Tham vọng khôi phục vùng lúa - cá đồng
Vùng Khánh Bình Đông, Khánh Hưng, Trần Hợi thuộc huyện Trần Văn Thời được nhiều người biết đến là vùng có tiềm năng cá đồng rất lớn. Thời gian gần đây, do diện tích trồng lúa 2 vụ tăng lên cộng thêm việc khai thác cá theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi cá đồng suy giảm nghiêm trọng.
Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Phương vẫn duy trì nuôi cá đồng trên ruộng lúa nhiều năm nay.
Hơn chục năm trước, hễ nhắc đến vùng Khánh Bình Đông, Khánh Hưng hay Trần Hợi, người ta nghĩ ngay đến cái nôi của con cá đồng. Ấp 7, xã Khánh Bình Đông là một trong những vùng như thế. Những năm trước đây, khi lúa vụ hai chưa xuất hiện, hầu như gia đình nào trong ấp cũng đều nuôi cá đồng, có bao nhiêu diện tích mặt nước ruộng là nuôi hết bấy nhiêu.
Thuận theo tự nhiên
Chuyện nuôi cá đồng lúc bấy giờ cũng không khó khăn, tốn kém gì. Do thức ăn của cá có sẵn trong tự nhiên, cá giống có sẵn từ mùa trước, rồi nhà nào cũng nuôi, không ai trộm cá của ai. Thêm nữa, do làm lúa một vụ, ít sử dụng phân, thuốc hóa học nên nguồn nước rất thuận lợi cho cá sinh sôi, phát triển.
Tập quán canh tác bền vững này vẫn còn được một số hộ dân lưu giữ cho đến tận bây giờ. Điển hình như gia đình ông Huỳnh Văn Phương ở Ấp 7, xã Khánh Bình Đông. Ông là một trong những hộ vẫn duy trì nuôi cá đồng đến nay. Hiện tại, dù sản lượng cá đồng thu hoạch hàng năm của gia đình ông Phương chỉ bằng phân nửa, thậm chí có năm chỉ bằng 1/3 trước đây nhưng mỗi đợt thu hoạch, ông bỏ túi trên 60 triệu đồng là chuyện thường. So với cây lúa, lãi ròng nuôi cá hơn mấy chục lần, mà chi phí, công sức bỏ ra thì không đáng là bao.
Ông Phương bộc bạch: “Trước ở đây là phát cấy, một năm trồng có 1 vụ lúa, hầu như nhà nào cũng nuôi cá đồng. Rồi sau này chuyển sang làm lúa 2 vụ, đa phần người dân không còn nuôi cá đồng như trước. Lý do là từ khi làm lúa 2 vụ, sử dụng nhiều phân thuốc, ảnh hưởng đến nguồn nước, cá nuôi chậm lớn, cộng thêm nuôi phải canh giữ trộm cắp rất cực”.
Do vẫn còn duy trì nuôi cá đồng đến nay và thấy được hiệu quả mang lại nên ông Phương rất đồng tình ủng hộ việc khôi phục lại vùng nuôi cá đồng. Ông Phương bộc bạch: “Làm một vụ lúa, vụ cá kết hợp thêm trồng rau sạch nữa sẽ cho thu nhập cao. Riêng tui, vẫn duy trì nuôi cá đồng mấy năm nay nên thấy được hiệu quả. Riêng khâu canh giữ vất vả lắm, bị đánh bắt trộm suốt. Vì vậy, nếu làm theo mô hình này phải vận động bà con làm hết cả xóm mới có thể đạt hiệu quả cao”.
Có cùng suy nghĩ với ông Phương, ông Thạch Hường, ở Ấp 7, xã Khánh Bình Đông, nói: “Tôi đồng tình với việc trồng một vụ lúa, nuôi một vụ cá đồng vì mô hình này tạo ra lúa sạch, con cá nuôi tự nhiên, ăn vào không sợ bệnh. Nhưng nếu làm, cần phải hình thành tổ hợp tác sản xuất, để bà con nông dân cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau bảo vệ lợi ích chung”.
Đa số nông dân tại các vùng là cái nôi của cá đồng đều đồng tình với việc khôi phục nguồn lợi này bằng việc trồng một vụ lúa, nuôi một vụ cá kết hợp trồng một giống cây nào nó chịu được phèn, mặn để tăng thu nhập. Dù vẫn còn lo lắng nạn trộm cắp, bắt cá theo kiểu tận diệt nhưng họ tin rằng, nếu sản xuất đồng loạt, chung tay bảo vệ sẽ ngăn chặn được những tệ nạn này.
Cần cộng đồng trách nhiệm
Ông Trác Văn Hùng, ngụ ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, bày tỏ: “Mấy năm nay tôi cũng có nguyện vọng làm một vụ lúa và nuôi vụ cá đồng, nó chắc ăn hơn 2 vụ lúa/năm. Nhưng tôi lo là tình hình trộm cắp, bởi nuôi nhỏ lẻ một hai hộ thì không giữ được. Nếu đồng loạt làm, được người dân đồng thuận thì tôi thấy mô hình này hiệu quả rất cao”.
Mưa trái mùa đầu năm 2017 không chỉ gây thiệt hại về năng suất, chất lượng lúa mà còn ảnh hưởng đến khâu thu hoạch của nông dân.
Thử mang ra so sánh: Với giá cá đồng hiện nay, nếu thương lái đến tận nơi thu mua dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg. Còn giá bán ở chợ thì cao hơn rất nhiều nhưng cung vẫn không đủ cầu. Còn giá 1 kg bồn bồn chẳng hạn, hiện khoảng từ 25-30 ngàn đồng/kg, trong khi giá lúa chỉ khoảng 4-5 ngàn đồng/kg. Vậy thì bao nhiêu kg lúa mới bằng 1 kg bồn bồn hay 1 kg cá đồng?
Ông Trần Vững, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, phân tích: “Muốn phát triển mô hình lúa - cá đồng mang tính bền vững thì phải quy hoạch từng vùng nuôi. Đây là việc lớn, cần có sự đầu tư của Nhà nước, gắn liền với việc tìm đầu ra của sản phẩm. Có như thế người dân thấy được hiệu quả, họ sẽ tự nhân rộng thôi”.
Hạt lúa mùa, ngó bồn bồn, con cá đồng đã trở thành đặc sản từ lâu của huyện Trần Văn Thời nói riêng và vùng đất U Minh Hạ nói chung. Việc chạy theo lúa 2 vụ từ bỏ nguồn lợi này quả là điều đáng tiếc. Từ chủ trương và quyết tâm của nông dân trong việc khôi phục lại nguồn lợi cá đồng, hy vọng trong thời gian gần nhất, trên những cánh đồng bạt ngàn quê hương Bác Ba Phi đêm đêm được nằm nghe tiếng cá quẫy đuôi, ngày ngày được nhìn bông bồn bồn rụng trắng và cùng với đó, đời sống của người dân quê sẽ sung túc hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ