Thành Công Với Mô Hình Nuôi Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín
Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phòng, đất nước độc lập. Những người lính chiến đấu trong quân đội trở về với quê hương, gia đình mình. Người thì lo làm kinh tế, người thì tiếp tục phục vụ cho địa phương nơi mình sinh sống. Vào những ngày này, chúng tôi có dịp gặp rỡ và trao đổi với người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của huyện Vĩnh Lợi, đó là ông Võ Văn Dện cư ngụ ở ấp Thông Lưu B - Thị trấn Châu Hưng - Vĩnh Lợi. Ông là người thành công với mô hình nuôi đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diên tích gần 1 ha.
Ông Dện cho biết sau thời gian suy nghĩ cẩn thận, ông quyết định thực hiện mô hình nuôi heo – cá sấu – baba – bò – cá - rẫy kết hợp khép kín với quy mô gia đình bắt đầu từ năm 2006. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên ông đã thực hiện mô hình thành công suốt 5 năm qua, mỗi năm thu nhập từ 100 - 220 triệu đồng. Năm 2009, là năm ông thành công nhất với mô hình này và đã thu về gia đình hơn 220 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 110 triệu đồng.
Ông Dện tâm sự: trước khi thực hiện mô hình này đời sống gia đình khó khăn, thu nhập chính là từ trồng lúa, làm rẫy chỉ hơn 20 triệu đồng/năm. Sau đó ông bắt đầu chăn nuôi thêm heo, bò để cải thiện thu nhập. Nhờ biết tính toán cách làm ăn hợp lý nên dần dần ông tích luỹ được số vốn kha khá để mở rộng quy mô sản xuất của gia đình. Năm 2008, ông tiến hành nuôi thêm cá sấu, baba. Lúc đó, trang trại của ông có 7 heo nái và 30 con heo lứa, mỗi năm đẻ khoảng 120 heo giống.
Về ba ba, ông đầu tư hơn 3 triệu đồng để đào ao rộng 1000 m2 nuôi 1000 con baba. Ông cũng đầu tư gần 7 triệu đồng để xây chuồng, trại và nuôi 50 con cá sấu. Sang năm 2009, ông tiếp tục đầu tư hơn 20 triệu đồng để nuôi 100 con cá sấu (giá 320 ngàn đồng/con) và tiếp tục duy trì, phát triển đàn heo, baba... Hiện nay, đàn cá sấu và baba đã được 10 tháng tuổi đang phát triển rất tốt: cá sấu đạt trọng lượng 6 – 8 kg/con, trọng lượng trung bình của ba ba 500-700 g/con, uớc sản lượng khoảng 550 kg. Năm 2010, ông nuôi thử nghiệm 8 con heo mọi.
Khi tham quan quy mô trang trại gia đình của ông, chúng tôi thấy rằng yếu tố quyết định thành công của mô hình này là ông Dện biết kết hợp một cách khoa học các đối tượng nuôi thông qua việc bố trí khu vực nuôi hợp lý, sáng tạo. Cá nước ngọt như: rô phi, mè trắng, chép… sẽ được nuôi để cung cấp thức ăn cho cá sấu, baba; nước thải từ chuồng nuôi cá sấu, heo sau khi được xử lý sẽ được sử dụng để tưới rẫy, nuôi cá…
Ông Dện còn cho biết thêm, trong chăn nuôi thì khâu vệ sinh thú y và tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi là rất quan trọng. Đối với nuôi heo, định kỳ 7– 10 ngày ông tiêm phòng cho heo con một lần, trộn các men tiêu hóa, chất dinh dưỡng vào thức ăn để tăng đề kháng cho heo. Đối với cá sấu, baba, ông thường xuyên kiểm tra sức khỏe và thay nước định kỳ để đảm bảo môi trường tốt nhất cho chúng phát triển.
Với những nỗ lực và thành công đạt được trong những năm qua, ông vinh dự được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh và kỷ niệm chương của hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh Bạc Liêu về những cống hiến của mình cho sự phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Ông Võ Văn Dện cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân để ngày càng có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ