Mô hình kinh tế Thành Công Nhờ Sáng Tạo

Thành Công Nhờ Sáng Tạo

Ngày đăng 27/12/2013

Thành Công Nhờ Sáng Tạo

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Khởi nghiệp từ 2 triệu đồng

Chị Liên sinh năm 1968 trong gia đình nghèo, đông con cái, chính vì vậy, năm 11 tuổi, chị phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Năm 1989, chị lập gia đình, cuộc sống vẫn luẩn quẩn trong vòng nghèo đói khi con cái còn nhỏ, việc sản xuất gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kiến thức, thời tiết không thuận lợi. Dù vậy, lúc nào chị cũng lạc quan, tin tưởng một ngày nào đó mình sẽ thành công.

Năm 2002 là một dấu mốc chị không bao giờ quên trong hành trình làm giàu của mình. Đó là trong một lần tham gia liên hoan tiếng hát hay của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Nội, chị được vào vòng chung khảo và được thưởng 2 triệu đồng. Thời điểm đó, đây là số tiền lớn nên chị Liên quyết định phải làm một việc gì đó có ý nghĩa.

Vậy là chị dành toàn bộ số tiền thưởng mua lợn về nuôi, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất. Việc chăn nuôi ngày càng thuận lợi, chị mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô đàn.

Thời điểm năm 2005, chị thuê thêm 5.000m2 đất để trồng lúa, ngô, thạch đen, tăng đàn lợn từ 50 con lên 100 con, mỗi năm xuất bán gần 20 tấn lợn hơi, trừ chi phí, lãi 40 - 50 triệu đồng. Gia đình chị đã xếp vào danh sách những hộ khá giả của địa phương.

“Nếu tôi không mạnh dạn tham gia công tác đoàn thể, không tích cực học hỏi kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật thì có lẽ gia đình sẽ mãi trong cảnh nghèo”, chị Liên cười và nói.

Bước ngoặt lớn

Khoảng năm 2010, dịch bệnh trên đàn lợn hoành hành trong khi giá bán có xu hướng giảm, chị quyết định giảm dần số lượng nuôi, chuyển sang kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; làm đại lý cho một số công ty phân bón. Năm 2012, một cơ hội nữa lại đến với chị trong lần đi tham quan, học tập kinh nghiệm chế biến bột dong riềng thành miến dong ở Bắc Kạn. Nhìn tận mắt dây chuyền sản xuất miến, trong đầu chị Liên đã nảy ra ý nghĩ: “Loại dong riềng này ở Cao Bằng rất nhiều, thị trường tiêu thụ miến cũng rộng, tại sao không thử nghiệm?”.

Vậy là chị về nhà, mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng mua giống dong riềng mang đến tận nơi cho các hộ trồng, sau đó ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chị đầu tư xây nhà xưởng và mua giàn máy sản xuất, chế biến bột dong thành miến dong nguyên chất mang thương hiệu “miến dong Đông Khê”, đồng thời thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất miến dong.

“Rất may cho tôi là sản phẩm làm ra đến đâu được bà con tiêu thụ ngay đến đấy. Hiện, mỗi ngày tôi làm được 2 tạ miến, bán với giá bình quân 45.000 đồng/kg”, chị Liên cho biết. Để công việc sản xuất thuận lợi, chị còn mạnh dạn xây dựng 300m2 nhà xưởng, thuê 8 công nhân làm việc.

Nhưng dường như sự sáng tạo vẫn còn tiềm ẩn trong người phụ nữ này. Thấy ở nhiều nơi làm miến dong gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chị nghĩ ngay đến việc tận dụng bã dong riềng để làm nấm, đặt cho cái tên rất lạ: nấm dong. Khi tôi hỏi về ý tưởng táo bạo này, chị Liên bảo: “Tham quan nhiều cơ sở sản xuất miến dong ở Bắc Kạn, tôi thấy bã dong thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nếu kéo dài tình trạng này thì sản xuất sẽ không bền vững, có khi còn bị phạt nên tôi quyết định tận dụng bã thải để làm nấm”.

Vậy mà cũng phải đến lần thứ ba thử nghiệm, chị Liên mới thành công. Lần thứ nhất thất bại do chị không dùng nước vôi khử trùng bã dong; lần thứ hai hỏng vì làm không đúng cách, sau đó chị rút kinh nghiệm và cuối cùng thì nấm cũng mọc lên. Chị dự kiến thời gian tới sẽ làm hàng nghìn bịch nấm theo phương thức gối đầu để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Tôi bảo: “Chị đã chọn một hướng đi khả quan vì nấm là sản phẩm của tương lai”, chị Liên cười: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, sản xuất muốn bền vững thì phải thân thiện với môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh nên cố gắng tận dụng hết phế thải, nếu được thị trường đón nhận thì đây cũng là hướng đi cho nhiều bà con áp dụng, tôi sẵn sàng cung cấp bã dong, hướng dẫn kỹ thuật làm nấm”.

Mong mỏi lớn nhất của chị Liên bây giờ là nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư xây phòng bảo quản lạnh, từ đó có thể thu mua nhiều hơn nguyên liệu dong riềng của bà con, kéo dài thời gian chế biến, không quá phụ thuộc vào mùa vụ như hiện nay.

Với những sáng tạo của mình, chị Liên vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen nhân dịp tôn vinh những phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi trong 10 năm qua.

Đơn vị, cá nhân có nhu cầu mua miến dong, học hỏi kỹ thuật làm nấm từ bã dong,liên hệ theo địa chỉ:

Chị Triệu Thị Liên, thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An – Cao Bằng). Điện thoại: 0974.742.999.


Trồng Cà Chua Trái Vụ Thu Nhập Cao Trồng Cà Chua Trái Vụ Thu Nhập Cao Chuyện Về Một Người Mù Làm Kinh Tế Giỏi Chuyện Về Một Người Mù Làm Kinh Tế…