Mô hình kinh tế Tây Ninh tập trung phát triển cây mì thành cây trồng chủ lực

Tây Ninh tập trung phát triển cây mì thành cây trồng chủ lực

Ngày đăng 26/08/2015

Tây Ninh tập trung phát triển cây mì thành cây trồng chủ lực

Theo đó, sẽ tập trung tái cơ cấu điều chỉnh quy hoạch lại loại cây trồng, ưu tiên tăng diện tích cây mì lên từ 50 đến 60% (tức từ 45.000 ha theo quy hoạch lên khoảng 70.000 ha), năng suất bình quân lên 40 tấn/ha; đồng thời sẽ điều chỉnh giảm diện tích cây cao su và cây mía cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành khoai mì, cây mì là loại cây dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, các sản phẩm tinh chế từ khoai mì phong phú, thị trường xuất khẩu rộng mở… là một lợi thế và tiềm năng để cây mì phát triển ổn định.

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có trên 50.000 ha mì, với sản lượng trên 1,6 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 31,7 tấn/ha (bình quân cả nước 17,9 tấn/ha), xếp hàng thứ nhất về năng suất, sản lượng và hàng thứ 2 về diện tích trong cả nước (sau tỉnh Gia Lai). Cả tỉnh có 65 nhà máy sản xuất tinh bột mì, công suất trên 1 triệu tấn tinh bột/năm.

Anh Bùi Công Ngọc, sinh năm 1979, là một trong những nông dân làm giàu nhờ nghề trồng mì ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu chia sẻ, sau lần thử nghiệm trồng mì cho hiệu quả kinh tế cao, nên anh và gia đình quyết định duy trì trồng cây mì và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm canh tác, thay đổi giống mới, phân bón phù hợp nên năng suất bình quân đạt từ 45 - 50 tấn/ha.

Sau 10 năm, kinh tế gia đình đã tăng vượt, vươn lên làm giàu trên mảnh đất của ông cha để lại, từ diện tích đất chưa đầy 1 ha, đến nay gia đình anh đã có hơn 10 ha, cho thu nhập bình quân gần 500 triệu đồng/năm.

Cây mì sẽ là một trong những loại cây chủ lực của Tây Ninh trong tương lai.

Đánh giá về tiềm năng phát triển cây mì ở Tây Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hiệp hội sắn (mì) Việt Nam nhận định, về lâu dài cây mì sẽ là một trong những loại cây chủ lực của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo giống mới, cơ giới hóa trong sản xuất cây sắn hiện nay là rất cần thiết, nhằm tăng năng suất, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Song muốn cây mì được phát triển toàn diện, trở thành cây trồng chủ lực thì Tây Ninh cần có những giải pháp, bước tiến cụ thể, từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.

Ông Võ Đức Trong cho biết thêm, sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ cho rà soát lại hết các hệ thống kênh thủy lợi, nâng cấp hệ thống tưới tiêu tại các tuyến kênh của tỉnh; hướng đến phục vụ nước tưới nông nghiệp cho tất cả các loại cây trồng (thay vì mục đích chỉ dùng cho cây lúa như trước đó).

Riêng một số diện tích đất chưa có kênh thủy lợi sẽ áp dụng tưới phun sương, nhỏ giọt; đồng thời áp dụng cơ giới hóa vào khâu gieo trồng, xây dựng mô hình liên kết 4 nhà, cánh đồng mẫu lớn nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng khoai mì.


Trên 31.000ha thực hiện cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ vụ lúa hè thu Trên 31.000ha thực hiện cánh đồng liên kết… Xuất khẩu sắn có thể đạt 1,5 tỉ USD Xuất khẩu sắn có thể đạt 1,5 tỉ…