Mô hình kinh tế Thái Nguyên Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Thái Nguyên Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Ngày đăng 27/06/2014

Thái Nguyên Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Thủy sản đã thực hiện các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên (Thái Nguyên) đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân địa phương.

Một trong những yêu cầu của nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP là giống cá phải đảm bảo chất lượng.

Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho biết: Trong những năm qua, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn chỉ dừng lại ở hình thức bán thâm canh, quảng canh và chủ yếu nuôi các loại giống cá truyền thống như: trắm, trôi, mè, chép nên năng suất, hiệu quả chưa cao.

Do vậy, để khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP, chúng tôi đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng thực hiện mô hình.

Qua đó, bà con đã vững kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trao đổi những tình huống thường gặp phải trong quá trình nuôi cá với cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, các hộ nuôi yên tâm đầu tư, đồng thời chăm sóc, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi đã đề ra, nên cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt khoảng 70%, kích cỡ đạt tương đối đồng đều.

Theo nhận định của một hộ dân tham gia mô hình - ông Nguyễn Đức Trung, ở xóm 10, xã Cù Vân (Đại Từ): Cá rô phi đơn tính là loại cá dễ nuôi, ít bệnh, có khả năng thích ứng với môi trường, khí hậu nên tỷ lệ sống cao, phù hợp với các điều kiện tận dụng diện tích mặt nước nhỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua đầu tư thâm canh nuôi theo quy trình VietGAP tôi thấy, chỉ sau hơn 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình của cá đã đạt 0,5kg/con, năng suất đạt 8,8 tấn/ha. Với giá bán trung bình hiện nay (khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg), trừ các khoản chi phí đầu tư, nuôi cá rô phi đơn tính cho lợi nhuận khoảng 72 triệu đồng/ha/năm.

Thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát được yếu tố đầu vào, không sử dụng chất độc hại, các chất trong danh mục cấm nên tạo ra được thực phẩm đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sản phẩm tạo ra được tiêu thụ dễ dàng hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cũng thông qua thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP đã góp phần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về sản xuất hàng hóa.

Quan trọng hơn, mô hình này đã giúp người dân nhận thấy việc nuôi thủy sản theo hướng thâm canh mang lại hiệu quả cao hơn phương pháp nuôi quảng canh truyền thống, từ đó, giúp bà con thay đổi tập quán nuôi lạc hậu sang hướng nuôi phát triển bền vững. Đồng thời, tạo cơ sở ban đầu cho việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra của sản phẩm…

3 năm trở lại đây, sản lượng thủy sản của tỉnh liên tục tăng theo các năm. Năm 2011, sản lượng thủy sản mới đạt 5.500 tấn, thì đến năm 2013 đã đạt 7.500 tấn. Tuy nhiên, trước những áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của cơ chế thị trường, một phần do chạy theo lợi nhuận, một phần do nhận thức của người nuôi chưa đầy đủ đã lạm dụng nhiều loại thuốc, hóa chất… khiến cho khả năng đề kháng dịch bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn của tôm, cá nuôi; làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng làm cho môi trường nuôi thủy sản có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng.

Nguồn nước, không khí và hệ sinh thái bị ô nhiễm, làm cho hệ động thực vật ngày càng trở nên nghèo nàn hơn, việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, luôn phải đối mặt với dịch bệnh, mối nguy ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm...

Ngoài ra, lối sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống, manh mún nhỏ lẻ của người dân cũng khiến cho chất lượng sản phẩm thủy sản trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bởi vậy, việc triển khai các mô mình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP (trên diện tích 2ha với 12 hộ dân tham gia) của Trung tâm Thủy sản đang mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân Thái Nguyên.

Do đó, để duy trì được các mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình này, tiến tới nhân rộng ra địa bàn tỉnh thì cùng với sự nỗ lực của người dân, sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ về kinh phí của tỉnh…

Thái Nguyên có khá nhiều tiềm năng để phát triển nghề Nuôi trồng thủy sản khi diện tích mặt nước có thể nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh là trên 6.900ha. Trong đó có gần 2.300ha ao gia đình; trên 1.100ha hồ chứa nhỏ, 2.500ha hồ chứa vừa và 1.000ha ruộng trũng có thể phát triển nuôi cá kết hợp cấy lúa.

Ngoài ra, tỉnh còn có một số khu vực nước lạnh có thể phát triển nuôi các đối tượng thủy sản ưa nhiệt độ thấp, 12.000ha mặt nước các sông, suối có thể sử dụng và khai thác thủy sản tự nhiên. Nếu nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP được duy trì và nhân rộng trên địa bàn sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trong tỉnh.


Thu Mua Nguyên Liệu Chế Biến Thuỷ Sản Doanh Nghiệp Thua Ngay Trên Thu Mua Nguyên Liệu Chế Biến Thuỷ Sản… Tôm Thẻ Chân Trắng Được Nuôi Ở Thành Phố Tôm Thẻ Chân Trắng Được Nuôi Ở Thành…