Tháng 10 Sẽ Công Bố Đề Án Chống Nhập Lậu Thủy Sản
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng đề án để ngăn chặn chống nhập lậu.
Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm họp đánh giá công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ ngành khác xây dựng Đề án chống nhập lậu thủy sản.
6 tháng qua, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện, xử lý 40 vụ vận chuyển buôn bán thủy sản nhập lậu vào nội địa tiêu thụ, tịch thu 30 tấn thủy sản các loại, trong đó có 10 tấn cá tầm. Những loại cá nhập lậu được bày bán công khai ở các chợ đầu mối và cả chợ bán lẻ, rất khó phân biệt với cá trong nước. Qua xét nghiệm, nhiều mẫu cá tầm, cá trê và cá quả không rõ nguồn gốc có chứa các chất cấm dùng để chữa bệnh đường ruột và bệnh ngoài da cho cá.
Theo Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), sau khi lực lượng chức năng vào cuộc mạnh, lượng cá nhập lậu đã giảm khoảng 60% so với lúc cao điểm tháng 3, tháng 4 vừa qua; nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay ở khu vực biên giới có việc nhập cá tầm về nuôi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng hoặc hợp thức hóa bằng giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
Đại tá Trần Trọng Bình cho biết: “Phên dậu từ tuyến biên giới đang bị “thủng”, từ việc tuần tra, kiểm soát đến việc chính quyền và cơ quan chức năng địa phương (một bộ phận) đang hợp thức cho cá tầm nhập lậu. Qua cửa khẩu đường hàng không Nội Bài không thể có cá tầm vào được nhưng rõ ràng cá tầm đã được hợp thức hóa và vận chuyển qua đường hàng không, lực lượng cảnh sát cũng đã bắt giữ một số vụ đang vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh có đủ giấy kiểm dịch, đóng dấu đỏ chót”.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường xử lý những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm liên quan đến việc hợp thức hóa cho cá nhập lậu. Bên cạnh việc trình Chính phủ phê duyệt các đề án phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm, giết mổ gia súc gia cầm an toàn, tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, cần nghiên cứu xây dựng đề án chống nhập lậu thủy sản.
“Việc nhập lậu cá tầm và các loại thủy sản khác, giao cho Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng đề án để ngăn chặn chống nhập lậu. Trong đó, vai trò của Bộ Công Thương là người gác cửa buôn lậu, nhưng trong nước Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tham gia. Phấn đấu tháng 9, các Bộ cho Ban thường trực Ban chỉ đạo nghe đề án này trước. Sau đó hoàn thiện và đến tháng 10 giao ban trực tuyến toàn quốc để công bố”.
Cũng trong 6 tháng qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an phát hiện, bắt giữ 500 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, tịch thu tiêu hủy 127 tấn gà sống, hơn 46 tấn thịt gia cầm, hàng trăm nghìn quả trứng và gia cầm giống…
Qua việc xét nghiệm gần 34 nghìn mẫu thực phẩm, cơ quan chức năng phát hiện gần 5.700 mẫu có hàn the, formaldehyde, phẩm màu và chất bảo quản vượt mức cho phép, chiếm 16,7%. Trong số 841 mẫu nông sản nguồn gốc thực vật được xét nghiệm, có 33 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc kim loại nặng vượt mức cho phép.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ