Tây Nguyên Đổ Xô Trồng Tiêu Lạ
Thời gian vừa qua, nhiều người dân Tây Nguyên đua nhau trồng giống “tiêu lạ” với gốc ghép có nguồn gốc ngoại lai là cây trầu amazon. Trong khi đó, năng suất, chất lượng và khả năng chống sâu bệnh của gốc ghép này chưa được cơ quan chức năng kiểm định.
“Tù mù” mua giống
Gần đây, nhiều nhà vườn ở Tây Nguyên đã nhập gốc cây trầu amazon về ghép với giống tiêu nội địa để chống bệnh cho tiêu và bán ra với giá rất cao từ 25.000 - 30.000 đồng/cây, cao gấp 5 - 7 lần giống tiêu nội địa.
Tại vườn ươm cây giống Đức Bảy (ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), theo lời giới thiệu của ông chủ Nguyễn Đức Bảy, gốc ghép giống tiêu này là cây trầu amazon có thân lớn, nhiều rễ và chống chọi được nhiều bệnh tật, được ông mua từ Ấn Độ. Sau đó, ông cho gốc trầu amazon ghép với cây tiêu Vĩnh Linh, Phú Quốc. Vì thế, nó có khả năng chống rầy, chống bệnh chết nhanh và trồng được ở những vùng trũng nước.
Hiện ông Bảy cũng đã bán hàng ngàn cây tiêu ghép amazon cho người dân ở huyện Chư Sê (Gia Lai), Ea H’leo (Đắk Lắk), Đắk Mil (Đắk Nông)…
Trong khi đó, anh Trần Khánh Vân (ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) chia sẻ: “Các đây hơn 1 tháng, tôi được người quen giới thiệu đến cơ sở sản xuất cây giống Đức Bảy để mua hơn 1.200 cây tiêu ghép amazon về trồng. Qua một thời gian theo dõi, tôi thấy giống tiêu này có khả năng chịu hạn kém, chỉ nên trồng ở các vùng đất ẩm ướt hoặc các khu vực đảm bảo được nguồn nước tưới thường xuyên”.
Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đồn nhau đi mua giống tiêu ghép amazon. Mới đây chúng tôi đã đến vườn tiêu ghép của anh Nhân (tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) để tìm hiểu. Anh Nhân cho biết, gốc ghép này có từ các khu rừng Việt Nam chứ không phải là hàng nhập từ nước ngoài”.
Chỉ nên trồng thử nghiệm
Còn theo TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm Tây Nguyên, giống tiêu ghép này đang được trồng nhiều nhất ở tỉnh Đồng Nai (khoảng trên 100ha) nhưng cũng chỉ mới được 3 - 4 năm tuổi. Nó sinh trưởng khá tốt, lá xanh quanh năm nhưng cho năng suất khá thấp, hoa và trái thưa hơn hẳn. Giống tiêu này rất ưa nước, đòi hỏi nước tưới quanh năm nên khác với chu kỳ sinh trưởng của các giống tiêu đang được trồng.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, gốc cây tiêu ghép này có nguồn gốc từ nước ngoài chứ không phải ở trong nước. Theo quy định, các giống cây trồng mới trước khi được nhập từ nước ngoài vào Việt Nam phải được kiểm duyệt, kiểm định chất lượng, sâu bệnh… mới được cấp giấy phép trồng. Kể cả khi có giấy phép nhập khẩu, cây giống đó phải được qua thử nghiệm, kiểm chứng về chất lượng mới được đưa vào trồng đại trà”, TS Trần Vinh cho biết.
TS Trần Vinh đề nghị Bộ NN-PTNT sớm điều tra, nghiên cứu để giải đáp các vấn đề như: Cây tiêu ghép có trồng được ở đây hay không, kháng bệnh ra sao, năng suất và sản lượng thay như thế nào… cho người dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ