Mô hình kinh tế Thăm Cù Lao Nhãn Khánh Hòa

Thăm Cù Lao Nhãn Khánh Hòa

Ngày đăng 23/07/2014

Thăm Cù Lao Nhãn Khánh Hòa

Xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) là nơi được mệnh danh “xứ nhãn” của An Giang, nổi tiếng với giống nhãn Mỹ Đức tồn tại hàng trăm năm, vì mùi vị thơm ngon khó tìm được ở nơi khác.

Ông Nguyễn Văn Non, nông dân trồng nhãn lâu đời ở Khánh Hòa cho biết, đây là xứ của giống nhãn Mỹ Đức hay còn gọi là nhãn mùa, lúc trước, hầu như nhà nào cũng trồng và tập trung nhiều ở 2 ấp Khánh An, Khánh Mỹ. Những năm gần đây, diện tích nhãn Mỹ Đức được thay bằng giống mới, đó là nhãn Thái và nhãn “xuồng cơm vàng”.

Nguyên nhân do giống nhãn Mỹ Đức chất lượng trái không đồng đều, đa số cây từ 40 – 50 năm tuổi nên đã bị lão hóa, chất lượng trái không tốt, thương lái mua số lượng rất ít, dù giá rẻ hơn những loại khác từ 5.000 – 10.000đ/kg. Hiện nay, giống nhãn Mỹ Đức chỉ còn lại vài cây để con cháu ăn và làm quà biếu người quen.

Ông Non phân trần: “Giống nhãn Mỹ Đức chất lượng rất ngon, mùi thơm đặc trưng, nhưng cơm mỏng, hạt to… còn nhãn “xuồng cơm vàng” thì cơm dày, ngọt thanh, có mùi thơm mà giá cả không chênh lệch nhiều nên được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Lúc trước, tôi cũng trồng 2 công nhãn giống Mỹ Đức, tuy nhiên do thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp, nên tôi đã đốn bỏ và chỉ chừa vài cây. Năm rồi, thương lái còn mua, năm nay nghe nói họ không mua nữa… ”.

Anh Lê Văn Hiệp (ấp Khánh An) trồng 10 công nhãn giống “xuồng cơm vàng” cho biết, lúc trước cha anh cũng trồng giống nhãn Mỹ Đức, nhưng hiện nay, loại này đã không còn giá trị kinh tế nên mạnh dạn chuyển sang giống “xuồng cơm vàng” hiệu quả hơn.

Giống nhãn “xuồng cơm vàng” khi đặt xuống khoảng 18 tháng là cho trái mùa đầu, năng suất chỉ từ 2 – 3kg/gốc, nhưng sang năm thứ 2 – 3 thì tăng lên 20 – 30kg/gốc và mỗi năm tán phát triển rộng thêm thì năng suất cũng tăng lên theo. Về kỹ thuật trồng, anh Hiệp chủ động đặt nhãn thưa, chỉ 40 gốc/công (1.000m2) để cây có được không gian rộng, mau phát triển. Thông thường, tháng giêng âm lịch nhãn sẽ ra hoa, đến khoảng đầu tháng năm thì đã cho trái lai rai.

Sau khi hái nhãn xong, nhà vườn tiến hành tỉa cành, bón phân chuồng cho cây lấy lại sức, chuẩn bị vụ mùa năm sau. Người trồng nhãn hạn chế việc sử dụng phân hóa học để cây phát triển ổn định, năng suất cao.

Anh Hiệp chia sẻ: “Giống nhãn “xuồng cơm vàng” nếu muốn bán được với giá cao, nên cho trái vào khoảng tháng năm là tốt nhất, bước qua tháng sáu thì bắt đầu rộ mùa”. Chị Muội (vợ anh Hiệp) cho hay: “Năm nay, 1 héc-ta nhãn giống “xuồng cơm vàng” thu hoạch trên 7 tấn, đó là chưa kể một phần trái bị rụng do nắng hạn.

Nhờ bán được giá cao, chi phí sản xuất chấp nhận được, vợ chồng tôi vẫn thu lợi nhiều”. Lúc đầu mùa, số lượng nhãn chưa có nhiều, vợ chồng anh Hiệp bán được 50.000đ/kg, sau đó giảm còn 40.000đ/kg, rồi 30.000đ/kg. Ngoài ra, gia đình trồng xen thêm rau cần tàu dưới vườn nhãn 10 công đất, mỗi mùa cho lãi gần 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, người có kinh nghiệm trồng nhãn ở ấp Khánh An cho biết, 5 năm trước được người quen giới thiệu nên trồng thử 15 gốc nhãn Thái, thu hoạch gần 1 tấn trái/năm. Ông nói: “So với nhãn “xuồng cơm vàng” thì nhãn Thái tốn nhiều công chăm sóc hơn, chi phí cũng nhiều hơn (khoảng 2 triệu đồng/công).

Vì, sau khi thu hoạch trái, phải dọn cành, tưới phân, rồi đợi cây ra 2 – 3 đọt non, tiến hành bón phân gốc, kích thích cho ra hoa… Phải làm đúng quy trình nếu không nó sẽ không ra hoa. Vì là loại nhãn mới, người tiêu dùng chưa biết nhiều nên giá nhãn Thái rẻ hơn nhãn “xuồng cơm vàng” khoảng 5.000đ/kg”- ông Vinh cho biết.


Cảnh Báo Về Loại Sâu Đục Thân Trên Cây Có Múi Cảnh Báo Về Loại Sâu Đục Thân Trên… Bắc Giang Thu Hơn 2 Nghìn Tỷ Đồng Từ Vải Thiều Bắc Giang Thu Hơn 2 Nghìn Tỷ Đồng…