Tin nông nghiệp Thăng hoa nghề trồng lúa

Thăng hoa nghề trồng lúa

Tác giả QUANG NGỌC, ngày đăng 19/12/2015

Thăng hoa nghề trồng lúa

Để ĐBSCL trở thành vựa lúa lớn của thế giới như ngày nay cần hội tụ nhiều yếu tố: là nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng cho cây lúa, có lao động, có hệ thống thủy lợi tốt và cơ sở hạ tầng đáp ứng, có giống, biện pháp kỹ thuật phù hợp và cơ giới hóa tương đối hoàn chỉnh.

Yếu tố cơ giới hóa sau cùng nhưng chính nó làm cho nghề trồng lúa ĐBSCL thăng hoa.

Nghề nhàn hạ

Nghề trồng lúa nước là đệ nhất vất vả của nhà nông.

Cha ông ta từng có nhiều so sánh để diễn đạt, ca thán “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần” hay “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”...

Sự vất vả cực nhọc của nghề trồng lúa nước đã và đang lùi vào dĩ vãng, thậm chí ở một số nơi như bà Võ Thị Hồng (Kiến Tường, Long An) tâm sự: “Nói trồng lúa cực khổ vất vả là nói mười mấy năm về trước, khi lúa chín nước lớn phải gặt ôm vào gò cao, kêu thùng suốt tới, thậm chí kêu công không được, suốt ra thì gặp mưa không biết phơi đâu, còn nay thì nhàn hạ lắm, ông nhà tôi đã 60 tuổi mà làm 3 mẫu lúa 3 vụ khỏe re, còn có thời gian đi cà phê, đi hát karaoke”.

Theo điều tra của PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đồng Tháp Mười, trước đây canh tác 1 ha lúa ở ĐBSCL, từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch tiêu tốn 90-100 ngày công lao động, nhưng hiện nay chỉ còn 35-40 ngày công, chủ yếu là công chăm sóc như thăm đồng, bón phân, xịt thuốc.

Công đoạn tốn nhiều lao động nặng nhọc nhất như cắt, suốt đã được máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đảm nhận với số lao động không đáng kể.

TS.Hoàng Bắc Quốc, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL cho biết, việc thu hoạch bằng máy GĐLH đã làm giảm chi phí dịch vụ xuống 500.000 đ/ha, lúa bán được giá cao hơn 10 đ/kg, giảm thất thoát 2-3%, tính ra từ khi có máy GĐLH, cứ mỗi năm ĐBSCL có thêm 500 - 700.000 tấn lúa nhờ giảm hao hụt.

Theo thống kê trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL hiện có trên 10.000 máy GĐLH, đảm nhận thu hoạch cho 60% diện tích gieo trồng.

Các địa phương có diện tích lúa lớn như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp tỷ lệ thu hoạch bằng máy GĐLH lên đến 70-80%.

Tưng bừng các hội thi

Từ khi diện tích lúa 3 vụ tăng mạnh, và nhất là từ khi triển khai gieo sạ đồng loạt để né rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ĐBSCL xuất hiện hiện tượng thiếu hụt lao động trầm trọng khi vào vụ thu hoạch khiến cho giá trị ngày công bị đẩy lên cao.

Mà lúa thu hoạch không đúng độ chín, phơi sấy bảo quản không tốt khiến cho lúa bị giảm phẩm cấp, tỷ lệ hao hụt lên đến 14-15%, cao nhất các nước trong khu vực.

Giải pháp khắc phục duy nhất chỉ có việc sử dụng máy GĐLH nên việc tuyên truyền quảng bá sao cho người dân “chịu” máy GĐLH là nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó không thể thiếu vai trò nòng cốt của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2006, Hội thi máy GĐLH lần thứ nhất được Bộ NN-PTNT giao cho Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng sản phẩm tổ chức tại Nông trường sông Hậu.

Phần thì mới mẻ, phần chưa xác định đúng phương pháp tiếp cận nên hội thi này không gây được tiếng vang.

Rút kinh nghiệm, Hội thi năm 2007 được tổ chức tại Kiên Giang, tỉnh có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất nước, đồng thời đơn vị tổ chức được giao lại cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đơn vị làm sự kiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp chuyên nghiệp.

Sau khi bàn bạc, Trung tâm Khuyến nông quốc gia quyết định lồng ghép nội dung hội thi vào Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ, một chương trình hợp tác giữa Trung tâm và Báo Nông nghiệp Việt Nam đang rất hot.

Hội thi được giới truyền thông đặc biệt quan tâm ngay từ buổi họp báo đầu tiên.

Sức nóng của hội thi lan tỏa tận trong Nam ngoài Bắc, đã thu hút được tất cả các đơn vị cơ khí, liên quan đến cơ khí, hưởng lợi từ cơ khí nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, từ viện sĩ cổ cồn đến nông dân Hai Lúa chân đất… và hơn thế nữa, các cung bậc hỷ nộ ái ố được đẩy lên tột đỉnh cao trào.

Ở đấy mọi người được thấy gương mặt thất sắc của vị tiến sỹ cơ khí lặn lội mấy nghìn cây số từ Hà Nội tham dự nhưng chiếc máy của ông chỉ chạy được khoảng chục mét thì gãy càng, được thấy gương mặt thảng thốt của các kỹ sư Trung Quốc khi máy của họ không sao gặt được lúa đổ, được thấy gương mặt đăm chiêu của những chuyên gia từng lẫy lừng trong địa hạt xay xát gạo nhưng đứa con tinh thần của họ lại không nổi trội ở lĩnh vực mới, được chứng kiến gương mặt “bùng nổ sung sướng” của Út máy cày, một tay cơ khí tay ngang ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp...

Ngoài ra còn hàng nghìn, hàng vạn gương mặt sung sướng khác, họ là những nông dân SX giỏi được tỉnh bao đi lại, ăn ở, đi học tập kinh nghiệm; là nam, phụ, lão ấu nông dân Tân Hiệp không quản những cơn mưa sụt sùi tháng 9 đi coi cọp, ủng hộ đội nhà...

Hội thi ấy, giải Nhất thuộc về chiến xa “Út máy cày”.

Gọi là chiến xa vì Út chẳng chê ruộng ướt, chẳng nài ruộng khô, chẳng quan tâm lúa ngã nhiều, ngã ít, lầm lũi như chiến binh, cài số là tiến, là vơ, là cắt, là suốt vừa nhanh, vừa không rơi vãi.

Xếp Nhì là máy của cơ sở Vạn Phúc, đồng giải Ba là 2 máy Trung Quốc - Minh Phát và Vĩnh Hưng.

Theo thống kê, ở thời điểm tháng 9/2007, toàn ĐBSCL có 476 máy GĐLH và con số này đến hội thi tháng 3 năm sau ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp là 989 máy.

Rút kinh nghiệm ở Kiên Giang, bài thi năm 2008 không quá khó, 40 ha lúa ĐX cho hội thi liền khoảnh cùng trên một cánh đồng, được tổ chức gieo sạ cùng giống, cùng ngày, chăm bón cùng kỹ thuật, mặt ruộng bằng phẳng cùng độ cứng, độ lún xích không quá 10 cm.

Cũng từ hội thi Kiên Giang, các nhà khoa học cơ khí nông nghiệp cổ cồn Việt Nam nhận ra rằng đồng ruộng không phải là sân chơi của mình nên lặng lẽ rút.

Tại hội thi Đồng Tháp có 10 mẫu máy tham dự, trong đó có 7 mẫu xuất xứ từ Trung Quốc.

Hội thi lần này xuất hiện một nhân tố mới - cơ sở Tư Sang.

Năm ngoái, máy Tư Sang chỉ đoạt giải Khuyến khích.

Năm nay, Tư Sang có con học chế tạo máy của Đại học Bách khoa về tiếp sức và sự kết hợp giữa kỹ sư chuyên ngành chính hiệu cùng “kỹ sư miệt vườn” đã làm nên sức mạnh, chiếc máy 4ISZ 1.8 đã đưa chủ cơ sở cơ khí Tư Sang lên bục cao nhất nhận giải.

Một mẫu máy Việt Nam khác, máy cơ sở 5 Sanh (Cần Thơ) đoạt giải Ba, còn 7 mẫu máy Trung Quốc có 1 mẫu đạt giải Nhì, 1 mẫu giải Ba và 2 mẫu giải Khuyến khích.

Năm 2009, tại hội thi An Giang, số máy GĐLH của các tỉnh ĐBSCL đã lên tới con số 2.942 chiếc, tăng 6 lần chỉ sau 2 năm, một con số vô cùng ấn tượng.

Cũng cần nói thêm rằng, trong 2 lần thi trước, tuy máy Trung Quốc chưa bao giờ đoạt giải cao nhưng có số lượng bán ra thị trường có tính áp đảo.

Tại sao chất lượng không cao nhưng lại có nhiều người mua? Vì chỉ có máy Trung Quốc sản xuất trên dây chuyền hàng loạt, phụ tùng các đời, các thương hiệu hoán đổi được cho nhau nên các Cty nhập khẩu máy đều tổ chức bảo hành.

Trong lúc các cơ sở Việt Nam SX đơn lẻ theo kiểu độ chế trên một sườn máy cũ nên số lượng chỉ đáp ứng nhỏ giọt và thiết kế, chất lượng không đồng nhất.

Tuy nhiên việc chiến thắng liên tục 2 năm liền của các mẫu máy Hai Lúa Việt Nam khiến cho người tiêu dùng phân vân và càng có nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ máy Việt Nam.

Tình thế buộc các nhà SX và phân phối máy Trung Quốc hợp lực để giành chiến thắng tại hội thi An Giang.

Trước đó nhiều kỹ sư chế tạo đã được phái sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu cải tiến, nhiều đoàn cán bộ nông nghiệp được mời sang Trung Quốc tham quan nhà máy.

Kết quả không ngoài dự kiến, các mẫu máy Trung Quốc chiếm hết giải Nhất, Nhì, Ba, đẩy các máy Hai Lúa Việt Nam xuống giải Khuyến khích, duy nhất chỉ có máy Tư Sang cùng đoạt giải Nhì.

Sau 3 hội thi ở 3 tỉnh trọng điểm trồng lúa có năng suất và sản lượng lớn nhất, cộng hưởng với hiệu quả thực tế trong SX và chính sách hỗ trợ tín dụng của các tỉnh (phần lớn theo dạng cấp bù lãi suất ngân hàng 3 năm) thì ĐBSCL đã thực sự lên cơn sốt về máy GĐLH.

Ngoài Minh Phát, Cty đầu tiên nhập khẩu và phân phối máy Trung Quốc, hơn 10 Cty mới được thành lập để cung ứng mặt hàng đặc biệt này tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt, giá máy Trung Quốc vẫn nằm trong khoảng 180 triệu đồng bằng với giá 3 năm trước trong lúc đồng tiền Việt đã tự mất giá 15%.

Lượng máy GĐLH ở ĐBSCL đã lên hơn 4.000 chiếc, thu hoạch được 20% diện tích lúa của toàn vùng.

Theo tính toán của các chuyên gia, trần của máy GĐLH trên vùng đất này là khoảng 12.000 chiếc, thu hoạch khoảng 70% diện tích, bởi vậy có thể nói sau An Giang, hội thi cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu không có cuộc so tài cho vùng sinh thái duyên hải và Sóc Trăng đã được chọn làm nên hội thi “khủng” nhất với 15 mẫu máy tham dự.

Cuộc thi năm 2011 ở Bình Định giành cho đồng bằng miền Trung đã khép lại hội thi máy GĐLH các tỉnh phía Nam với 6 năm liên tục, tạo nên hiệu ứng cực tốt nằm ngoài tiên liệu của các nhà tổ chức.

Từ đó đến nay dù không tổ chức thi nữa nhưng nhóm nông dân khá giả, nhóm kinh doanh dịch vụ vẫn tự mua và đạt con số trên 10.000 máy, gần với con số trần lý thuyết.

Nông dân Việt và kỹ nghệ Nhật Bản

Với việc chỉ tốn 6 năm mà mở ra thị trường máy GĐLH trị giá trên 5.000 tỷ đồng, thay đổi cả bao lề thói SX đã thành cố cựu của người nông dân, góp phần to lớn vào sự nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả cho nghề trồng lúa, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nông thôn, có thể nói Hội thi máy GĐLH là chất xúc tác kỳ diệu nhất trong lịch sử ngành Nông nghiệp Việt Nam, là cách làm nhanh nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất của Trung tâm Khuyến nông quốc gia kết hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Trong suốt 6 năm hội thi diễn ra, có một đối tượng chỉ lặng lẽ đứng nhìn từ xa đấy là hãng SX nông cơ trứ danh có tên Kubota của Nhật Bản.

Thế nhưng, “ngâm ngẩm mà đấm chết voi” khoảng 5.000 máy Trung Quốc bán vào VN đã được thay thế bằng máy Kubota, nhất là sau sự kiện tàu Hải dương 981 thì 100% máy đang hoạt động trên đồng ruộng Việt Nam hiện nay đều không phải máy Trung Quốc.

Gần như thành cơn "bão", các máy GĐLH nhanh nhiều tốt rẻ của Tàu được nông dân hoán đổi thành máy cộ lúa (vận chuyển), một loại máy không thể thiếu trong đội hình dịch vụ gặt thuê chuyên nghiệp.

Mặc dù có giá cao gấp 3 lần máy Trung Quốc và Việt Nam nhưng sự lựa chọn của nông dân là lựa chọn của thực tế hiệu quả.

Vì thời vụ rất ngắn nên mỗi khi vào vụ thì máy cũng phải như người - không được nghỉ.

Với tiêu chí ấy thì chỉ có Kubota đáp ứng.

Ngoài sức bền, gặt khéo không kén ruộng, kén lúa, không rơi vãi, máy Kubota còn hạn chế được nhiều điểm không mong muốn do máy GĐLH mang lại mà chỉ có người nông dân thực sự chăm bẵm với đồng ruộng mới thấu hiểu.


Nông nghiệp Quảng Bình phát triển mạnh Nông nghiệp Quảng Bình phát triển mạnh Chi hơn 21 tỷ USD nhập phân bón, ngô, đậu Chi hơn 21 tỷ USD nhập phân bón,…