phải bỏ thêm phần vốn của mình không ít. Đối với tàu gỗ, ngư dân có thể đặt hàng tại bất cứ cơ sở nào và trực tiếp giám sát.

Công tác bảo dưỡng cùng là vấn đề mà ngư dân lo ngại. Xưa nay, ngư dân đã quen với việc kéo tàu gỗ lên bờ để bảo trì. Tàu sắt với trọng lượng lớn hơn rất nhiều sẽ gây trở ngại đáng kể.

Ngư dân sẽ không thể mang tàu sắt lên bờ theo phương pháp này.

Hơn nữa, kiến thức về bảo dưỡng tàu sắt cũng chưa phổ biến đối với nhiều ngư dân. Các kỹ thuật cạo hà, vá những vết hoen gỉ, sơn lườn vô cùng quan trọng đối với tàu sắt.

Có ý kiến cho rằng tàu vỏ gỗ rất phù hợp với nhiều loại lưới, bởi lẽ khi kéo lưới độ ma sát giữa lưới với tàu gỗ nhẹ hơn so với tàu sắt, nên tàu gỗ lâu hư hỏng hơn.

Xét về bài toán kinh tế, ngoài việc tàu sắt tốn nhiều tiền đầu tư hơn, chi phí bảo dưỡng hằng năm có thể là một con số rất lớn cho nhiều ngư dân. Chi phí xăng dầu cũng không thể không tính đến khi tàu sắt nặng hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn tàu gỗ.

Con tàu này được các ngư dân tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) mua cũ với giá 200 triệu đồng. Nếu là tàu sắt mới với công suất tương đương, trị giá có thể lên tới 2 tỉ đồng.

Nghị định 67 vừa ban hành và sẽ có hiệu lực vào ngày 25 tháng 8 tới đây, chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ ở mức cao nhất để ngư dân sản xuất trên biển đạt hiệu quả. Sự hiện diện của ngư dân ở Hoàng Sa, Trường Sa chính là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia thiêng liêng. Tuy nhiên, mọi công tác để thực hiện chính sách này cần triển khai từng bước chu đáo, cẩn trọng để đạt hiệu quả tối đa.


Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Trong Bể Lót Bạt Tập Huấn Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Trong… Cà Mau Sản Xuất Giống Tôm Chân Trắng, Cơ Hội Tốt Cho Người Nuôi Tôm Cà Mau Sản Xuất Giống Tôm Chân Trắng,…